Ở bậc tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu triển khai đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021, đến nay, chương trình đã thực hiện đối với khối lớp 4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc tổ chức giáo dục các nội dung về Quyền trẻ em đã được nâng lên thành nội dung nói về Quyền con người. Trong đó, các nội dung như tạo cơ hội bình đẳng về quyền được chăm sóc, được bảo vệ, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh. Điều này đặt nền móng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh được giáo viên chú trọng thực hiện thông qua nhiều giải pháp khác nhau nhằm giúp học sinh phát triển đầy đủ các năng lực phẩm chất.
Theo chia sẻ của đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cho hay: Nội dung Quyền con người được giáo viên lồng ghép, tích hợp khéo léo trong các giờ học, đặc biệt là các giờ học Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội… Các hoạt động giáo dục truyền thụ kiến thức được giáo viên lồng ghép các câu hỏi gợi mở để giúp học sinh nhận ra và lĩnh hội các kiến thức về Quyền con người ở mức cơ bản.
Việc tích hợp này cũng được thực hiện song song với hành vi nêu gương của giáo viên, giáo viên khi muốn học sinh thực hiện điều gì thì bản thân cần phải nêu gương thực hiện trước điều đó cho học sinh noi theo.
Bên cạnh việc tổ chức tích hợp nội dung Quyền con người vào trong các tiết học, nhiều trường tiểu học trong các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm, tổ chức các hoạt động truyền thông cho học sinh cũng đã xây dựng các chuyên đề có liên quan đến các nội dung cơ bản về Quyền con người cho học sinh được học tập, tìm hiểu và trải nghiệm. Các chủ điểm như bảo vệ Quyền trẻ em, quyền được sống an toàn, giáo dục học sinh phòng chống bạo lực gia đình, chống xâm hại luôn được các trường chú trọng.
Chia sẻ về nội dung này, ông Hà Huy Giáp, trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT Bắc Giang cho hay: Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy học nội dung Quyền con người trong chương trình giáo dục.
Tổ chức quán triệt 100% cán bộ quản lí, giáo viên nắm bắt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền, giáo dục Quyền con người. Thông qua các lớp tập huấn, chuyên môn, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên đã lồng ghép kiến thức về Quyền con người qua các chuyên đề.
Bên cạnh đó, Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên môn đánh giá thực trạng công tác giảng dạy Quyền con người trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa hiện nay từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh. Qua đó, Sở nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện dạy học nội dung quyền con người.
Ngoài ra, trên cơ sở rà soát nội dung giảng dạy liên quan đến Quyền con người trong chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học đang triển khai, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tích hợp, lòng ghép các nội dung về quyền con người vào trong kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục trong giờ chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Ví dụ như trong môn Đạo đức tích hợp, lồng ghép với nội dung về giáo dục pháp luật gồm: Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông; Tuân thủ quy định nơi công cộng; Quyền và bổn phận của trẻ em…
Căn cứ vào kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, giảng dạy trên lớp hằng ngày đều lồng ghép, tích hợp nội dung về Quyền con người một cách cụ thể, rõ ràng. Các trường khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa đều chú trọng tuyên truyền, giáo dục Quyền con người, nâng cao nhận thức cho học sinh.
Xác định giáo dục Quyền con người cho học sinh tiểu học là hoạt động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho học sinh thông qua các hình thức, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp đặc điểm lứa tuổi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Sở GDĐT đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán các nội dung, kiến thức về quyền con người. Đặc biệt tập huấn về quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 bao gồm 4 nhóm quyền cơ bản như quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia.
Việc triển khai công tác giáo dục Quyền con người tại Việt Nam nói chung và trong các trường tiểu học nói riêng phù hợp với xu thế trên thế giới và Việt Nam. Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã lồng ghép, tích hợp các nội dung về Quyền con người. Tuy nhiên phần lớn địa phương đang gặp phải khó khăn như các văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy học nội dung Quyền con người chưa đầy đủ. Các cơ sở giáo dục tiểu học bao gồm cán bộ quản lí và giáo viên đều chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và giá trị giáo dục quyền con người; thời lượng dành riêng cho các môn học về nội dung Quyền con người còn hạn chế. Hiện nay, chưa có tài liệu hướng dẫn riêng, thiết bị phục vụ dạy học nội dung Quyền con người.
Minh Phong