Thi tốt nghiệp THPT 2+2: Giảm áp lực, phù hợp với triết lý "tích hợp cấp dưới, phân hóa ở cấp trên"

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn (phương án 2+2) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Đa số giáo viên, phụ huynh, học sinh và các chuyên gia giáo dục đều đồng tình với phương án này vì giảm căng thẳng, đỡ tốn kém cho xã hội, không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối. Song, phương án 2+2 cũng sẽ có tác động tới tuyển sinh đại học, gây xáo trộn trong việc thiết kế tổ hợp xét tuyển…

Chuyển từ “thi gì học nấy” sang “học để biết, học để làm việc…”

Rất nhiều học sinh THPT phấn khởi đón nhận phương án thi tốt nghiệp 2+2. Em Trần Hoàng Linh, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) chia sẻ: Khi Bộ GD-ĐT lấy ý kiến nhân dân về các phương án thi, gia đình em đã ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 2+2. Rút bớt môn thi, lại được tự chọn 2 môn mình yêu thích, rõ ràng giảm áp lực tâm lý cho chúng em, em có thời gian để lựa chọn môn học phù hợp với năng lực và sở trường, định hướng nghề nghiệp trong tương lai”. Còn em Trần Minh Quang, học sinh Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cũng cho biết, cả lớp em đều đồng tình với phương án được Bộ lựa chọn, vì phương án này, xuất phát từ quyền lợi của người học và cũng tiến tới làm gọn nhẹ, đơn giản kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Năm cuối cấp, chúng em sẽ rất căng thẳng trước việc chọn ngành, chọn nghề, rồi tuyển sinh đại học. Do đó, khi phương án thi tốt nghiệp 2+2 được áp dụng, gánh nặng, áp lực thi cử đã được giảm tải. Trong tổ hợp xét tuyển em được định hướng có cả 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh, nên em khá thuận lợi vì đây là tổ hợp truyền thống được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn gặp khó một chút nếu như các trường đại học thiết kế lại tổ hợp xét tuyển để thích ứng với phương án thi tốt nghiệp 2+2”, Trần Minh Quang bày tỏ.

Phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2 được đa số học sinh phấn khởi đón nhận đồng tình

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, thầy ủng hộ phương án phương án thi tốt nghiệp 2+2 vì phương án này đã thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 là thi cử phải “giảm áp lực, đỡ tốn kém…” cho xã hội. Theo thầy Bình, Chương trình GDPT 2018 chia thành 2 giai đoạn: Cấp tiểu học, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản; cấp THPT giáo dục định hướng nghề nghiệp, nên Bộ GD-ĐT quyết định với số môn thi như vậy là hợp lý. Thầy phân tích, đánh giá học tập của học sinh không chỉ đánh giá từng thời điểm mà còn đánh giá qua cả quá trình học tập. Những môn không thi, không có nghĩa là học sinh không học, mà nhà trường vẫn thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định. Tuy nhiên, với phương án thi tốt nghiệp 2+2 từ năm 2025, để đạt được mục tiêu giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh cũng phải thay đổi mạnh mẽ: Đó là phải thực sự đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Thầy “dạy thật”, học sinh ”học thật”, “kiểm tra, đánh giá thật” (thi thật) để có “chất lượng thật”. 

“Rất khó khi mà cách đánh giá hiện nay vẫn mang tính “động viên”, nhất là những môn học không thi. Do đó, tôi cho rằng, cần thay đổi dần nhận thức “thi gì học nấy”, “ sang “học để biết, học để làm việc, học để hoàn thiện mình…”. Điều đó đòi hỏi một quá trình lâu dài, sự quyết tâm của ngành giáo dục, mà trọng tâm là từng cơ sở giáo dục. Nếu không thay đổi được chắc chắn học sinh (và cả giáo viên) cũng sẽ tập trung vào những môn thi”, thầy Nguyễn Quốc Bình cho hay.

Tại buổi công bố phương án thi tốt nghiệp 2+2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng: Việc giảm môn thi bắt buộc, trong đó có môn ngoại ngữ, tăng môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình GDPT mới 2018 đã thể hiện lộ trình từng bước chuyển nền giáo dục nặng về học để thi, có thi mới học chuyển sang nền giáo dục thực học, thực dạy, thực nghề, thực nghiệm, học để làm, không phải học để thi. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, môn học không được chọn là môn thi bắt buộc sẽ không làm giảm đi tính quan trọng của môn học. Với việc lựa chọn 2/9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, không chỉ giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 mà còn tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, điều kiện hoàn cảnh của mình.

Thi cử giảm áp lực, căng thẳng giúp thí sinh có cơ hội định hướng nghề nghiệp theo năng lực, sở trường

Thi tốt nghiệp 2+2 theo đúng tinh thần của đổi mới giáo dục

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phương án thi tốt nghiệp 2+2 rất nhẹ nhàng khi chỉ có 4 môn thi, nhưng Bộ GD-ĐT sẽ phải tổ chức làm đề và có các ca, buổi thi cho số lượng là 11 môn. Riêng đề môn ngoại ngữ còn phải ra cho tất cả 7 môn ngoại ngữ để thí sinh thi đúng môn ngoại ngữ đã được học.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: 

Theo GS Thanh, dù cũng thi với số lượng 4 môn như mấy chục năm trước nhưng bản chất lại rất khác nhau. Trước đây tất cả môn thi do Nhà nước yêu cầu, học sinh buộc phải thi bất kể xu hướng năng lực, sở thích, định hướng ngành nghề. Còn từ 2025, theo triết lý "tích hợp cấp dưới, phân hóa ở cấp trên" theo định hướng nghề nghiệp, học sinh được quyền tự chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp (xét tuyển đại học, cao đẳng) đúng theo tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018.

“Với phương thức thi 2+2 như vậy, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn nữa. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác”, GS Nguyễn Quý Thanh cho hay và phân tích, số lượng các tổ hợp các môn thi là 36. Đây chính cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học. Số lượng tổ hợp này chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng các tổ hợp đang dùng xét tuyển hiện nay. 

Việc không thực hiện bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội (như trong phương án thi năm 2023) là do thiết kế của chương trình GDPT 2018 có các môn lựa chọn (khác với chương trình trước chương trình 2018 khi mà 100% các môn là bắt buộc). Vì sự lựa chọn (5 trong số 9 môn) ở các học sinh và ở các trường rất khác nhau, cho nên không thể có cùng tổ hợp môn KHTN hay KHXH chung cho mọi thí sinh trên cấp độ toàn quốc.

“Để hoàn tất toàn bộ việc chuyển đổi chương trình thì phải đợi năm 2032 khi nhóm học sinh học đầu tiên học đầy đủ 12 năm theo Chương trình GDPT 2018. Khi đó hoàn toàn có thể tính tín chỉ tích lũy mà không cần thi tốt nghiệp (nếu sửa cả Luật Giáo dục 2019), hoặc thi bài thi theo hướng đánh giá năng lực thực sự. Việc này cũng tương tự khi vào những năm 80 Việt Nam chuyển từ phổ thông hệ 10 năm sang hệ 12 năm”, thầy Thanh chia sẻ.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc giảm thiểu các môn thi theo phương án này đáp ứng được yêu cầu giảm áp lực thi cử cho học sinh. Những thay đổi này cũng sẽ kéo theo giảm các tổ hợp môn thi để xét tuyển đại học theo truyền thống như các năm trước. Thay vì chọn các tổ hợp 3 môn trong 6 môn thi THPT như những năm trước, chỉ còn lựa chọn 3 môn trong tổ hợp 4 môn, do đó, phương án và tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào đại học với thí sinh sẽ giảm đi khá nhiều.

“Nhưng những thay đổi này theo tôi không dẫn đến những thay đổi lớn, không phải là vấn đề đáng lo, vì quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định phải có Toán hoặc Ngữ văn là bắt buộc trong tổ hợp, do vậy, tùy thuộc vào ngành học/lĩnh vực, các trường sẽ có quy định cụ thể, công bố các tổ hợp xét tuyển”, GS Nguyễn Đình Đức nói.

Hà Phương

Bạn đang đọc bài viết Thi tốt nghiệp THPT 2+2: Giảm áp lực, phù hợp với triết lý "tích hợp cấp dưới, phân hóa ở cấp trên" tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn