Nghị quyết 29: Thay đổi toàn diện ngành giáo dục và đào tạo ở các tỉnh thành

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong tâm thế nỗ lực, quyết tâm, linh hoạt và sáng tạo, nhiều tỉnh thành cho biết đã đạt được thành tựu trong ngành giáo dục và đào tạo.

“Bức tranh” giáo dục ở các tỉnh thành đã thay đổi mạnh mẽ

Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Với quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 kế hoạch, 2 quyết định, HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 26 quyết định, 6 kế hoạch; các địa phương ban hành hàng trăm nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo tại địa phương, đơn vị.

Giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: TN

Chia sẻ từ địa phương này, một trong những kết quả nổi bật nhất, đó là chất lượng giáo dục đại trà đã được cải thiện không ngừng. Cách đây 8 năm, giáo dục đại trà của Thanh Hóa đứng thứ 47 cả nước, hiện tại đã vươn lên vị trí thứ 21. Toàn bộ 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, quy mô trường lớp được mở rộng. Thanh Hóa là tỉnh thứ 15 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; là tỉnh thứ 12 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Giáo dục mũi nhọn giữ vững trong top đầu cả nước tại các kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, đào tạo nghề được quan tâm phát triển; tỉ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao. Giáo dục ngoài công lập và công tác xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Trong giai đoạn 2013-2022, nguồn ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục và đào tạo đạt trên 85 nghìn tỉ đồng, chiếm 31,5% tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh.

Tại Gia Lai, nhiều chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo của tỉnh đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu và đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 59%; tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non đạt 92,04%; tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt 99,9%; tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở đạt 93,6%; tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi trung học phổ thông đạt 57,5%.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung đổi mới thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả; đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được thực hiện gắn với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo… Đến nay, toàn tỉnh có 1.028 cơ sở giáo dục, trong đó có 266 trường mầm non, 495 trường phổ thông, 267 cơ sở giáo dục thường xuyên. Quy mô dạy học 2 buổi/ngày bậc tiểu học đạt tỉ lệ 80,9%; trong đó đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Kì thi học sinh giỏi quốc gia luôn đứng thứ hai và thứ ba của Tây Nguyên. Duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đạt chuẩn xóa mù chữ.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá: “Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, tổng số đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh là 22.587 người, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn được thực hiện sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác đổi mới căn bản, toàn diện.

Toàn tỉnh đã có 668/728 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 91,76%); 553/728 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (đạt 75,96%); có 587/728 trường đạt xanh - sạch - đẹp - an toàn (đạt 80,63%).

Tại Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2022, có 114/208 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 54,80%; 128/153 trường TH đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 83,66%; 115/130 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 88,46%; 18/52 trường TH & THCS đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 34,62%; 26/39 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 66,67%.

Lãnh đạo tỉnh cũng đánh giá, việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học sinh trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông từ năm 2013 đến nay có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của số đông phụ huynh, học sinh, làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Giáo dục tiếp tục được ưu tiên trong thời gian tới

Dù đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 29, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức, trở ngại và đang trở thành bài toán cần vượt qua cho các tỉnh thành.

Bí thư Tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong chia sẻ, hiện địa phương còn một số trường học có quy mô nhỏ dưới 200 học sinh; công tác phân luồng chưa phát huy hiệu quả cao, còn 17% học sinh sau tốt nghiệp THCS và khoảng 20% học sinh sau tốt nghiệp THPT nghỉ học lao động trực tiếp; vẫn còn giáo viên chưa tâm huyết, chưa trách nhiệm, chưa nhiệt tình trong giảng dạy, hạn chế về năng lực chuyên môn...

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là giáo dục là quốc sách, giáo dục và đào tạo phải đi trước, các mục tiêu đạt sớm hơn so với mục tiêu chung của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lí giáo dục, đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo những công dân toàn cầu.

Cùng với đó, trong đổi mới giáo dục cần chú trọng dạy thật, học thật, đánh giá thật; đổi mới giáo dục phải hướng tới giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kĩ năng, sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.

Bí Thư tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên cho hay: “Bức tranh” giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả; có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều. Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, còn có học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt. Chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề ở một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chưa bền vững. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lí, dạy và học chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Bệnh thành tích, bệnh hình thức, lạm thu trong cơ sở giáo dục vẫn diễn ra…

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ các yếu tố căn bản của giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu đào tạo của xã hội. Quan tâm khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế; tăng cường quản lí cơ sở vật chất, tài chính của từng cơ sở giáo dục; thường xuyên kiện toàn, bổ sung đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tăng cường duy trì sĩ số học sinh, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất trường học từ nguồn ngân sách địa phương cũng như từ nguồn xã hội hóa, ưu tiên đầu tư vùng sâu sâu, vùng xa, vùng đồng bào dan tộc thiêu số để đáp ứng đổi mới giáo dục.

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết 29: Thay đổi toàn diện ngành giáo dục và đào tạo ở các tỉnh thành tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19