Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thăm và làm việc tại trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: PV
Xu hướng tự chủ đại học là một hướng đi hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng lớn cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế đặt ra những tiêu chí cao hơn cho nguồn nhân lực chất lượng phải vượt trội về sức khỏe, trí tuệ, năng lực, trình độ, ý thức, trách nhiệm. Các trường đại học và kết quả đào tạo của Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra những nhân tố chủ lực trong quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước.
Theo đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tự chủ đại học trao quyền và trách nhiệm cho các trường. Với quyền tự chủ, mỗi trường đại học tự xây dựng, triển khai chiến lược và các mô hình, phương pháp đào tạo phù hợp với nguồn lực và định hướng của mình, thay vì tất cả các trường hoạt động dưới một chiến lược chung duy nhất trên toàn quốc. Phát huy quyền tự chủ, các trường có thể ra quyết định nhanh hơn, năng động hơn, theo đó đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng được những lối đi riêng, màu sắc riêng trong hành lang chung, tạo thế cạnh tranh cần thiết trong xu hướng hội nhập của giáo dục Việt Nam. Trong những năm qua, tự chủ đại học tại Việt Nam có những chuyển biến tích cực, giúp các trường đại học phát huy tối đa nội lực, khả năng sáng tạo trong việc đào tạo, từ đó phát triển tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho xã hội, đưa đất nước ngày một phát triển vững mạnh.
Là cơ sở giáo dục đại học tiên phong thực hiện tự chủ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang luôn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, tái cấu trúc bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ tinh gọn để nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, triển khai mạnh mẽ phân cấp, phần quyền cũng giúp cho hệ thống điều hành quản lý vận hành trơn tru từ Đại học đến các đơn vị và đến từng cán bộ, người học. Cơ cấu hành chính, hỗ trợ tập trung được đặt nặng trên cấp Đại học nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các Trường thuộc là đơn vị chuyên môn lớn, nhưng có cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính gọn nhẹ, được phân cấp và phân quyền mạnh không chỉ về học thuật mà cả về tổ chức, nhân sự, tài chính, nhưng không được phân lập, hoạt động thống nhất dưới hệ thống quản trị, quản lý và hỗ trợ tập trung từ Đại học, bảo đảm chung một quan điểm.
Việc phân quyền, phân cấp trong mô hình quản trị chia sẻ nhằm phát huy tính tự chủ cao của các đơn vị và triển khai tự chủ tới từng cán bộ viên chức trong đơn vị để thực hiện cao nhất và hướng đến cao nhất là tự chủ học thuật. Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm phát triển quan hệ với các tập đoàn lớn và với các tổ chức, đại học nước ngoài để hỗ trợ các đơn vị chuyên môn khai thác nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu. Quy mô đào tạo toàn Đại học tăng 1,5 lần trong 10 năm vừa qua nhưng chất lượng đào tạo đại học chính quy tiếp tục được giữ vững và nâng cao, thể hiện qua đánh giá phản hồi của sinh viên đang học, tình hình việc làm và đánh giá phản hồi của sinh viên tốt nghiệp cũng như ý kiến đánh giá của nhà tuyển dụng.
Các đơn vị chuyên môn được giao quyền và trách nhiệm nhiều hơn trong quản lý đề tài, nhiệm vụ các cấp, bao gồm cả phân cấp việc xét chọn và sử dụng kinh phí đề tài cấp cơ sở, trong phát triển hợp tác nghiên cứu với đối tác trong và ngoài nước. Tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, thu nhập tăng thêm cũng được áp dụng dựa trên kết quả thành tích công bố khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Năng suất và thành tích nghiên cứu trong 10 năm qua thể hiện ở sự gia tăng công bố khoa học quốc tế uy tín tăng khoảng 6,8 lần.
Từ năm 2020, Trường Đại học Cần Thơ đã được Bộ GDĐT cho phép thực hiện quyền tự chủ tài chính ở mức 2, từ đó Nhà trường đã vận hành hoạt động theo các quy định hiện hành và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các phương án tự chủ để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành quy trình thành lập Hội đồng trường. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Quy chế Tổ chức và hoạt động do Hội đồng trường ban hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế tại mỗi giai đoạn nhất định. Trường đã chủ động, tích cực trong việc quán triệt nội dung Nghị quyết, cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, quy định,… nhằm đổi mới công tác quản lý và quản trị đại học. Quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ cấu tổ chức bộ máy thông qua việc thường xuyên rà soát, sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực thông qua việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Ảnh: PV
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, kiến tạo phát triển và quản lý giáo dục đại học.
Tự chủ đại học là thuộc tính của hệ thống giáo dục đại học, là nền tảng và động lực then chốt để các cơ sở giáo dục đại học tối ưu hóa hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu.
Minh Phong