Xã hội hóa (XHH) là một chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm nhằm huy động nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục đất nước. Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục về XHH việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) là chủ trương hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế XHH, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.
Tuy nhiên, với đặc thù mang tính mới mẻ, thời gian áp dụng vào thực tiễn còn ngắn và tác động có ảnh hưởng tới nhiều đối tượng, một trong những vấn đề cơ bản đầu tiên cần làm rõ khi nghiên cứu về XHH SGK là nội hàm (khái niệm, bản chất) của chính sách giúp hiểu đúng nội dung chính sách, từ đó làm cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn về chính sách để đưa ra được phương hướng, giải pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình thực thi chính sách.
Nội hàm khái niệm “chính sách xã hội hóa giáo dục”
Các chính sách
“XHH giáo dục” (XHHGD) là một thuật ngữ được sử dụng tương đối rộng rãi từ sau Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII). Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã chỉ rõ XHHGD là “huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lí của nhà nước”. Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 đã cụ thể công tác XHHGD là vận động và tổ chức để toàn dân, toàn xã hội thực hiện việc “học tập suốt đời” và tham gia phát triển giáo dục, biến việc học tập thành một phong trào rộng rãi để dần dần tiến tới một xã hội học tập (Chính phủ, 1997). Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kì CNH-HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 đã chỉ rõ “Thể chế hoá chủ trương XHHGD đã ghi trong nghị quyết Đại hội VIII”. Thực hiện chủ trương XHHGD đã nêu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. Sau Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII nêu trên, Luật Giáo dục ra đời năm 1998, lần đầu tiên công nhận chế độ đa sở hữu đối với các cơ sở giáo dục, bao gồm công lập, bán công, dân lập và tư thục.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về XHHGD. Những năm gần đây, chủ trương XHHGD còn được Trung ương chỉ đạo rõ hơn trong Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong phần Định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết xác định: “Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Thực hiện dân chủ hóa, XHH GD-ĐT”. Ngày 14/6/2019, tại Kì họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục năm 2019. Luật xác định: “Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục...”.
Có thể nói rằng, các cơ sở chính trị, pháp lí nêu trên là căn cứ quan trọng để việc XHHGD được ghi nhận và phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh chung về phát triển giáo dục Việt Nam trong những năm qua.
Các nghiên cứu
Theo Phạm Tất Dong và Lê Ngọc Hùng (2008), thuật ngữ “XHH” chỉ sự tăng cường chú ý quan tâm của xã hội về vật chất và tinh thần những vấn đề, sự kiện cụ thể nào đó của xã hội mà trước đây chỉ có một bộ phận xã hội, có trách nhiệm quan tâm. XHH là một quá trình. Khái niệm “XHH” nói lên sự chuyển hóa từ tính chất cá nhân thành tính chất xã hội. Chữ “hóa” để nói đến sự chuyển hóa từ cái này đến cái khác. Theo Lê Ngọc Hùng (2009), cụ thể hơn, khi nói đến XHHGD là nói đến sự tham gia của xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Giáo dục không còn là một lĩnh vực “độc quyền” của nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội với sự tham gia của các cá nhân, các tổ chức xã hội. Nguyễn Thị Huyền Trang và Trần Thị Hoài (2018) đã gọi tên chính sách XHHGD bằng thuật ngữ “Societalization”. Thuật ngữ này có 2 ý nghĩa: nghĩa đầu tiên nói về sự thay đổi chuyển biến mang tính xã hội ngày càng cao của một cá nhân; nghĩa thứ hai, ít phổ biến hơn nhưng lại gần với bản chất chính sách XHH, là sự thay đổi về sở hữu, sự thay đổi về tính phụ thuộc của một vấn đề, từ phạm vi cá nhân đến phạm vi xã hội.
Một số nghiên cứu khác không phản ánh trực tiếp chính sách XHHGD mà nghiên cứu sang những nội hàm gần và có liên quan với XHHGD. Phan Huy Đường (2008) định nghĩa “đối tác công - tư” là thỏa thuận giữa nhà nước với một hoặc nhiều đối tác tư nhân trong đó đối tác tư nhân cung cấp các tài sản hạ tầng và dịch vụ công phù hợp với mục tiêu của nhà nước và mục tiêu lợi nhuận của đối tác tư nhân. Nội hàm này hoàn toàn phù hợp với nội dung chính sách XHH trong giáo dục, khi cơ quan nhà nước (Bộ GD-ĐT) giữ vai trò quản lí chung, nhưng huy động các cơ sở trong và ngoài công lập cùng tham gia các công tác về giáo dục. Theo Lê Văn Tranh và Nguyễn Duy Trinh (2021), thuật ngữ “XHHGD” có nhiều cách hiểu với những nội hàm ít nhiều liên quan đến các khía cạnh như: phi tập trung hóa (decentralization); giáo dục suốt đời (longlife education); xã hội học tập (learning society); giáo dục cộng đồng (community education).
Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới về khái niệm, nội hàm một số chính sách về giáo dục cùng bản chất với chính sách xã hội hóa giáo dục tại Việt Nam
Với khái niệm và nội hàm chính sách XHHGD tại Việt Nam đã nêu ở trên, xét theo thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh và cơ sở dữ liệu về các nghiên cứu ngoài nước, có thể thấy được một số thuật ngữ có nội dung gần, trùng hợp một phần với phạm trù XHHGD tại Việt Nam. Cụ thể như các chính sách Tư nhân hóa giáo dục (Privatization of Education), chính sách Khuyến khích thành phần tư nhân tham gia vào giáo dục (Private Sector Involvement), chính sách Hợp tác công tư trong giáo dục (Public private partnerships in Education), chính sách Phân cấp trong quản lí (Decentralization), chính sách XHH trong tài chính giáo dục như chia sẻ chi phí trong giáo dục (Cost-sharing).
Nghiên cứu làm rõ khái niệm “tư nhân hóa” (Privatization) trong giáo dục
Nghiên cứu về “tư nhân hóa” (Privatization) trong giáo dục, Belfield & Levin (2002) và Dash (2009) đều nghiên cứu khái niệm “Tư nhân hóa giáo dục”, bao hàm một số tính chất giống với chính sách XHHGD tại Việt Nam. Tư nhân hóa giáo dục là việc chuyển giao các hoạt động, tài sản và trách nhiệm từ chính phủ/các tổ chức công đến cá nhân và cơ quan tư nhân. Ngoài ra, tư nhân hóa cũng thường được coi là “tự do hóa” (liberation) - nơi các bên tham gia trước kia được giải phóng khỏi các quy định của chính phủ hay còn gọi là “thị trường hóa” (marketization) - nơi các thị trường mới được tạo ra như những lựa chọn thay thế cho các dịch vụ của chính phủ hoặc hệ thống phân bổ của nhà nước. Rizvi (2016) đã phân tích khái niệm “Tư nhân hóa trong giáo dục”. Tác giả cho rằng, tư nhân hóa trong giáo dục có nhiều cách giải thích và phân tích khác nhau và các phương thức thực hiện cũng thay đổi giữa các quốc gia. Tuy nhiên, điểm chung trong các cách diễn giải đều thừa nhận đây là một quá trình chuyển từ việc quản lí do nhà nước độc quyền sang quản lí có sự tham gia của các thành phần khác như các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, ngoài nhà nước.
Nghiên cứu về “Hợp tác công - tư trong giáo dục” (Public private partnerships in education)
Ham & Koppenjan (2001) định nghĩa đối tác công - tư là “sự hợp tác giữa các chủ thể công tư, trong đó họ cùng phát triển các sản phẩm và dịch vụ và chia sẻ rủi ro, chi phí và nguồn lực được kết nối với các sản phẩm này và dịch vụ.”. Theo World Bank (2012), lí thuyết và kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng không nhất thiết nhà nước phải là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ công đến tận tay người tiêu dùng. Ngoài việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ công, nhà nước còn có thể phối hợp với tư nhân, với cộng đồng hoặc các đối tác khác để thực hiện nhiệm vụ này. Thậm chí, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cùng một dự án, nếu nhà nước cùng đóng góp vốn tham gia thực hiện một dự án với đối tác tư nhân, dự án đó có tính khả thi và hiệu quả cao hơn. Cách thức cùng hợp tác này gọi là mô hình đối tác công tư - PPP (Public - Private Partnership). Như vậy, PPP là một công cụ để khắc phục thất bại thị trường đồng thời giảm thiểu rủi ro thất bại của chính phủ. OECD (2019) định nghĩa đối tác công - tư là “một thỏa thuận giữa chính phủ và một hoặc nhiều đối tác tư nhân (có thể bao gồm các nhà khai thác và các nhà tài trợ), theo đó các đối tác tư nhân cung cấp dịch vụ theo cách mà các mục tiêu cung cấp dịch vụ phù hợp với mục tiêu lợi nhuận của các đối tác tư nhân và nơi hiệu quả của sự liên kết phụ thuộc vào việc chuyển giao đủ rủi ro cho đối tác tư nhân.”
McGrath (2015) giải thích nội hàm của chính sách Hợp tác công tư (PPP), là một phương thức để cung cấp một loại hình dịch vụ chỉ thường trước kia được cung cấp bởi chính phủ. Điểm nổi bật của phương thức cung cấp dịch vụ này là huy động sự hợp tác của cả bộ phận công và bộ phận tư nhân cùng cố gắng tham gia để đạt được những mục tiêu quan trọng về giáo dục, KT-XH. Verger & Moschetti (2017) đã phân tích khái niệm hợp tác công tư trong giáo dục và đưa ra những tiêu chuẩn và hình thức triển khai chính sách này. Nghiên cứu chỉ ra “Hợp tác công tư trong giáo dục” (PPP) có thể được định nghĩa theo bề rộng là một sự thỏa thuận kết hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ hay cơ sở vật chất. PPP được hiểu một cách phổ biến là một tiếp cận về chính sách nhằm cung cấp giáo dục cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những nhóm yếu thế với những cơ hội giáo dục mới. Thêm vào đó, PPP bao gồm nhiều dạng chính sách phong phú, không đóng khung trong một cách hiểu hẹp hay một lĩnh vực cụ thể nào.
So sánh nội hàm chính sách “xã hội hoá giáo dục”ở trong và ngoài nước và đưa ra nhận định về nội hàm “chính sách xã hội hóa giáo dục” tại Việt Nam
So sánh về nội hàm chính sách “XHHGD” trong và ngoài nước
Tại Việt Nam, “XHH” là thuật ngữ đã được phổ biến từ lâu, được nêu trong các văn kiện của nhà nước và một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong nhiều sách chuyên khảo và giáo trình chuyên ngành xã hội học. Tuy nhiên, thuật ngữ “XHH” rất khó để tìm được một thuật ngữ tương ứng trong các nghiên cứu quốc tế mà chỉ có thể tìm được những thuật ngữ gần. Điều này khiến cho hệ thống cơ sở lí thuyết về vấn đề XHH tại Việt Nam vẫn còn nhiều “khoảng trống” chưa được khai thác, cụ thể như: Các thuật ngữ tương tự trong các nghiên cứu trên thế giới, cơ sở khoa học của việc thực hiện XHH, đánh giá chính sách/dự án XHH như thế nào. Từ khái niệm chung, XHH được áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm XHH trong giáo dục, đòi hỏi hệ thống khái niệm và các thuật ngữ khác nhau, đặc thù của ngành. Ngược lại, với các thuật ngữ tiếng Anh tương đồng thuật ngữ “XHH”, như Privatization of Education, Public private partnerships in Education,... đều là những thuật ngữ phổ biến được thực hiện nghiên cứu rất nhiều trên thế giới. Các khái niệm và giải thích khái niệm đều được các nghiên cứu đưa ra theo nhiều quy mô (khái niệm theo nghĩa rộng, khái niệm theo nghĩa hẹp).
Từ các phân tích nêu trên, nghiên cứu này đưa ra một số nhận định làm định hướng khi xem xét khái niệm “XHHGD tại Việt Nam”:
XHHGD tại Việt Nam là quá trình huy động sự tham gia của xã hội vào lĩnh vực giáo dục để giáo dục không còn là một lĩnh vực độc quyền của nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội với sự tham gia của các cá nhân, các tổ chức xã hội.
Đối với các nghiên cứu quốc tế, hầu như không tìm thấy khái niệm tương ứng với thuật ngữ “XHHGD”. Dù có khá nhiều thuật ngữ có nội hàm tương tự hoặc gần với thuật ngữ “XHHGD” tại Việt Nam. Có thể kể đến các phạm trù gần với XHHGD là: tư nhân hóa (Privatization) trong giáo dục Privatization in Education; “tự do hóa” (Liberation); “thị trường hóa” (Marketization); “Hợp tác công tư trong giáo dục” (Public private partnerships in education). Có thể dựa vào các khái niệm này để xây dựng cơ sở lí luận và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho công tác XHHGD tại Việt Nam. “Hợp tác công tư - PPP” là một phạm trù có thể khai thác sâu để làm cơ sở nghiên cứu và làm rõ khung lí luận cho chính sách XHH trong GD tại Việt Nam. Cụ thể là: PPP hướng đến tăng nguồn lực tài chính cho các dịch vụ giáo dục, cho phép Chính phủ tập trung vào các chức năng quản lí có thế mạnh trong khi bộ phận tư tập trung cung cấp dịch vụ, cho phép Chính phủ vượt được các giới hạn vốn có, giúp tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh cho thị trường, khuyến khích các thành phần ngoài nhà nước cùng tham gia vào việc cung cấp, thực hiện cung cấp các dịch vụ công. PPP theo nghĩa rộng từ World Bank, OECD có cách thức và mục tiêu rất gần với chính sách XHH tại Việt Nam. Hơn nữa, thuật ngữ PPP được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, tạo thuận lợi khi nghiên cứu.
Làm rõ nội hàm “chính sách xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa phổ thông” qua tổng quan nghiên cứu và chính sách
Các chính sách pháp luật hiện hành làm rõ khái niệm và nội hàm xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa tại Việt Nam
Chính sách XHH xuất bản SGK phổ thông là chính sách mới được phê duyệt và đưa vào thực tiễn triển khai nên các nghiên cứu về chính sách tại Việt Nam vẫn chưa nhiều. Để làm rõ nội dung chính sách này tại Việt Nam, cần dựa trên các quy định và chính sách pháp luật đã được ban hành đang triển khai trong thực tiễn.
Về XHH đối với riêng SGK, cũng đã có những hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất định. Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 với nhiều điểm mới, trong đó nội dung được nhiều người quan tâm là XHH việc biên soạn và phát hành SGK hay còn được gọi là chính sách XHH xuất bản SGK. Cụ thể, khoản b Ðiều 32 của Luật quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện XHH việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật” (Quốc hội, 2019). XHH xuất bản SGK là chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục và cũng là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn. Nghị quyết số 29-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương, 2013) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết số 88/2014/QH13 (Quốc hội, 2014) đã nhấn mạnh: “SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực HS; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện XHH biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”.
Nghị quyết Kì họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc cũng đã đề cập đến nội dung về việc biên soạn SGK, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Tại Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện KT-XH, thu nhập của người dân. Có chính sách hỗ trợ SGK đối với HS và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.
Một số nghiên cứu trên thế giới về khái niệm, nội hàm tương đồng với khái niệm “Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa”
Nghiên cứu thực tiễn, kinh nghiệm một số nước đã được đưa vào nghiên cứu: Sau nhiều năm thực hiện chính sách “nhà nước độc quyền” về biên soạn và phát hành SGK, Tanzania đã chứng kiến một số tồn tại bất cập, nổi bật nhất là tình trạng thiếu sách. Chính sách mới về SGK ra đời năm 1991 đã phá bỏ vị trí độc quyền của nhà nước trong viết sách, in ấn và phát hành SGK, song song với đó là Chương trình giáo dục mới cho bậc tiểu học cũng được ban hành và thực thi. Tất cả những yếu tố đó đặt ra nhu cầu cấp thiết cần có bộ SGK mới cho tất cả các môn học. Thêm vào đó, hệ thống một bộ sách duy nhất trước đây cần được thay thế bởi hệ thống nhiều bộ sách, với việc đưa ra sự tự do trong lựa chọn SGK đối với các nhà trường. Vì vậy, nghiên cứu của nhóm tác giả ra đời nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc thực hiện chính sách mới, đồng thời đưa ra giải pháp để tăng hiệu quả của chính sách và giúp cho các bên tham gia vào thực hiện chính sách. Để làm rõ chính sách mới về việc thực hiện nhiều bộ SGK, nghiên cứu đã đưa ra và phân tích những phạm trù: Hệ thống nhiều bộ SGK (multi textbook system), Hệ thống thị trường trong lĩnh vực SGK (market system in the textbook sector), Những nhà xuất bản (NXB) và phát hành sách thương mại ở địa phương (local commercial publishers and booksellers), Thành phần nhà nước và thành phần tư nhân (the public and private sector), Tư nhân hóa (Privatization).
Smart & Jagannathan (2018) nghiên cứu về chính sách SGK tại nhiều quốc gia, trong đó có chính sách mới về SGK tại Việt Nam đã sử dụng các thuật ngữ và nội hàm: Sự cùng tham gia của Chính phủ và thành phần tư nhân trong phát triển và phân phối SGK (Government and the Private Sector in textbook development and delivery), Sự cạnh tranh công - tư về xuất bản SGK (Public - Private Competition), Hệ thống/Chính sách nhiều bộ SGK (Multiple-Textbook System/Policy), Sự chuyển đổi chính sách SGK sang xu hướng giải phóng (The Transition to Liveralization), Chính sách phi tập trung về xuất bản SGK. Mặc dù sử dụng nhiều thuật ngữ, nhưng giữa các nội dung đều có điểm chung, đó là quá trình chuyển đổi việc xuất bản, quản lí SGK từ hệ thống tập trung nhà nước sang hệ thống phi tập trung, có sự cùng tham gia của các bộ phận tư nhân và ngoài nhà nước cũng như toàn xã hội. Shimizu & Watanabe (2010) đề cập đến chính sách liên quan đến XHH SGK tại Nhật Bản bằng những nội hàm: NXB tư nhân (private publishers), NXB thương mại (commercial publishers), Bộ Giáo dục (Ministry of Education), Vai trò của các bên (Role).
So sánh và đưa ra nhận định về nội hàm “chính sách xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa” tại Việt Nam
Từ việc tổng hợp các chính sách trong nước và tổng quan các nghiên cứu và chính sách trên thế giới, nghiên cứu rút ra: “XHH xuất bản SGK là: Sự huy động tham gia của các thành phần ngoài nhà nước, thành phần tư nhân và của toàn xã hội vào các công đoạn biên soạn và phát hành SGK”. Chính sách này chuyển dịch vị trí độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực SGK sang cơ cấu nhiều thành phần cung cấp tham gia vào thị trường SGK, đồng thời là sự chuyển đổi hệ thống một chương trình, một bộ SGK đơn nhất sang hệ thống một chương trình, nhiều bộ SGK và trao quyền tự do lựa chọn cho HS, GV, phụ huynh và cơ sở giáo dục.
Xét riêng trong lĩnh vực XHH xuất bản SGK, hệ thống khái niệm có liên quan cũng đa dạng, đi sâu vào từng nội dung cụ thể, có thể có các thuật ngữ: Sự cùng tham gia của Chính phủ và thành phần tư nhân trong phát triển và phân phối SGK (Government and the Private Sector in textbook development and delivery); Sự cạnh tranh công - tư về xuất bản SGK (Public-Private Competition); Hệ thống/Chính sách nhiều bộ SGK (Multiple-Textbook System/Policy); Sự chuyển đổi chính sách SGK sang xu hướng giải phóng (The Transition to Liberalization); Chính sách phi tập trung về xuất bản SGK.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu về XHHGD nói chung và XHH xuất bản SGK nói riêng, nhóm nghiên cứu nhận định có thể dựa trên khung lí thuyết về Hợp tác công tư trong xuất bản SGK để xây dựng cơ sở lí luận cho việc nghiên cứu chính sách XHH xuất bản SGK tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu giúp xây dựng cách nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ và phù hợp với xu hướng quốc tế đối với một chính sách mới được áp dụng tại Việt Nam, từ đó làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu khác về chính sách, phục vụ cho công tác quản lí giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tạp chí Giáo dục
Tài liệu tham khảo
Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Belfield, C. R., & Levin, H. M. (2002). Education privatization: Causes, consequences and planning implications (pp. 1-79). Unesco, International Institute for Educational Planning.
Chính phủ (1997). Nghị quyết số 90-CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kì tháng 3/1997).
Chính phủ (2012). Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”.
Lê Ngọc Hùng (2009). Xã hội học Giáo dục. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Quốc Hùng (2004). Xã hội hóa giáo dục nhìn từ góc độ pháp luật. NXB Tư pháp.
Lê Văn Tranh, Nguyễn Duy Trinh (2020). Một số vấn đề về xã hội hoá giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 24, 16-21.
Nguyễn Hữu Khiển (2004). Xã hội hóa giáo dục - Những lợi ích và rào cản. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2, 72-77.
Nguyễn Thị Huyền Trang, Trần Thị Hoài (2018). Huy động nguồn lực xã hội để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Giáo dục, 34(1), 29-37.
Nguyễn Thanh Tâm, Lê Anh Vinh, Đặng Thị Minh Hiền, Nguyễn Bích Diệp, Nguyễn Anh Đức (2023). Làm rõ nội hàm “chính sách xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa” tại Việt Nam trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tạp chí Giáo dục, 23(22), 35-40.
Quốc hội (1998). Luật Giáo dục, luật số 11/1998/QH ngày 2/12/1998.
Quốc hội (2019). Luật Giáo dục, luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019.
Quốc hội (2014). Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Quốc hội (2017). Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.