Đối với học sinh THCS và THPT, căng thẳng là một thực thực tế cần đối mặt hằng ngày. Khi thanh thiếu niên học được cách điều hướng nhu cầu ngày một tăng về thời gian của mình - khối lượng công việc và lịch trình mới, các câu lạc bộ và hoạt động sau giờ học - các em đồng thời trải qua “sự bùng nổ” về thể chất lẫn tinh thần. Đây là giai đoạn phát triển phức tạp, trong đó những trải nghiệm thông thường như đáp ứng, đảm bảo đúng thời hạn của bài thi học kì hoặc bất ngờ bị gọi tên trong giờ học có thể giống như “một làn gió mát” hoặc “một trận lũ quét”.
Pamela Noble, nhà tâm lý học và cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia giải thích: “Ở thanh thiếu niên, bộ não vẫn đang ở giai đoạn đang hoàn thiện, sự liên kết giữa những vùng não được tạo ra, sau đó quản lý các xung động và cảm xúc chưa phát triển đầy đủ. Điều này có nghĩa là bộ não của thanh thiếu niên “cực kỳ nhạy cảm với những điều đang diễn ra trong môi trường, cả tốt lẫn xấu”. Học cách ứng phó với căng thẳng là kỹ năng quan trọng - đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên. Do đó, thanh thiếu niên cần chuẩn bị sẵn sàng để “bắt đầu phát triển các hành vi lành mạnh, biến chúng thành thói quen trong cuộc sống”. Theo Phyllis Fagell, các nhà giáo dục có thể giúp học sinh học cách vượt qua căng thẳng bằng cách khuyến khích sự linh hoạt trong nhận thức. Fagell cho biết: “Có những kỹ năng có thể học được và có thể chuyển giao. Sự linh hoạt trong nhận thức - khả năng “thách thức” suy nghĩ hoặc suy nghĩ về những khả năng khác có thể xảy ra trong cuộc sống - sẽ mang lại cảm giác thanh thản, bình tĩnh vượt qua mọi căng thẳng, bất kể đó là gì.”
Sau đây là 6 câu hỏi siêu nhận thức - lấy cảm hứng từ một bài đăng trên Instagram của Nawal Mustafa (tiến sĩ Tâm lý học Thần kinh lâm sàng, đại học Windsor, Canada) giúp học sinh giải quyết các tác nhân gây căng thẳng. Học sinh không phải trả lời tất cả sáu câu hỏi, các em có thể chọn câu hỏi đem lại câu trả lời hữu ích nhất hoặc phù hợp với vấn đề mà học sinh gặp phải. Từ đó phát triển khả năng ứng phó một cách độc lập.
Nguyên nhân gây căng thẳng đến từ đâu?
Khi cảm thấy choáng ngợp, học sinh có thể gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc của sự căng thẳng. Câu hỏi này giúp học sinh tập trung vào bước đầu tiên: Điều gì khiến bạn cảm thấy lo lắng? Fagell cho biết: “Nếu học sinh không biết vì sao mình bị căng thẳng thì rất khó có thể tìm ra giải pháp phù hợp. Câu hỏi này giúp học sinh tập trung vào lý do tại sao các em cảm thấy như vậy, thậm chí có thể giúp họ định nghĩa cảm giác đó”. Mặc dù học sinh có thể đã thực hành xác định cảm xúc và nguồn gốc của chúng từ cấp tiểu học, nhưng đây là một kỹ năng mà học sinh lớn hơn vẫn cần được rèn luyện. “Khi xác định được căn nguyên gây căng thẳng, học sinh có thể bắt đầu suy nghĩ về các giải pháp ứng phó” Fagell nói.
Sự căng thẳng này ảnh hưởng đến bản thân như thế nào?
Khuyến khích học sinh suy ngẫm để có thể đánh giá tác động của sự căng thẳng có thể cung cấp cái nhìn toàn cảnh về hành vi của học sinh và giúp các em tìm ra hướng tiếp theo có thể áp dụng được. Lori Desautels (trợ lí giáo sư Trường Đại học Giáo dục, Đại học Butler) giải thích: “Hoạt động như vậy có thể giúp “làm dịu phản ứng căng thẳng của bộ não và kích thích sự chú ý cũng như khả năng điều chỉnh cảm xúc, tránh được những phản ứng bốc đồng hoặc thái quá”; “Một bộ não biết điều hòa và bình tĩnh là một bộ não sẵn sàng học hỏi”.
Học sinh có cần sự giúp đỡ không? Học sinh có thể nói chuyện với ai về điều này?
Hướng dẫn từ một người lớn có kinh nghiệm và đáng tin cậy thường hữu ích trong bước này, những sự bối rối và dễ xấu hổ có thể khiến học sinh không thể tìm kiếm sự hỗ trợ, đặc biệt nếu các em nhút nhát hoặc hướng nội. Nhà giáo dục Jennifer Sullivan bày tỏ quan quan điểm: “Học sinh sợ rằng việc yêu cầu giúp đỡ là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc thất bại trong tính cách của chúng, mặc dù người lớn có thể nói với chúng rằng việc yêu cầu được giúp đỡ là một dấu hiệu của mạnh mẽ và trưởng thành”.
Nếu người khác gặp phải vấn đề tương tự, vậy học sinh đưa ra lời khuyên như thế nào?
Sự thay đổi trong quan điểm cho phép học sinh “lùi lại một bước”, đánh giá tình huống từ quan điểm của người ngoài cuộc và xác định các giải pháp mà các em có thể chưa từng nghĩ tới. Ethan Kross gọi kĩ thuật này là “distanced self-talk”. “Chúng tôi biết rằng mọi người đưa ra lời khuyên cho người khác dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tự mình nhận lấy lời khuyên đó,” Kross giải thích. Yêu cầu học sinh đánh giá một vấn đề từ quan điểm của người khác sẽ nhắc nhở học sinh tạo ra một khoảng cách tâm lý nào đó, giúp các em đưa ra các giải pháp mang tính xây dựng hơn về cách đối phó với căng thẳng của mình. Một khi các giải pháp được đưa ra, các em có nhiều khả năng tự mình nhận lời khuyên.
Bản thân học sinh có thể kiểm soát điều gì và không thể kiểm soát điều gì?
Học sinh có thể chỉ cần dành một vài phút để xem xét các câu hỏi này hoặc có thể đi sâu hơn. Fagell yêu cầu các học sinh THPT vẽ một biểu đồ venn - vòng tròn bên trái được đánh dấu là “những điều em có thể kiểm soát”, vòng tròn bên phải được đánh dấu là “những điều em không thể kiểm soát” và phần chồng lên nhau được đánh dấu là “những điều quan trọng”. Khi học sinh điền vào, các em sẽ phân biệt xem những biến số trong tầm kiểm soát và ngoài tầm kiểm soát có phù hợp với mục tiêu giảm bớt căng thẳng hay không.
Mỗi bước nhỏ đạt được để hoàn thành mục tiêu lớn
Học sinh có thể gặp khó khăn trong việc đặt ra các mục tiêu hợp lý, có thể đạt được và thường có những kỳ vọng thiếu thực tế về việc các em có thể đạt được những mục tiêu đó nhanh như thế nào. Do đó, cần xác định được mục tiêu và sau đó giúp học sinh chia nhỏ các bước nhằm đạt được điều đó.
Khi làm việc với những học sinh bị căng thẳng, Fagell đã thiết kế hoạt động bằng cách sử dụng phép ẩn dụ về bậc thang: Mỗi bậc thang là một bước khác nhau để dẫn đến mục tiêu cuối cùng. Học sinh cần xác định nội dung từng bước là gì, sau đó tự hỏi làm thế nào để đi từ nấc thang này lên nấc thang tiếp theo. Fagell chia sẻ việc chia mục tiêu lớn thành các bước nhỏ cho học sinh nhận thấy rằng cần có thời gian để chuyển từ bước này sang bước kia, tránh cho các em không bị thất vọng hay vội vàng.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Tutt, P. (2022). 6 Questions To Help Students Cope With Everyday Stress. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/6-questions-help-students-cope-everyday-stress