Kênh truyền thông mạng xã hội (Social media) như Facebook, WhatsApp, Youtube, Instagram,... được chứng minh làm thay đổi hành vi xã hội của học sinh. Đặc biệt là về cách sử dụng tiếng Anh do ảnh hưởng của mạng xã hội. Trước đây, trong các nghiên cứu, mối quan hệ giữa mạng xã hội và khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh chưa được chú ý. Vì vậy, Ramos Asafo-Adjei và cộng sự bắt đầu thực hiện nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và khả năng sử dụng tiếng Anh. Ngôn ngữ bản địa của Ghana được chia thành hai nhóm nhỏ thuộc nhóm ngôn ngữ Niger - Congo. Còn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong thương mại cũng như hành chính. Đồng thời cũng là ngôn ngữ tiêu chuẩn để giảng dạy ở các cấp giáo dục.
Bằng phương pháp phỏng vấn sâu tại trường THPT Fiaseman ở Tarkwa, miền tây Ghana, nhóm tác giả biết rằng học sinh dành nhiều thời gian cho các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Thậm chí, một số học sinh mô tả việc sử dụng mạng xã hội như một cơn “nghiện”. Nghiên cứu nhận thấy việc sử dụng các kênh truyền thông mạng xã hội đã dẫn đến việc sử dụng các dạng từ tiếng Anh rút gọn trong bài viết của học sinh, bao gồm cả trong các kì thi tiếng Anh.
Dành nhiều thời gian cho các nền tảng truyền thông xã hội là đáng lo ngại vì hầu hết các trang web học sinh truy cập vào đều không hỗ trợ học tập chuyên sâu. Điều này có nghĩa chúng là những trang web mà hầu hết các hoạt động không được định hướng học thuật. Với tư cách là các chuyên gia ngôn ngữ học, nhóm nghiên cứu cảnh báo tình trạng này có thể dẫn tới kết quả yếu kém trong tiếng Anh khi thời gian để học sinh cải thiện trình độ của mình bị chuyển thành những hoạt động khai thác thông tin thiếu hiệu quả trên mạng xã hội.
Từ câu trả lời của học sinh
Tại Ghana, kì thi West African Senior School Certificate Examination (WASSCE – tạm dịch: kì thi Chứng chỉ Trung học Phổ thông Tây Phi) được học sinh thực hiện sau khi hoàn thành khóa học trung học. Nó là một bài kiểm tra viết. Khách thể nghiên cứu bao gồm bao gồm 47 học sinh ở độ tuổi trung bình 17 - 18. Nhóm tác giả chia số lượng học sinh ra thành 7 nhóm. Nghiên cứu cho thấy học sinh đã tiếp xúc với hầu hết nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là WhatsApp và Facebook. Nhóm cũng phát hiện ra những người tham gia thường xuyên truy cập mạng xã hội và dành nhiều thời gian với chúng. Một học sinh cho biết: “Em sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Em không đếm được được số lần truy cập vì em luôn dành thời gian cho nó”. Hay một học sinh thừa nhận: “Em nghĩ bản thân 100% đã “nghiện” mạng xã hội. Em không thể kiểm soát số lần mình xuất hiện trên nền tảng”.
Cho tới những hệ quả
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, bên cạnh hệ quả không dành đủ thời gian và sự chú ý cần thiết cho việc học thì trình độ tiếng Anh của học sinh Ghana sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả kém khi học sinh có xu hướng sử dụng các hình thức rút gọn, viết tắt trong bài viết học thuật thường xuyên. Cụ thể, học sinh đưa những dạng viết tắt tiếng Anh không được chấp nhận vào bài viết - chẳng hạn như “4” thay cho “for”, “u” thay cho “you” và “d” thay cho “the”,... Dần dần, những thực hành lệch chuẩn như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếng Anh. Cách học sinh sử dụng tiếng Anh trong các bài thi đang bị ảnh hưởng tiêu cực do lạm dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên mạng xã hội. Đây là một thực trạng khiến học sinh “vật lộn” khi tiếng Anh vốn không phải ngôn ngữ bản địa đồng thời, cần phải viết tiếng Anh trang trọng (formal English language) trong các kì thi và nghiên cứu chuyên sâu.
Vậy các nhà giáo dục cần làm gì?
Nghiên cứu đưa ra đề xuất tích hợp các phương pháp giảng dạy tận dụng lợi thế của phương tiện truyền thông xã hội để thu hút học sinh. Điều này sẽ cho phép học sinh học tập ngay cả khi các em đang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội. Ví dụ, từ điển trực tuyến với các nút phát âm và trang web cung cấp tài liệu giáo dục miễn phí cho học sinh có thể hữu ích. Ngoài ra, giáo viên nên hỗ trợ học sinh trong việc chọn lọc các trang truyền thông xã hội phù hợp. Các trường trung học nên khuyến khích học sinh nâng cao nhận thức về các trang mạng xã hội, tầm quan trọng, mối nguy hiểm và cách sử dụng mạng xã hội tốt nhất, đặc biệt là cho mục đích học tập. Cho đến khi các phương pháp đổi mới được triển khai, Ghana có nguy cơ bị trượt hàng loạt trong phần tiếng Anh tại kì thi WASSCE. Vì vậy, các nhà giáo dục nên chú trọng việc sử dụng mạng xã hội của học sinh.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Ramos Asafo-Adjei (2023). Ghana school students talk about their social media addiction, and how it affects their use of English. The Conversation. https://theconversation.com/ghana-school-students-talk-about-their-social-media-addiction-and-how-it-affects-their-use-of-english-203597