Văn hóa giáo dục vô cùng đa dạng. Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng dân cư có thể có văn hóa của riêng mình. Tuy nhiên, sự khái quát khoa học đã tìm đến những loại hình văn hóa giáo dục cơ bản trên nền tảng trình độ phát triển kinh tế qua các giai đoạn lịch sử. Theo cách làm ấy, ta có thể phân biệt 3 loại hình văn hóa giáo dục như sau:
Loại hình văn hóa giáo dục trong xã hội nông nghiệp
Trong xã hội nông nghiệp, nền giáo dục của các quốc gia coi việc duy trì một xã hội ổn định là ưu tiên hàng đầu. Sứ mệnh của nền giáo dục ấy sẽ hướng vào đào tạo những con người thừa hành. Học tập và thi cử là cơ chế điều hành các hoạt động. Học để thi, thi để phân loại địa vị xã hội và mức thu nhập. Học nhiều thì làm quan to, bổng lộc nhiều, trở thành giới thượng lưu. Học vừa phải thì làm người thừa hành, thực thi sự chỉ dẫn của nhà quản lí. Học ít hay không học thì sống trong cộng đồng lao động, làm việc để kiếm sống.
Để đào tạo người thừa hành thì yêu cầu học thuộc bài là chính, tức là học để có một số kiến thức đủ để thừa hành nhiệm vụ. Do vậy, kiến thức nào cần có thì đưa vào các kì thi. Người ta chỉ học những điều sẽ thi. Nắm không vững những điều cần thi thì sẽ bị đánh hỏng, kết quả là về với tầng lớp bình dân.
Vì thế, văn hóa đào tạo của loại hình này như sau: - Học thuộc lòng theo lối tầm chương trích cú với các quy định ngặt nghèo và vô lối, mọi ý tưởng cá nhân không theo quy định đều bị cấm đoán; - Phương pháp đào tạo là lấy người dạy làm trung tâm; người dạy áp đặt những kiến thức cần nắm cho người học, đưa người học vào khuôn mẫu chật hẹp, lấy sự vâng lời làm cốt, học đúng những gì đã quy định, làm đúng những gì đã học.
Loại hình văn hóa giáo dục trong xã hội công nghiệp
Trong xã hội công nghiệp, nền giáo dục chủ trương xây dựng xã hội định hướng phát triển là ưu tiên hàng đầu (trên nền ổn định). Mục tiêu đào tạo là con người lao động với sự phát triển tư duy sáng tạo trong lao động và những năng lực kĩ thuật - nghề nghiệp. Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Nội dung học tập chú trọng những kiến thức khoa học và kĩ thuật; trong quá trình học, người học được hướng nghiệp, coi trọng tự do chọn nghề, hướng người học trở thành những lao động phục vụ cho hệ thống sản xuất công nghiệp. Nguyên lí giáo dục là dạy học phân hóa, lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực tái tạo tri thức và tư duy phê phán.
Loại hình văn hóa giáo dục trong xã hội tri thức
Đây là loại hình văn hóa hướng đến phát triển một xã hội phát triển năng động, xây dựng nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức. Do đó, tri thức là yếu tố hàng đầu trong phát triển kinh tế. Mục tiêu đào tạo của giáo dục trong giai đoạn này là mẫu người lao động tri thức, phát huy năng lực sáng tạo và tư duy phản biện để sáng tạo ra những tri thức mới, những công nghệ mới. Dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục đã đặt ra yêu cầu về những con người học tập suốt đời, có năng lực thích ứng với môi trường số, xã hội số, nền kinh tế số. Nguyên lí giáo dục là học tập suốt đời vì một xã hội phát triển bền vững. Phương châm giáo dục hướng vào việc học tập phân hóa, cá nhân hóa chương trình đào tạo. Phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, trên cơ sở năng lực sử dụng công nghệ học tập hiện đại, thực hiện học tập ở nhà, tại nơi làm việc, học mọi lúc mọi nơi, cập nhật tri thức kịp thời.
Mô hình giáo dục truyền thống trở nên lỗi thời, hình thành mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Dưới đây là bảng so sánh 3 loại hình văn hóa giáo dục.
Vấn đề cốt lõi nhất của văn hóa giáo dục là nó hướng nền giáo dục vào mục tiêu đào tạo nào. Đó là vấn đề mẫu người đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế mà quốc gia đang xây dựng. Loại hình văn hóa giáo dục trong xã hội tri thức cần được hiểu là văn hóa giáo dục của xã hội học tập. Văn hóa giáo dục này hướng đến mục tiêu là đào tạo những công dân học tập - người công dân có nghĩa vụ học tập suốt đời.
Hiện nay, các quốc gia xây dựng xã hội học tập đều thiết kế Bộ tiêu chí đánh giá công dân học tập gồm những năng lực cốt lõi với những kĩ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn.
Những năng lực, kĩ năng, phẩm chất cần trong thế kỉ XXI
GS. TS Phạm Tất Dong