Chương trình tiên tiến tại các trường đại học: Khoảng cách từ nghiên cứu tới thực tiễn ở Việt Nam

Chương sách của các tác giả Ly Tran, Huong Phan (Đại học Deakin) và Simon Marginson (University College London) chỉ ra sự đối lập giữa lý luận nghiên cứu và thực tiễn triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến tại các trường đại học Việt Nam.

Quốc tế hoá chương trình giảng dạy đang trở thành xu thế ngày càng phổ biến tại các trường đại học, đặc biệt là ở các nước phát triển, mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về mục tiêu, bản chất và quy trình thực hiện. Xu thế này được hiểu và thực hiện khác nhau giữa các khu vực khác nhau trên thế giới. Tại Việt Nam, việc giới thiệu ý tưởng về “Chương trình tiên tiến” tại các trường đại học, trong đó sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ dạy học chính và hướng tới nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại một số trường đại học nhất định, phù hợp với các “tiêu chuẩn” được các đại học đối tác nước ngoài đặt ra, được coi là nỗ lực thành công nhất trong việc quốc tế hoá chương trình giảng dạy.

Chương sách, được trích trong cuốn “Internationalisation in Vietnamese Higher Education” (NXB Springer, 2018) phân tích các động cơ, quá trình thực hiện, tác động và thách thức của các chương trình tiên tiến tại các trường đại học. Dựa trên các quan niệm về quốc tế hoá chương trình giảng dạy và “vay mượn” giảng dạy, chương này chỉ ra mâu thuẫn giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tiễn trong triển khai các chương trình tiên tiến tại Việt Nam. Trong các tài liệu chính sách, việc giới thiệu và triển khai các chương trình nâng cao thường được hiểu là một sáng kiến đặc trưng trong việc quốc tế hoá chương trình giảng dạy đại học Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, nó phản ánh các đặc trưng của quá trình chuyển đổi chương trình giảng dạy thay vì quốc tế hoá chương trình giảng dạy.

Sau 10 năm thực hiện, sáng kiến trên đã có tác động tích cực về việc mang đến cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với kiến thức chuyên ngành nâng cao và môi trường học tập cao cấp, đồng thời góp phần nâng cao các kĩ năng chung và trình độ tiếng Anh của sinh viên, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên sau tốt nghiệp trên thị trường lao động địa phương và khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao cho Việt Nam vẫn còn khá xa vời, một phần vì các chương trình tiên tiến chỉ được triển khai trong phạm vi một số chuyên ngành nhất định tại một số trường đại học được lựa chọn. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ sinh viên mới có điều kiện và cơ hội theo học các chương trình tiên tiến này. Các tác động tích cực của chương trình tiên tiến xuất hiện khá rải rác và ở quy mô nhỏ, thay vì có khả năng định hình lại toàn bộ hoạt động của các trường đại học triển khai mô hình này như kì vọng. Sự xuất hiện của các chương trình tiên tiến dường như không đòi hỏi sự phát triển có hệ thống trên nhiều phương diện hoạt động của toàn bộ một trường đại học. Hơn nữa, các chương trình nâng cao dựa trên các mô hình được nhập khẩu hoàn toàn về cấu trúc chương trình, cách thức thiết kế, quản lý, hệ tư tưởng cũng như nội dung chương trình giảng dạy. Đặc biệt, do sự khác biệt về lịch sử, nhu cầu của từng quốc gia, văn hoá, hệ tư tưởng giáo dục và đặc biệt là cơ sở hạ tầng giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học đối tác nước ngoài, cách tiếp cận mới này đang phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là về tính bền vững, tính khả thi và thực tiễn khi triển khai tại Việt Nam

Vân An lược dịch

Nguồn:

Tran, T.L, Le, T.P.H, & Marginson, S. (2018). The ‘Advanced Programmes’ in Vietnam: Internationalising the Curriculum or Importing the ‘Best Curriculum’ of the West? In Internationalisation in Vietnamese Higher Education (1st ed., pp. 55–75). Springer Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-319-78492-2

Bạn đang đọc bài viết Chương trình tiên tiến tại các trường đại học: Khoảng cách từ nghiên cứu tới thực tiễn ở Việt Nam tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19