Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tích cực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, việc đổi mới các chính sách và chương trình giáo dục trở thành một yếu tố quan trọng và không thể thiếu. Quá trình xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học để thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách và chương trình giáo dục, việc tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trở thành một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tế. Bài báo này tiến hành tìm hiểu chính sách giáo dục tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Tác giả xem xét 4 giai đoạn chính của chính sách giáo dục tiếng mẹ đẻ ở các trường phổ thông tại Anh kể từ năm 1870: (1) Giai đoạn “tìm đường” (1870-1900); (2) Giai đoạn “gây dựng (1900-1944); (3) Giai đoạn “tranh cãi” (1944-1988); (4) Giai đoạn “khẳng định” (1988-nay).
Giai đoạn 1: Giai đoạn “tìm đường” (1870-1900)
Ở giai đoạn này, tiếng Anh không được nhìn nhận như một môn học trong nhà trường. Giữa thế kỷ XIX, giáo dục chỉ tiếp cận tầng lớp thượng lưu và trung lưu dựa hoàn toàn vào các ngôn ngữ kinh điển như tiếng Hy Lạp hay tiếng Latinh. Sự ra đời của Luật Forster năm 1870 đánh dấu sự ra đời Luật Giáo dục đầu tiên và là một bước tiến quan trọng của nền giáo dục Anh. Bộ luật này không hề nhắc tới tiếng Anh với tư cách là một môn học nhưng là một nhân tố tác động đến sự phát triển tiếng Anh thành một môn học riêng biệt khi nó tạo điều kiện cho sự phát triển của một hệ thống các trường học. Tiếng Anh với tư cách là một môn học đã manh nha được thiết lập từ nửa cuối thế kỷ XIX.
Giai đoạn 2: Giai đoạn “gây dựng” (1900-1944)
Luật Giáo dục mới của Anh được thông qua năm 1902, tuy nhiên, bộ luật này không tập trung vào chương trình học mà chỉ chú ý tới việc tổ chức các trường học phổ thông. Trong thập niên đầu của thế kỷ XX, tiếng Anh trong trường phổ thông lẫn trường đại học được thông qua các văn bản của Bộ Giáo dục. Bộ Giáo dục ban hành quy định các môn học, trong đó đưa Tiếng Anh và Văn học vào giảng dạy ở các trường cấp hai công lập. Đây là cột mốc đánh dấu sự thời nhận mang tính chính sách về vai trò của tiếng Anh như một môn học và tiếp tục duy trì cho tới ngày nay.
Giai đoạn 3: Giai đoạn “tranh cãi” (1944-1988)
Một cuộc tranh luận về chương trình giảng dạy “nổ” ra vào thập niên 1960 và rộ lên vào thập niên 1970 với nhiều nghiên cứu, báo cáo của các học giả về vấn đề dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1979, những thay đổi triệt để về chương trình giảng dạy bắt đầu diễn ra. Mục tiêu của chương trình giảng dạy phải hướng đến sự phát triển của cả nói, viết, đọc. Ngoài ra, một mục tiêu khác đó là dạy học sinh về ngôn ngữ. Việc giảng dạy ngôn ngữ không được tách rời bối cảnh sử dụng.
Giai đoạn 4: Giai đoạn “khẳng định” (1988-nay)
Luật Cải cách giáo dục được thông qua năm 1988. Lần đầu tiên, khái niệm “tiếng Anh” với tư cách là “một môn học trong nhà trường” được thừa nhận. Tiếng Anh trở thành một trong ba môn học nòng cốt (core subject) cùng với Toán và Khoa học. Đồng thời, Luật Cải cách giáo dục giới thiệu chương trình giảng dạy quốc gia với các mục tiêu cần đạt. Tiếng Anh với chương trình học tập gồm 3 phân môn: Đọc, Viết và Nghe - Nói được lồng ghép với 5 quan điểm về môn học này được xác định là:
- Di sản văn hóa
- Một quan điểm của người trưởng thành cần có
- Phát triển cá nhân
- Một quan điểm về chương trình giảng dạy giao thoa
- Một quan điểm phân tích văn hóa
Có thể nói, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng Anh, vơi tư cách là ngôn ngữ mẹ đẻ trong các trường phổ thông ở Anh đã phải trải qua rất nhiều trở lực để có được địa vị của một môn học nòng cốt trong Chương trình giáo dục của Anh hiện nay.
Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.
Huyền Đức
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thế Dương (2017). Tiến trình phát triển của chính sách giáo dục tiếng mẹ đẻ trong nhà trường phổ thông ở Anh. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 6, 284-293.