SDG4 càng có vai trò quan trọng hơn nữa đối với các nước đang phát triển, bởi việc được tiếp cận một nền giáo dục hoặc đào tạo nghề phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, mang đến nền tảng vững chắc để cải thiện các khía cạnh khác của đời sống người dân. Tuy nhiên, các công trình khoa học hiện có về giáo dục STEM (nhóm các môn học liên quan đến lĩnh vực khoa học - công nghệ - kĩ thuật - toán học) vẫn chưa đề cập nhiều tới các nước đang phát triển, thậm chí các nghiên cứu lấy địa bàn ở các vùng nông thôn còn ít hơn nữa. Sử dụng tập dữ liệu gồm 4967 quan sát về các học sinh trung học cơ sở tại một vùng nông thôn của một quốc gia đang chứng kiến nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nghiên cứu này sử dụng phương pháp Bayes để xác định mối liên quan giữa yếu tố giới tính, đặc điểm kinh tế - xã hội với thành tích học tập các môn STEM của học sinh, được đo lường bằng điểm trung bình của các bài kiểm tra 45 phút tiêu chuẩn gần nhất ở các môn học STEM: Toán, Vật lý, Hoá học (và Sinh học nếu có).
Nguồn ảnh: https://vinschool.edu.vn/
Các phân tích thống kê theo phương pháp Bayes được thực hiện trên tập dữ liệu gồm 4967 quan sát đã chỉ ra rằng các yếu tố giới tính, quy mô gia đình cũng như trình độ học vấn và nghề nghiệp của cha mẹ đều có ảnh hưởng đến thành tích của học sinh ở các môn học STEM với các mức độ khác nhau. Mặc dù yếu tố giới tính ít có tác động tới kết quả học tập các môn học STEM, song có thể kết luận học sinh nữ ít chịu ảnh hưởng bởi các hệ quả do điều kiện kinh tế - xã hội gây ra hơn so với các học sinh nam. Kết quả phân tích quy mô gia đình cho thấy các học sinh chỉ có một anh/chị/em gặp thuận lợi hơn trong việc học tập các môn học STEM so với những học sinh có nhiều hơn hai anh/chị/em hoặc không có anh/chị/em nào, và việc là con một trong một gia đình ở vùng nông thôn của một nước đang phát triển là một bất lợi lớn đối với thành tích học tập STEM của học sinh Các phân tích cho thấy trình độ học vấn của cha mẹ có tác động tích cực đến kết quả học tập ở trường của học sinh, cụ thể, học sinh có xu hướng học tốt hơn nếu cha mẹ các em là trí thức. Những kết quả này đã cung cấp những hiểu biết chi tiết trên phương diện văn hóa về vai trò của điều kiện kinh tế - xã hội với giáo dục, đồng thời mang lại những hàm ý chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách xã hội trong giáo dục.
Trước những tác động rõ ràng của điều kiện kinh tế - xã hội, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo giáo dục bình đẳng, việc cần có các biện pháp can thiệp ở mức độ sâu hơn là rất quan trọng, chẳng hạn như nâng cao văn hóa học đường để thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và thúc đẩy giáo dục tri thức thức khoa học cho công chúng. Ngoài ra, do tỷ lệ sinh viên nữ theo học các chuyên ngành STEM tại các trường đại học thường ở mức thấp, mặc dù năng lực của họ ở các lĩnh vực này thể hiện ở trường trung học không hề thua kém so với nam giới, nên cần có các biện pháp khuyến khích nữ giới theo học các lĩnh vực STEM ở bậc đại học, nhằm giảm thiểu sự lãng phí nguồn lao động.
Trên cơ sở bối cảnh của các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, những nước đang hướng tới mục tiêu đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030, mục tiêu số 4 - tập trung phát triển nền giáo dục hoà nhập, bình đẳng và chất lượng cao - là một trong những ưu tiên hàng đầu (theo quan điểm của Liên hợp quốc). Để đạt được mục tiêu này, giáo dục STEM được coi là một hướng tiếp cận giáo dục toàn diện và khả thi. Nghiên cứu này cung cấp các dữ liệu thực chứng có độ tin cậy cao về giáo dục STEM của học sinh cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác ở các nước đang phát triển, đồng thời gợi ý các bài học kinh nghiệm phục vụ các kế hoạch hành động trong tương lai.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Ho, M. T., La, V. P., Nguyen, M. H., Pham, T. H., Vuong, T. T., Vuong, H. M., Pham, H. H., Hoang, A. D., & Vuong, Q. H. (2020, December). An analytical view on STEM education and outcomes: Examples of the social gap and gender disparity in Vietnam. Children and Youth Services Review, 119, 105650. https://doi.org/10.1016/j.childyouth.2020.105650