(Ảnh: Thái Bình)
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, cô giáo Đào Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: Giáo viên nhà trường đã linh hoạt, chủ động hơn với phương thức dạy học; học sinh mạnh dạn, tự tin trong học tập. nhà trường. Từ khi được tiếp cận với chương trình mới, học sinh có sự thay đổi về nhận thức, chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức. Nhiều em đã bộc lộ được các khả năng tư duy vượt trội của bản thân ở từng môn học như Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, Âm nhạc. Còn đối với đội ngũ giáo viên của nhà trường, các thầy cô đã chủ động tìm các phương pháp giáo dục hiện đại, gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề.
Tại Trường trung học cơ sở Trần Quốc Toản (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), cô giáo Nguyễn Phương Lan, Tổ trưởng môn Khoa học Tự nhiên cho biết: Để bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên nhà trường đã lập nhóm, thường xuyên trao đổi, lên kế hoạch chung để giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở ba phân môn khi triển khai môn học này. Giáo viên bộ môn chủ động và sẵn sàng đổi mới nên bảo đảm được nội dung, thời lượng chương trình môn học. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể để tổ chức tốt các hoạt động học tập. Theo cô Lan, việc đổi mới là không dễ dàng, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng.
Có thể thấy, thời gian qua, các trường học đã chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới quản lý, quản trị nhà trường. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai. Cụ thể, chương trình khi ban hành chưa đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục nên phải tiếp tục ban hành bổ sung trong các năm sau, gây khó khăn cho việc chuẩn bị sách giáo khoa và triển khai thực hiện đối với một số môn học. Việc thiếu giáo viên ở các môn học mới cũng ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết: Địa phương hiện nay thiếu một lượng lớn giáo viên, trong khi đó, việc tuyển mới giáo viên khó khăn do không có nguồn tuyển, nhất là giáo viên môn tích hợp.
Nêu ra một nghịch lý trong việc tuyển dụng giáo viên hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Phạm Đăng Khoa mặc dù thiếu giáo viên do số lượng học sinh tăng nhanh nhưng các địa phương vẫn phải tinh giản biên chế theo lộ trình.
Còn đối với đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên cho biết: Dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để đảm bảo chất lượng và khó để xã hội yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác. Vì vậy, các trường sư phạm cần sớm mở mã ngành và sớm đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu thiết bị dạy học tối thiểu, các nhà trường gặp khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự cho biết: Địa phương không gặp khó khăn về kinh phí mua sắm trang thiết bị nhưng các văn bản về thẩm định giá cũng như lựa chọn đơn vị để thực hiện mua sắm chưa rõ ràng, có sự chồng chéo. Cùng quan điểm, đại diện Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết: Mặc dù Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua phân bổ kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học nhưng các thông tư cũng như nghị định quy định về việc này còn có sự chồng chéo nên sở chưa triển khai mua sắm được.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thể hiện tầm nhìn rộng lớn, tính lý tưởng, tính toàn diện, tầm mong đợi, kỳ vọng rất cao. Trong triển khai chương trình có điểm có thể làm được ngay, nhưng có điểm đặt ra để đi trong nhiều năm và trong quá trình đi có thể điều chỉnh. Giáo dục đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hằng ngày, hằng giờ, ngành giáo dục các địa phương phải lắng nghe việc các nhà trường triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì không để cần ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục có thêm những thuyết phục với chính quyền địa phương, phụ huynh… để tiếp tục tạo sự chia sẻ, đồng thuận với quá trình thực hiện đổi mới.
Minh Phong