Cần nghiên cứu để định hướng giảm tác động tiêu cực của ChatGPT trong giáo dục

Sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT và trí tuệ nhân tạo nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các giáo viên đã chia sẻ quan điểm của mình về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, tìm ra giải pháp xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục.

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội), PGS. TS Tạ Hải Tùng, dân công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Công nghệ và khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và có những có công nghệ mới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của ChatGPT, đây là lần đầu tiên người dùng đại chúng tiếp cận được với trí tuệ nhân tạo. ChatGPT đơn giản là một mô hình thuật toán mà chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. Hãy coi đây là một công cụ chứ không đe dọa như mọi người vẫn nghĩ. Công nghệ hỗ trợ giúp chúng ta hiểu học sinh, sinh viên hơn, từ đó mang lại nhiều dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị cho người dùng, nhất là học sinh, sinh viên cách thức sử dụng có trách nhiệm.

Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Sự xuất hiện của ChatGPT là cơ hội giải phóng cho giáo viên khỏi một số công việc. Từ đó, người thầy tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực, dạy kiến thức sang dạy người. Hãy để giáo viên, học sinh, sinh viên tận dụng công cụ số, hình thành năng lực số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình.

Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất cho biết: Với dữ liệu khổng lồ thì ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên. Tuy nhiên, để dùng được ChatGPT thì cần có sự nghiên cứu để định hướng cách dùng ChatGPT trong giáo dục. Còn theo TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX (hệ sinh thái đào tạo trực tuyến công nghệ thông tin thuộc tập đoàn FPT), lâu nay người học thường sợ hỏi, không dám hỏi, trong khi đó ChatGPT cho phép người học hỏi không giới hạn. FUNiX là một diễn đàn về hỏi đáp nên khi có ChatGPT thì đây là hướng mà FUNiX đang hướng tới, khuyến khích tất cả học viên sử dụng công cụ này, sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về giáo dục.

Trước lo ngại về chất lượng thông tin cung cấp từ ChatGPT khi người dùng sử dụng ứng dụng này, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm bảo thủ. Công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn, thầy cô sẽ cùng trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng đào tạo. “ChatGPT là một thành tựu và người dùng được trải nghiệm nhưng Chat GPT chưa thể thay thế tư duy của con người. Người dùng nên tiếp cận một cách chừng mừng và coi đây là công cụ phục vụ cho công việc của mình", PGS.TS Tạ Hải Tùng lưu ý. 

Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX cho biết: Với sinh viên, khi đặt câu hỏi và được trả lời thì sinh viên thấy có ích chứ chưa bàn đến việc trả lời đúng hay sai. ChatGPT có thể để sinh viên đặt nhiều câu hỏi, nhận xét, phản hồi thoải mái. Nhờ đó, sinh viên FUNiX mạnh dạn trao đổi với giáo viên hơn.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trí tuệ nhân tạo giúp cho thầy cô có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức, tuy nhiên, cần phát huy thế mạnh để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực mà không bị lệ thuộc vào công nghệ.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trước kia, ngành giáo dục hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Tuy nhiên, ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Lúc đầu rất nhiều người lo lắng khi một loạt công nghệ ra đời như radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến. Thế nhưng tất cả những công nghệ đó ra đời đều đã hỗ trợ tốt cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là tạo "cú hích" để ngành Giáo dục có những bước tiến lớn.

Bàn về những thách thức với người thầy trước sự xuất hiện của ChatGPT, Thứ trưởng cho biết, trong lịch sử đã có xuất hiện của nhiều công nghệ mới hay sự ra đời của công nghệ dạy học trực tuyến, người thầy phải làm sao để tận dụng tốt những công cụ này. Khi có những công cụ giúp mình thực hiện những nhiệm vụ bình thường mất nhiều thời gian, người thầy có thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn, để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học. Về vấn đề đảm bảo đạo đức học thuật, chống đạo văn trước sự hiện diện của ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, các trường đại học chắc chắn sẽ có những quy định, quy chế cụ thể. Về mặt vĩ mô, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những nghiên cứu thấu đáo để tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo vấn đề đạo đức học thuật. Và kể cả khi chưa có hành lang pháp lý đó thì các trường đại học, các trường phổ thông cũng có thể xây dựng những quy định, quy chế riêng để hạn chế những tác động tiêu cực. Đồng thời mong muốn các học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm công nghệ để hiểu hơn và cùng thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.

Minh Phong

 

Bạn đang đọc bài viết Cần nghiên cứu để định hướng giảm tác động tiêu cực của ChatGPT trong giáo dục tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19