Năm học 2021- 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc; năm học 2022-2023 vừa qua, số giáo viên nghỉ việc là 9.295 người. Nguyên nhân giáo viên nghỉ việc trong những năm gần đây thì nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân cốt lõi nhất là thu nhập hàng tháng của một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay quá thấp so với thực tế cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Nậm Nhùn cho biết: Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn được thể hiện tại nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thậm chí chồng chéo. Từ đó, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng trong thực tiễn.
Là giáo viên mầm non có nhiều năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Trường mầm non Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Mặc dù chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp, đối với giáo viên mới ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa tương xứng với thời gian và công việc của giáo viên, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Mặt khác, theo quy định, thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế thường làm việc ở trường từ 10 đến 11 giờ/ngày, cho nên không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Thậm chí có trường hợp do thiếu giáo viên, một cô giáo phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) Chia sẻ về những vất vả của giáo viên mầm non, cô Hương cho biết, mặc dù có quy định thời gian làm việc là 40 giờ/tuần nhưng trên thực tế, giáo viên làm việc gần như gấp đôi. Công việc giáo viên mầm non vất vả, chịu nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi nghề 35% như hiện nay là rất thấp chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giáo viên không bám trụ được với nghề, xin nghỉ việc.
Lương, chế độ cho nghề giáo viên là câu chuyện trường kỳ, kéo dài qua nhiều thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Vấn đề này được nhắc nhiều trong những lần xây dựng luật, sửa luật, trong các kỳ họp Quốc hội nhưng đến thời điểm này, phần lớn các giáo viên vẫn đang khó khăn với phần lương ít ỏi mỗi tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến khó tuyển giáo viên tại các địa phương và số lượng lớn giáo viên bỏ việc, rời ngành nhiều trong những năm gần đây.
Mới đây, trong sự kiện Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ trưởng đã chia sẻ: Đối với giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã quan tâm bằng các chính sách trong thời gian qua nhưng đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ GD-ĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế. Ngoài ra, cũng sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Minh Phong