Cô giáo Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên, Hà Nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Nghị quyết 29 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế” được Hội nghị Trung ương (Khóa XI) của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua năm 2013.
Nghị quyết này có nội dung bao trùm toàn diện đối với lĩnh vực giáo dục trong đó có giáo dục phổ thông. Năm 2023, là năm thứ 10 toàn ngành giáo dục thực hiện theo Nghị quyết 29, phóng viên Tạp chí Giáo dục đã có phỏng vấn đối với cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) về những tác động của Nghị quyết 29 đối với công tác dạy và học trong 10 năm qua tại một trong những ngôi trường có thành tích học tập nổi bật của giáo dục Thủ đô.
Qua trao đổi có thể thấy, Nghị quyết 29 đã thực sự làm thay đổi hoạt động dạy và học với những chuyển biến tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 có tác động tới mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục.
Thầy cô giáo trường THPT Kim Liên, Hà Nội kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022 (Ảnh: đơn vị cung cấp)
Thưa bà, từ khi Nghị quyết 29 ra đời đến nay đã có 10 năm thực hiện trên thực tiễn, trong quá trình giảng dạy và điều hành tại trường THPT Kim Liên, theo bà đâu là nét thay đổi tích cực nhất mà bà thấy ấn tượng?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Tôi cho rằng, khi ngành giáo dục thực hiện theo Nghị quyết 29 của Đảng, điểm tích cực là các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Việc tổ chức nghiên cứu, tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình từng năm học, đảm bảo nghiêm túc, khoa học, đúng quy định. Đảm bảo thực hiện nội dung dạy học, giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Chú trọng các nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; giáo dục quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học tích cực phù hợp với chương trình phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Việc thực hiện Nghị quyết 29 dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cùng sự sáng tạo không ngừng của thầy cô và học trò trong 10 năm qua đã có kết quả nổi bật về chất lượng giáo dục của nhà trường đã được khẳng định vững chắc: Số lượng học sinh trường THPT Kim Liên tham dự kỳ thi học sinh giỏi Thành phố đạt nhiều giải cao; hàng năm số học sinh của nhà trường thi THPT quốc gia đạt điểm cao thuộc TOP đầu Thành phố (Năm 2022: môn Văn đứng thứ 1, môn Toán, Ngoại ngữ đứng thứ 4, môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý đứng trong top 10; Năm 2023: môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, GDCD đứng thứ 4, môn Lịch sử, Vật lý đứng top 10 toàn Thành phố).
Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đảm bảo nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp đạt những hiệu quả nhất định: Số học sinh Trường THPT Kim Liên tham gia dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT trúng tuyển nguyện vọng 1 vào đại học cao đẳng tăng lên từ 91-99%.
Hiện nay, đổi mới chương trình và sách giáo khoa là sự cụ thể hóa của đổi mới theo Nghị quyết 29, vậy cô có nhận xét gì về quá trình đổi mới này, đâu là điểm tích cực?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng. Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân.
Hay cũng có thể hiểu giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức sách vở mà nó còn là những nền tảng nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Một điểm tích cực nữa của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đó là chương trình có nội dung giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, được xác định rõ ở cấp trung học phổ thông.
Sách giáo khoa mới được đầu tư về hình ảnh, nội dung, hấp dẫn với học sinh, dễ sử dụng, các hoạt động học tập được thiết kế rõ ràng, mang tính phổ cập, dễ thực hiện; gần gũi với cuộc sống.
Xung quanh vấn đề đổi mới theo Nghi quyết 29 theo cô đâu là vấn đề nhà trường, giáo viên, học sinh đang vấp phải khó khăn để thực hiện đạt kết quả như nghị quyết nêu ra?
Cấp THPT chưa có hướng dẫn về việc thi tốt nghiệp THPT, nên nhà trường còn khó khăn trong việc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn lựa chọn các môn học; Giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh còn lúng túng trong lựa chọn môn học, định hướng nghề nghiệp.
Nhiều học sinh và cha mẹ chưa thống nhất trong việc lựa chọn môn học ở lớp 10 còn cảm tính, thiếu chính xác, còn hiện tượng xin đổi môn học khi kết thúc năm học.
Vâng xin cảm ơn bà!
Minh Triết