Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Làm sao để hiệu quả?

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các quy định về dạy thêm, học thêm, các địa phương cũng đưa ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh những biến tướng của hoạt động này, nhưng thực tế công tác quản lí vẫn còn lúng túng, bất cập.

Hàng loạt địa phương rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ 

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu được 2 tháng. Đứng trước vấn đề dạy thêm, học thêm, nhiều địa phương đã có những chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Tại TP. Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành công văn giao Sở GD-ĐT chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học; bảo đảm thực hiện đúng quy định, có điều chỉnh quy định tối đa số buổi, số tiết học thêm trong tuần, phù hợp đối với mỗi khối học, giảm áp lực cho người học…

Sở GD-ĐT Nam Định cũng có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD-ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Nam Định yêu cầu các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, nhà trường phải xây dựng đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về vấn đề này, theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, Sở quyết định tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kĩ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kĩ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định.

Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Đối với dạy học làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, Sở GD-ĐT Thanh Hóa quy định mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản yêu cầu, các trường học phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục tổ chức hoạt động đảm bảo hiệu quả, khoa học, hợp lí, không cắt xén thời gian dạy học chính khóa để tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Sở lưu ý các đơn vị thực hiện nghiêm việc tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định tại Thông tư số 17 ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT và Công văn số 371 ngày 17/3/2023 của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, nhất là quy định về các trường hợp không được dạy thêm như: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Các trường cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông để học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; không được ép buộc hoặc ngầm ép buộc đăng kí tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của học sinh, cha mẹ học sinh.

Tại Hà Nội, các trường học trên địa bàn một số địa phương như: huyện Thanh Trì, Sóc Sơn cũng đồng loạt tạm dừng, dạy liên kết, sắp xếp lại thời khóa biểu.

Một giờ học chính khoá của học sinh tại Hà Nội (Ảnh: PV)

Cấm hay quản thật tốt?

Trong bối cảnh đầu năm học 2023-2024, hàng loạt các sự việc liên quan tới dạy thêm học thêm, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nhiều biến tướng ở một số nhà trường, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (dạy thêm, dạy liên kết...) theo nhu cầu người học.

Theo công văn của Bộ GD-ĐT, thực hiện các quy định của Bộ về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: Giáo dục kĩ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường… theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT khẳng định, kết quả đã góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, công tác quản lí hoạt động này còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về hoạt động giáo dục này.

Có thể thấy, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa. Về phía Bộ GD-ĐT, cũng đã có các quy định về nội dung liên quan. Tuy nhiên, thực tế, công tác quản lí các hoạt động này vẫn còn lúng túng, bất cập.

Ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán (Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân dẫn tới dạy thêm, học thêm là tâm lí chuộng bằng cấp của đại bộ phận phụ huynh. Hơn nữa, hiện nay mục đích chính của học sinh đi học thêm chủ yếu là phục vụ cho các mốc thi cử. Như vậy, gốc rễ của việc học thêm là câu chuyện tuyển sinh. 

Trong bối cảnh trường học chưa đáp ứng nhu cầu đầu vào của học sinh, các kì thi với tỉ lệ chọi cao, ông Tùng cho rằng, xã hội không nên định kiến việc dạy thêm, học thêm là cái xấu. Điều quan trọng là, cơ quan quản lí nhà nước cần đưa ra các quy định để dạy thêm, học thêm không nảy sinh các tiêu cực.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, ngoài xuất phát từ phía giáo viên, phụ huynh thì gốc cũng từ phía chương trình, thi cử nặng nề. Đây là cả một dây chuyền nên nếu muốn bàn tới giải pháp thì phải “sửa” hệ thống chứ không riêng một khâu nào.

Do vậy, ông Nhĩ cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần giáo dục đạo đức cho người thầy. Thứ hai, làm thế nào để đời sống của người thầy tương đối để họ có thể sống được với nghề. Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, đừng ép buộc con mình quá mức về việc học. Cuối cùng là xem lại toàn bộ hệ thống chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay.

Thu Hoài

Bạn đang đọc bài viết Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Làm sao để hiệu quả? tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19