Công nghệ số trong giáo dục mầm non: Kinh nghiệm từ việc sử dụng bảng tương tác ở Thụy Điển

Nghiên cứu của tác giả ​​Maryam Bourbour và cộng sự tìm hiểu cách thức mà một thiết bị công nghệ số cụ thể - bảng tương tác (IWB) - hỗ trợ công việc giảng dạy của giáo viên mầm non. Nghiên cứu này cho thấy bảng tương tác có tác dụng hỗ trợ giáo viên rất tốt trong việc tổ chức cả các hoạt động nhóm và cá nhân trong lớp.

Từ một thập niên trở lại đây, công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động giáo dục. Trong đó, hệ thống giáo dục của Thuỵ Điển cũng không phải là ngoại lệ. Tương tự các cấp học khác, việc sử dụng công nghệ trong giáo dục mầm non cũng đã được triển khai và nhận được sự quan tâm về mặt chính sách của chính phủ. Chương trình học tại Thuỵ Điển do chính phủ ban hành cũng đặt trọng tâm vào việc tích hợp công nghệ số trong quá trình phát triển và triển khai các hoạt động sáng tạo. Bên cạnh những thời cơ, việc triển khai công nghệ số cũng đặt ra những thách thức nhất định và đòi hỏi đối với tri thức, kĩ năng của cả giáo viên và học sinh trong việc vận hành các thiết bị công nghệ. Nhiều nghiên cứu, khảo sát đã được tiến hành và cả những tranh luận, hoài nghi đã được đặt ra về tính hữu dụng của công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục, và là thách thức mà các giáo viên, quản lý trường học và cả các nhà hoạch định chính sách cần phải tìm cách khắc phục.

Giáo viên mầm non đóng vai trò quan trọng trong quá trình tích hợp các công nghệ số vào công tác giảng dạy. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về vai trò và đóng góp của công nghệ đối với công việc của các giáo viên. Do đó, mục tiêu của bài nghiên cứu này là sử dụng góc nhìn văn hoá - xã hội của quá trình học tập để tìm hiểu cách thức bảng tương tác (Interactive Whiteboard - IWB) hỗ trợ công việc giảng dạy của giáo viên bậc mầm non. Các câu hỏi nghiên cứu được giải quyết trong bài viết gồm: i) Bảng tương tác đóng vai trò trung gian hỗ trợ công việc giảng dạy như thế nào? và ii) Đâu là những điểm nổi bật trong quá trình dạy học bằng bảng tương tác ở bậc mầm non?

Để tìm hiểu vai trò của bảng tương tác trong hoạt động dạy học bậc mầm non, nhóm nghiên cứu tiến hành quan sát các lớp học mầm non có sử dụng bảng tương tác như một công cụ bổ sung cho các phương pháp sư phạm truyền thống của giáo viên. Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu thực tế trong vòng 5 tháng, chủ yếu là quan sát hoạt động của 5 giáo viên mầm non và 22 học sinh mầm non tuổi từ 4-6 tại một trường mầm non ở trung tâm Thuỵ Điển. Các giáo viên tham gia có trình độ chuyên môn sư phạm và kĩ năng công nghệ ở các cấp độ khác nhau; nhưng điểm chung là đều chưa được đào tạo cụ thể cách thức sử dụng bảng tương tác. Các giáo viên mầm non tự lên kế hoạch và tiến hành các tiết học sử dụng bảng tương tác mà không có bất kỳ sự can thiệp, hỗ trợ, định hướng nào từ nhóm nghiên cứu. Thời lượng và số lượng quan sát của nhóm nghiên cứu không được xác định trước, mà chỉ đơn giản được tiến hành cho đến khi các thành viên nghiên cứu nhận thấy rằng họ đã thu thập đủ dữ liệu thực tế. Nhóm nghiên cứu có tiến hành quay video các tiết học để sau đó phân tích, nhận diện và chuyển thành dạng văn bản để tiến hành phân tích. Nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghiên cứu của Thuỵ Điển và có sự minh bạch, đồng thuận của các giáo viên và phụ huynh/người giám hộ của các học sinh tham gia.

Kết quả nghiên cứu đầu tiên của nhóm tác giả đề cập đến những tranh luận (vẫn đang tiếp diễn) về việc liệu bảng tương tác có thể giúp thay đổi phương thức giảng dạy “hướng mục tiêu” của các giáo viên mầm non hay không và nếu có thì thay đổi như thế nào. Không ngạc nhiên khi bảng tương tác đã thực sự thay đổi được phương pháp sư phạm của các giáo viên mầm non nhiều hơn so với các loại thiết bị số màn hình nhỏ khác. Tuy nhiên, sự thay đổi này phụ thuộc nhiều vào các tính năng cụ thể của bảng tương tác, các ứng dụng thực tế của nó và tần suất sử dụng bảng tương tác trong các hoạt động sư phạm. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc ứng dụng bảng tương tác một cách có định hướng đầy đủ, giáo viên chuẩn bị các học liệu phong phú từ trước để trình diễn trên bảng tương tác sẽ giúp họ kiểm soát tốt hơn toàn bộ quá trình dạy và học với công cụ này.

Một số nghiên cứu trước đó cho rằng, nếu ứng dụng bảng tương tác một cách có cấu trúc, bảng tương tác không chỉ làm thay đổi các hình thức giao tiếp, tương tác giữa giáo viên và học sinh và giữa các học sinh với nhau, mà đôi khi còn làm hạn chế cơ hội của giáo viên trong việc trực tiếp động viên, đưa ra thử thách và quan tâm đến nhu cầu và quan điểm của từng học sinh. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã nhận thấy trong một số trường hợp, việc sử dụng bảng tương tác của giáo viên có thể giúp thúc đẩy sự tham gia của học sinh mầm non trong các hoạt động dạy học. Quan sát của nhóm nghiên cứu cho thấy trong một số trường hợp, bảng tương tác đã hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động “học mà chơi”. Trong các hoạt động này, bảng tương tác hỗ trợ trong việc trình chiếu và đặt ra một số tình huống “nếu như” trên màn hình để học sinh tư duy và đưa ra phương án giải quyết. Khác với những thiết bị màn hình nhỏ - chẳng hạn như máy tính bảng, đến nay đã trở thành một thiết bị phổ biến ở hầu hết các trường mầm non của Thuỵ Điển - nghiên cứu này cho thấy bảng tương tác có tác dụng hỗ trợ giáo viên tổ chức cả các hoạt động nhóm và cá nhân trong lớp.

Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra khả năng tương tác trực tiếp (về mặt vật lý) giữa giáo viên và màn hình hiển thị lớn của bảng tương tác giúp gia tăng cơ hội của giáo viên trong việc đưa ra những ý kiến, góp ý cho học sinh tức thời (theo thời gian thực). Việc đưa ra nhận xét, phản hồi cho học sinh thông qua việc viết, hiển thị trên màn hình của bảng tương tác sẽ giúp kích thích suy nghĩ của học sinh. Nhóm nghiên cứu bổ sung hai hình thức hỗ trợ phản hồi đặc trưng khác của bảng tương tác. Bản chất tương tác của bảng này giúp đưa ra những ý kiến nhận xét, phản hồi trực tiếp, tự động khi giáo viên và học sinh thực hiện xong một hoạt động, hoặc khi có một vật thể cụ thể nào đó được đặt lên bảng. Phản hồi hiển thị trên bảng tương tác có thể được chia làm hai loại (hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào thiết lập của giáo viên): tích cực và tiêu cực. Màn hình lớn của bảng tương tác còn đem lại cơ hội cho chính học sinh có những ý kiến phản hồi về bài làm của các bạn khác trong lớp, trong các hoạt động đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Sofie Lindeman, Maria Svensson, Ann-Britt Enochsson (2021). Digitalisation in early childhood education: a domestication theoretical perspective on teachers’ experiences. Education and Information Technologies, 26(4), 4879-4903.

 

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ số trong giáo dục mầm non: Kinh nghiệm từ việc sử dụng bảng tương tác ở Thụy Điển tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn