Kiểm định giáo dục đại học và vấn đề chất lượng chương trình đào tạo ở Việt Nam

Đến hết tháng 5 năm 2023, đã có 802 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Phân tích các kết quả cho thấy các chương trình đào tạo chỉ được đánh giá tốt ở các tiêu chí gián tiếp liên quan đến đào tạo; ngược lại đạt điểm thấp ở những tiêu chí cốt lõi liên quan trực tiếp đến đề cương môn học, chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá kết quả học tập.

Chất lượng giáo dục đại học luôn nhận được sự quan tâm của các bên liên quan như sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động và Chính phủ. Có nhiều cách tiếp cận để bảo đảm chất lượng giáo dục đại học như thanh tra, đánh giá, kiểm toán, kiểm định. Được bắt nguồn từ Hoa Kỳ cách đây hơn một thế kỉ, kiểm định chất lượng là mô mình phổ biến nhất được các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới sử dụng. Kiểm định chất lượng là một quá trình trong đó một cơ sở giáo dục hoặc CTĐT trải qua một quá trình đánh giá để xác định sự tuân thủ các tiêu chuẩn/tiêu chí đã xác định, được các chuyên gia/nhóm đồng cấp xem xét và đánh giá nghiêm túc để đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục hoặc CTĐT. Quy trình kiểm định phổ biến nhất trên thế giới hiện này là: (1) Tự đánh giá bởi cơ sở giáo dục, (2) Đánh giá ngoài bởi tổ chức kiểm định và (3) Thẩm định và công nhận chất lượng bởi hội đồng kiểm định chất lượng của tổ chức kiểm định. Một trong những lí do chính là kiểm định là một công cụ đáng giá để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Kiểm định cung cấp sự đảm bảo cho người học, phụ huynh và doanh nghiệp rằng một cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo (CTĐT) đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nhất định.

Có hai loại hình kiểm định phổ biến là kiểm định cơ sở giáo dục (hay còn gọi là kiểm định trường) và kiểm định CTĐT. Trong kiểm định chất lượng CTĐT cũng có hai cách tiếp cận chính là dùng một bộ tiêu chuẩn kiểm định tất cả các CTĐT và mỗi lĩnh vực sẽ sử dụng một bộ tiêu chuẩn riêng. Các tiêu chuẩn kiểm định CTĐT chủ yếu trọng tâm vào: cấu trúc, nội dung của chương trình; mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình; phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên; tuyển sinh, hỗ trợ người học; và đảm bảo chất lượng.

Ở Việt Nam, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã chính thức được triển khai được 20 năm. Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học và CTĐT. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Kiểm định chất lượng CTĐT hiện nay được thực hiện với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bộ tiêu chuẩn này cơ bản được dịch từ bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp CTĐT của AUN-QA phiên bản 3.0, gồm 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT (3 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả CTĐT (3 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học (3 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 4: Phương pháp tiếp cận trong dạy và học (3 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 5: Đánh giá kết quả học tập của người học (5 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 6: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (7 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 7: Đội ngũ nhân viên (5 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 8: Người học và hoạt động hỗ trợ người học (5 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 9: Cơ sở vật chất và trang thiết bị (5 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 10: Nâng cao chất lượng (6 tiêu chí).

Tiêu chuẩn 11: Kết quả đầu ra (5 tiêu chí).

Hiện tại có 07 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được Bộ GD-ĐT thành lập hoặc cho phép thành lập. Các cơ sở giáo dục đại học có thể lựa chọn trong số 07 trung tâm kiểm định này để đăng kí kiểm định cơ sở giáo dục và CTĐT. Ngoài ra, các trường cũng có thể thực hiện kiểm định với các tổ chức kiểm định nước ngoài được Bộ GD-ĐT công nhận.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cho đến hết tháng 5/2023, 241 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành báo cáo tự chu kì 1, trong 188 trường được kiểm định và công nhận chất lượng; 79 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành báo cáo tự chu kì 2, trong 42 trường được kiểm định và công nhận chất lượng; ngoài ra, 09 trường đã được kiểm định và công nhận bởi tổ chức nước ngoài (Bộ GD-ĐT, 2023a).

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả kiểm định chất lượng các CTĐT được công bố trên website của Bộ GD-ĐT và các trung tâm kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy, trong số 802 CTĐT được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước thì chỉ có 01 chương trình có 100% số tiêu chí đạt từ 4.0 trở lên, 05 chương trình đạt 98% số tiêu chí , và 30 chương trình đạt 96% số tiêu chí đạt, 87 chương trình có 84% số tiêu chí đạt, 56 chương trình có 82% số tiêu chí đạt. Trong khi đó có 25 CTĐT chỉ đạt ở mức tối thiểu với 80% số tiêu chí đạt.

Kết quả phân tích cho thấy, điểm trung bình của 50 tiêu chí từ 802 CTĐT được kiểm định dao động từ 3.26 đến 4.33. Có 28 tiêu chí có điểm trung bình từ 4 trở lên, trong khí đó có 22 tiêu chí có điểm trung bình dưới 4. Trong số 28 tiêu chí có điểm trung bình từ 4 trở lên thì có 01 tiêu chí đạt 4.33 điểm, 01 tiêu chí đạt 4.25 và 02 tiêu chí đạt 4.17. Trong số 22 tiêu chí có điểm trung bình dưới 4 thì có 01 tiêu chí chỉ đạt 3.26 điểm, 01 tiêu chí đạt 3.30 và 01 tiêu chí đạt 3.60. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các CTĐT được kiểm định và công nhận chất lượng, số chương trình đạt mức cao nhất (100%) và cận cao nhất (98% và 96%) chỉ chiếm 4% (36/802). Trong khi đó, số chương trình đạt mức tối thiểu (80%) và cận tối thiểu (82% và 84%) chiếm 21% (167/802). Nhiều nhất là các CTĐT đạt 88%, 86% và 90% với số lượng 162, 145 và 143 tương ứng.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy điểm trung bình của các tiêu chí đạt khá thấp. Với thang đo từ 1 đến 7, điểm trung bình của 50 tiêu chí chỉ đạt 3.96. Tiêu chí cao nhất đạt 4.33 trong khi tiêu chí thấp nhất đạt 3.26. Một điều đáng quan tâm là có 44% (22/50) số tiêu chí có điểm trung bình dưới 4.0. Theo quy định điểm 4.00 là mức tối thiểu để một tiêu chí được đánh giá đạt (Bộ GD-ĐT, 2016).

Với 10 tiêu chí đạt số điểm trung bình cao nhất, hầu hết đó là các tiêu chí thuộc các tiêu chuẩn 6, 8 và 9. Đó là những tiêu chuẩn về điều kiện chất lượng gồm: đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ hỗ trợ, các hoạt động hỗ trợ người học, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Như vậy, những tiêu chí đạt điểm cao nhất này chủ yếu là những tiêu chí gián tiếp về điều kiện chất lượng đào tạo tạo nên chất lượng của một CTĐT. Hơn nữa, 10 tiêu chí đạt số điểm trung bình thấp nhất đều là những tiêu chí cốt lõi, trực tiếp về hoạt động đào tạo tạo nên chất lượng của CTĐT. Những tiêu chí này thuộc các tiêu chuẩn 1, 2, 3, 10 và 11, trọng tâm vào mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT, bản mô tả CTĐT, cấu trúc và nội dung chương trình dạy học, phương pháp tiếp cận trong dạy và học, đánh giá kết quả học tập của người học, nâng cao chất lượng và kết quả đầu ra.

Thông qua nghiên cứu, có thể thấy rằng, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo và nâng cao chất lượng CTĐT. Môi trường cảnh quan, phòng thí nghiệm, thực hành và trang thiết bị được nhiều trường đầu tư để hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các hoạt động tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa được nhiều trường chú trọng. Nhiều trường đã quan tâm đến quy trình khiếu nại về kết quả của người học cũng như theo dõi tỉ lệ người học có việc làm để đối sánh và cải tiến chất lượng. Việc quản trị theo kết quả công việc của giảng viên, nghiên cứu viên cũng được nhiều trường triển khai.

Tuy nhiên, nhiều CTĐT mặc dù được kiểm định và công nhận chất lượng đã không đạt những tiêu chí cốt lõi về chuẩn đầu ra, sự đầy đủ thông tin và cập nhật đề cương các học phần, sự đóng góp của các học phần để đạt được chuẩn đầu ra, phương pháp thi kiểm tra đánh giá, thư viện và nguồn học liệu, cơ chế phản hồi của các bên liên quan, và việc rà soát thường xuyên để đảm bảo quá trình dạy - học, kiểm tra, đánh giá được tương thích. Do đó để đảm bảo và nâng cao chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học cần: chú trọng xác định việc đóng góp của mỗi học phần để đạt được chuẩn đầu ra; xác định các chuẩn đầu ra rõ ràng; đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy và sự công bằng của các phương pháp đánh giá kết quả học tập; và đảm bảo nguồn học liệu cập nhật và phù hợp.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Hữu Cương, Trần Ngọc Hạnh, Hà Vĩnh Phước, Trần Lê Phương Thảo, Bùi Thị Thùy Trinh, Trần Hồng Nhựt Minh, Nguyễn Thanh Vương, Trần Tiến Quang (2023). Phân tích chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng. Tạp chí Giáo dục, 23(số đặc biệt 9), 67-72.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm định giáo dục đại học và vấn đề chất lượng chương trình đào tạo ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn