Chuyển đổi số trong nhà trường: Vấn đề quản lí và văn hoá

Công tác quản lí tại các trường học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công tác dạy và học của giáo viên và học sinh. Do đó, vai trò của chuyển đổi số trong quản lý nhà trường là một nhu cầu rất cấp thiết. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về vai trò của việc giáo dục, giảng dạy về văn hoá và công tác quản lí nhà trường trong quá trình thích nghi với chuyển đổi số.

Đối với việc xác lập các quan niệm văn hoá cho học sinh, công tác quản lý giáo dục đóng vai trò then chốt trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động đến các khía cạnh văn hoá nhằm hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là vai trò của việc giáo dục, giảng dạy về văn hoá và công tác quản lý nhà trường như thế nào trong quá trình thích nghi với chuyển đổi số.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Các báo cáo của các lãnh đạo trường được sử dụng để tìm hiểu mức độ sẵn sàng và nhận thức của các cấp quản lý nhà trường ở Bắc Đảo Síp (North Cyprus) đối với chuyển đổi số. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiến hành phân tích nội dung để tìm hiểu những vấn đề có khả năng xảy ra trong tương lai gần đối với công tác quản lý nhà trường và chuyển đổi số.

Phương pháp lấy mẫu quả cầu tuyết được sử dụng để chọn nhóm đáp viên trả lời khảo sát. Dữ liệu được thu thập trong thời gian từ 23/2 đến 15/4/2016, thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp kéo dài 40 phút/cuộc với các thành viên ban lãnh đạo nhà trường và các giáo viên của 3 trường học tại nông thôn nhằm tìm hiểu các hệ giá trị và niềm tin của những đáp viên này. Sau khi xử lý, bảng hỏi được mã hoá, nhận diện các chủ đề chính trong câu trả lời của các đáp viên. Cuối cùng, nghiên cứu viên tiến hành sắp xếp dữ liệu dựa trên các chủ đề và bảng mã (sau khi mã hoá dữ liệu).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, về chức năng của các biểu tượng, giá trị và niềm tin của người dân đối với sự hình thành quyết tâm theo đuổi giáo dục, các lãnh đạo nhà trường cho biết, “40% mục tiêu của trẻ em là lòng yêu nước, yêu không gian sống xung quanh ….” Nhóm các giáo viên cho biết “43% trẻ em có cảm xúc hướng tới quốc gia”. Do đó, thông qua khảo sát này, các nhà lãnh đạo trường học và giáo viên cho biết các biểu tượng, giá trị và niềm tin có trong các học sinh theo học tại trường của họ là về việc đóng góp cho quốc gia, cho địa phương nơi các em sinh sống và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, những giá trị, niềm tin này giúp cho các học sinh có sự đồng cảm với môi trường sống xung quanh và gia tăng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của các học sinh.

Bên cạnh đó, 50% số lãnh đạo nhà trường tham gia phỏng vấn cho biết, “Các biểu tượng, giá trị và niềm tin vốn có vị trí quan trọng trong cộng đồng dân cư, cần phải được bồi dưỡng cho trẻ em nghiêm túc và có sự áp dụng kịp thời trong thực tiễn”. Các giáo viên bày tỏ ý kiến rằng, “Những giá trị, biểu tượng và niềm tin cần phải được bồi dưỡng thông qua nhiều hoạt động khác nhau.” Vì vậy, các lãnh đạo nhà trường và các giáo viên cần chuẩn bị gấp rút và nghiêm túc các vấn đề này để giảng dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, những thông điệp cần truyền tải đến cho các học sinh thông qua những biểu tượng, giá trị và niềm tin cũng cần được cân nhắc kĩ lưỡng. Các trường có thể tổ chức các chuyến du lịch tìm hiểu về văn hoá và các hoạt động xã hội để làm vững chắc hơn những giá trị này trong lòng các học sinh.

60% người trả lời phỏng vấn cho rằng lãnh đạo nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm cần nhận trách nhiệm và đóng vai trò tích cực trong việc bồi dưỡng cho học sinh các giá trị và niềm tin này. 56% giáo viên tham gia khảo sát cho biết “chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự cần đóng vai trò sâu sắc hơn và có trách nhiệm lớn hơn về vấn đề này.” Nhiều người cũng tin rằng gia đình cũng cần thể hiện vai trò tích cực và chủ động hơn trong việc hướng dẫn cho con em mình các giá trị và niềm tin văn hoá.

Một vấn đề khác có liên quan là dấu ấn của công nghệ đối với việc phổ biến các biểu tượng, giá trị và niềm tin văn hoá. Tổng cộng, có 50% lãnh đạo nhà trường và 48% giáo viên tin rằng mặc dù công nghệ có những tác động rất hữu ích, nhưng họ vẫn cảm thấy nên sử dụng các học liệu trực quan và cho học sinh xem những bộ phim có liên quan đến chủ đề này. Ngoài ra, thông qua các biểu tượng, giá trị và niềm tin, những thông điệp cần truyền tải tới học sinh sẽ có hiệu quả cao hơn nếu có sự hỗ trợ của công nghệ. Mạng xã hội và các hoạt động tổ chức trên môi trường mạng Internet, cả trực tuyến và ngoại tuyến (ngoài đời thực), được 40% lãnh đạo nhà trường và 34% giáo viên ủng hộ như một trong những giải pháp trong việc bồi dưỡng các giá trị, niềm tin văn hoá cho học sinh. Các đáp viên đã khẳng định rằng việc sử dụng công nghệ, phim ảnh và Internet trong trường học để giảng dạy về các biểu tượng văn hoá, giá trị và đức tin đem lại hiệu quả cao hơn. Họ cũng chỉ ra rằng việc sử dụng công nghệ cần được mở rộng hơn nữa cả trong môi trường học đường lẫn ngoài phạm vi nhà trường.

Từ các kết quả nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu nhận thấy lãnh đạo các trường học tại vùng nông thôn Bắc Đảo Síp đã có nhận thức tốt về việc ứng dụng các công cụ kĩ thuật số trong nhà trường. Mặc dù có một số trở ngại, các lãnh đạo và giáo viên nhà trường nắm được tầm quan trọng và quy trình chuyển đổi số trong giáo dục, cả về các ứng dụng thực tiễn lẫn những chi phí cần thiết.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Fahriye Altınay, Gokmen Dagli, Zehra Altınay (2016). Digital Transformation in School Management and Culture. IntechOpen, DOI: 10.5772/65221.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong nhà trường: Vấn đề quản lí và văn hoá tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn