Những năm gần đây, “chuyển đổi số” (CĐS) được nhắc tới ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. CĐS trong giáo dục tạo ra các cơ hội học tập mới khi người học tham gia trực tuyến, các điều kiện tiên tiến, các phương pháp giảng dạy được thay đổi đa dạng, linh hoạt
Nhóm tác giả thực hiện việc tìm kiếm từ cơ sở dữ liệu của Scopus (http://www.scopus.com), với các tùy chọn tìm kiếm nâng cao để nhập các điều kiện tìm kiếm và các toán tử phù hợp theo cú pháp của công cụ tìm kiếm này. Từ khóa tìm kiếm được xác định là hai từ khóa chính: “digital transformation” và “education”. Kết quả lọc dữ liệu đến bước cuối cùng, nhóm tác giả xác định được 73 bài báo phù hợp để tiến hành phân tích các xu hướng của CĐS trong giáo dục. Qua phân tích tổng quan, nhóm tác giả đã đưa ra 03 xu hướng chính trong các nghiên cứu về chủ đề CĐS trong giáo dục.
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học dưới tác động của đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn nghiêm trọng đối với việc học tập tại trường đại học của hầu hết sinh viên (SV). Theo số liệu của UNESCO, sau khi dịch bệnh bùng phát, trên thế giới có gần 1,6 tỉ HS và SV bị ảnh hưởng; 188 quốc gia buộc phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc, gây tác động đến 91,3% tổng số HS, SV trên toàn thế giới (WHO, 2020). Đối với chương trình học, hầu hết các trường đại học đều có sự thay đổi đáng kể trong cả hình thức giảng dạy để thích ứng với diễn biến của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã mang đến cho các trường đại học cơ hội tiếp cận với phương thức giảng dạy, học tập và làm việc trực tuyến nhiều hơn, giúp nâng cao kĩ năng CNTT cho cả giảng viên và SV, khuyến khích khả năng, ý thức tự học của SV và thúc đẩy sự phát triển, đổi mới về hệ thống CNTT, CĐS của nhà trường. Đồng thời, đại dịch Covid-19 cũng giúp các trường đại học nâng cao hệ thống vệ sinh và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe để tăng cường phòng chống dịch bệnh và cải thiện môi trường sư phạm một cách tích cực hơn.
Một số cơ hội mà CĐS trong giáo dục đại học mang lại là các bài học vi mô, video hoặc bài kiểm tra tương tác và thậm chí cả trò chơi hoặc phương pháp học tập dựa trên trí tuệ nhân tạo. Học tập từ xa cũng đã trở thành một xu hướng và cơ hội lớn cho nhiều SV. Giờ đây, SV có thể theo học bất kì trường cao đẳng hoặc trường học nào trên toàn thế giới và ở trong phòng của mình. Các công cụ họp trực tuyến như Zoom hoặc Google Meet đã giúp hàng triệu người học có được nền giáo dục mà họ mong muốn, mặc dù họ không có đủ tiền hoặc khả năng để đi du lịch. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp tạo các kế hoạch học tập tùy chỉnh, đánh giá điểm trung bình chung của HS, cải thiện hiệu suất của HS và cho phép nhiều tùy chọn hỗ trợ hơn.
Ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục
CĐS liên quan đến một số khái niệm như: thực tế ảo, thực tế tăng cường, in 3D, đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. CĐS trong ngành Giáo dục giúp cải thiện trải nghiệm học tập cho cả HS và GV, cũng như những bên liên quan tham gia vào quá trình này. Các phương pháp học tập được “cá nhân hóa” cũng là một thành phần quan trọng của cuộc cách mạng CĐS. Ứng dụng đám mây mang đến cho SV và GV cơ hội kết nối từ hầu hết mọi nơi. Họ có thể sử dụng các loại ứng dụng này khi đang ngồi trong giảng đường trực tiếp, ở nhà hoặc thậm chí ở bất cứ nơi đâu. Thực tế ảo là một công nghệ mới nổi và cũng có thể áp dụng trong giáo dục. Thực tế ảo là một mô phỏng do máy tính tạo ra, nơi mọi người có thể tương tác trong một môi trường nhân tạo. Người ta thấy rằng thực tế ảo được sử dụng như một công cụ sư phạm cho các lĩnh vực chủ đề khác nhau để khuyến khích sự tham gia của người học. Nó rất hữu ích trong học tập y tế, kĩ thuật, ngôn ngữ và xã hội, vì nó mang lại cơ hội để có được trải nghiệm trực tiếp về môi trường, ngoài ra còn giúp người học tham gia vào một môi trường ảo được trình bày và trải nghiệm cảm giác hiện diện trong đó, đồng thời nâng cao khả năng học tập qua trải nghiệm của HS. Hơn nữa, các nghiên cứu hiện tại tập trung vào vấn đề triển khai trí tuệ nhân tạo không phải là một sự lựa chọn mà là một nhu cầu. Khi công nghệ giáo dục phát triển như một tiêu chuẩn mới, tất cả các bên liên quan đến giáo dục phải triển khai trí tuệ nhân tạo để đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản, nghĩa là trí tuệ nhân tạo phải được cá nhân hóa, hiệu quả, biến đổi, dựa trên kết quả đầu ra, tích hợp và lâu dài.
Các hình thức học tập sử dụng công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và việc phát triển năng lực số trong giáo dục
CĐS không chỉ là “số hóa” bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kĩ thuật quản lí lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác CNTT để tổ chức giảng dạy thành công. Điều này giúp người học có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại, phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu trong môi trường giáo dục mở. Các phương pháp dạy học thường sử dụng ở các trường đại học như học tập kết hợp (Blended Learning hoặc Hybrid Learning) trong đó cần hài hòa việc dạy và học ở lớp với dùng các công nghệ số và học liệu số; học tập theo dự án (Project-based Learning); học đảo ngược (Flipped Learning); học tập thích nghi (Adaptive Learning); dùng phân tích dữ liệu người học và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ việc dạy và học, cá nhân hóa việc học, điều chỉnh tức thời tài liệu học tập và hình thức đánh giá.
Trong giáo dục, CĐS giúp kết nối các tổ chức học tập và SV theo một cách hoàn toàn mới. Các trường học thu thập nhiều thông tin về HS, từ dữ liệu cá nhân đến điểm số và HS cũng cần biết cách tương tác trực tuyến một cách lịch sự và văn minh. Dữ liệu lớn cung cấp cho họ cơ hội để đưa thông tin này đi xa hơn và sử dụng nó để hiểu rõ hơn về xu hướng và thành công của HS. Các trường học đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng này và việc dạy HS các nguyên tắc của công dân kĩ thuật số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong suốt quá trình giáo dục.
Mặc dù CĐS là xu hướng mới nhưng cũng đã có nhiều nghiên cứu đề cập khi các trường học bắt đầu triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT và truyền thông trong dạy học. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp một phần để mô tả bức tranh toàn cảnh về các nghiên cứu trong lĩnh vực CĐS trong giáo dục và định hướng cho các nghiên cứu và các hoạt động triển khai thực tiễn về CĐS trong giáo dục ở thời gian tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
Trịnh Thị Phương Thảo và cộng sự (2023). Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong giáo dục: một phân tích tổng quan. Tạp chí Giáo dục, 23(số đặc biệt 9), 77-82