Giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học

Bài viết phân tích, làm rõ đặc điểm, sự biến đổi của môi trường giáo dục đại học (môi trường giảng dạy, môi trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, môi trường hợp tác và phát triển cộng đồng), kết luận rằng cần đề xuất cách tiếp cận mới về môi trường giáo dục đại học và đề xuất các nhóm giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học hiện nay.

Lí luận giáo dục đã xác định môi trường xã hội là yếu tố quyết định nhân cách con người. Các yếu tố cơ bản của môi trường giáo dục gồm: các quan hệ chuyên môn bên trong và bên ngoài nhà trường, các điều kiện vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, tính tích cực và nỗ lực của giảng viên và sinh viên (SV) là chỉ số đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cùng với các chính sách tự chủ đại học có tác dụng hỗ trợ tạo động lực cho mọi hoạt động của con người trong môi trường đó. Bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ hoá nhà trường, kích thích sáng tạo, góp phần thực hiện cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực, là điều kiện cơ bản để hiện thực hoá chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 đã đem lại “sinh khí” mới cho giáo dục đại học. Tự chủ đại học với ba nội dung chính đã “tô đậm” chức năng sáng tạo - chức năng quan trọng nhất của trường đại học đã được đánh giá: (1) Tự chủ đại học là một cuộc cách mạng về chính sách, đột phá, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ đại học và mở rộng quyền tự chủ cho các trường; (2) Với ba trụ cột: tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính đã thúc đẩy các trường chủ động hơn và có cơ hội đánh giá nhìn nhận toàn diện mình hơn, đặc biệt là chủ động chỉ ra các hạn chế, khiếm khuyết và những rào cản để vươn dậy; (3) Điểm sáng của tự chủ đại học đạt được là tư duy mới về quản trị đại học; mở rộng hệ thống và các quan hệ; chất lượng chuyên môn học thuật; bộ máy tinh gọn; tài chính hiệu quả; (4) Sức sáng tạo trong phát triển chương trình và nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công bố quốc tế tăng mạnh, xếp hạng quốc tế được nâng lên rõ rệt.

“Môi trường giáo dục” trong các đại học, trường đại học trước hết là môi trường khoa học với những đặc trưng của các dạng hoạt động như: nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên và các hoạt động của người học được diễn ra thường xuyên, liên tục và chiếm phần lớn quỹ thời gian của mọi hoạt động nhà trường. Khái niệm “môi trường giáo dục đại học” bao gồm cả môi trường nhỏ và môi trường lớn. Môi trường nhỏ bao gồm các quan hệ thầy - trò, quan hệ người học - người học,... ở trên lớp, thông qua hoạt động học tập còn môi trường lớn bao gồm các quan hệ giữa các nhân tố của quá trình đào tạo với các yếu tố bên ngoài như: điều kiện sống, văn hoá, lối sống xã hội, kể cả nhân tố tích cực và tiêu cực... thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp của SV. Các thành phần cơ bản của môi trường giáo dục đại học bao gồm:

(1) Thiết chế hoạt động (tổ chức, bộ máy, nhân sự), các quan hệ chuyên môn (đào tạo, hoạt động khoa học), các điều kiện vật chất (điều kiện đào tạo và nghiên cứu, môi trường công nghệ thông tin), các quan hệ với môi trường bên ngoài (thiết chế quản lí, tác động của KT-XH, KH-CN, văn hóa, môi trường sống), các giá trị (truyền thống, văn hoá, lịch sử, đổi mới sáng tạo, uy tín nhà trường…). Các thành phần đều tập trung vào quan hệ chính của hoạt động nhà trường là người dạy - người học.

(2) Với giảng viên: có ba mức độ tạo động lực làm việc: Coi trọng danh dự, uy tín chuyên  môn, nghề nghiệp (mức độ cao - cống hiến) để có cơ hội thăng tiến trong chuyên môn (mức độ khá - bền vững chuyên môn); để có thu nhập cao hơn (mức độ trung bình - thực thi công vụ). Các nhân tố tác động đến động lực làm việc như áp lực quá tải trong giảng dạy với giảng viên có trình độ; thiếu khách quan trong đánh giá; lãng phí nguồn lực dạy do tham gia quản lí hoặc chuyển công tác; có hiện tượng co cụm ở một số ngành dẫn đến sự phân mảnh, làm giảm động lực giảng dạy của những người giỏi.

(3) Với người học: mức độ tham gia của cá nhân chiếm lĩnh, tiếp thu, chuyển hóa các điều kiện bên ngoài trở thành động lực bên trong của chủ thể. Hoạt động của người học là thành tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển của nhân cách chuyên gia tương lai. Do vậy, quan điểm cần hình thành ở người học năng lực tự giáo dục, tự học, tự quản, tự đánh giá… được coi là kết quả bền vững chính là nhờ sự tôn trọng quy luật này. Trong môi trường hiện nay, các cơ sở giáo dục đang có thói quen quản lí môi trường vật chất, cụ thể, phạm vi trường học, trong khi nhiều tác động xấu độc ảnh hưởng mạnh đến người học từ môi không gian ảo, tác động của thế giới đến nhận thức và tình cảm người học rất khác trước. Do vậy, cốt lõi của vấn đề môi trường là cần tăng sức “đề kháng” cho người học.

Nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.

Thứ nhất, phải hoàn thiện môi trường quản lí, quản trị đại học theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018. Môi trường thể chế và pháp chế, hệ thống văn bản quản lí hệ thống gồm: các quy định của tổ chức Đảng, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các văn bản được hoàn thiện đảm bảo tiêu chí đầy đủ, dễ áp dụng và có sự tham gia của mọi thành viên ở ba khâu chính: xây dựng văn bản, triển khai và điều chỉnh. Đây là môi trường pháp lí đầu tiên, quan trọng và là điều kiện tiên quyết trong tự chủ đại học. Trong môi trường này, cần phân biệt rõ hệ thống quản trị và hệ thống quản lí đại học. Việc chuyển dần chức năng từ Bộ chủ quản sang trách nhiệm Hội đồng trường sẽ tăng tự chủ, nhưng cũng nhiều thách thức đối với các trường đại học hiện nay.

Thứ hai, phải hoàn thiện tiêu chí môi trường khoa học công nghệ là trọng tâm. Hoạt động khoa học trong đại học, trường đại học là đặc trưng của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, cần phát triển mạnh môi trường số và không gian mở. Đây là điều kiện vật chất vô cùng rộng lớn và cũng rất đa dạng đang thách thức hệ thống giáo dục đại học. Giảng viên đại học phải đạt tiêu chuẩn “nhà giáo mới”, là người phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lí cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ.

Thứ tư, cần duy trì sức sáng tạo của con người trong môi trường giáo dục. Môi trường “sản sinh” ra con người hay con người “cải tạo” môi trường? Quan niệm của Các-Mác về tính thiết yếu của việc kết hợp hài hòa sự phát triển tự do của cá nhân với thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cộng đồng. Bởi lẽ, “chỉ có trong cộng đồng, cá nhân mới có những phương tiện để có thể phát triển toàn diện năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân” và chỉ “trong điều kiện có cộng đồng thật sự, các cá nhân có được tự do khi họ liên hợp lại và nhờ sự liên hợp ấy”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học, tăng đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo sự chuyển biến thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; chú trọng các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, tạo động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; đổi mới quản lí, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Xây dựng và ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn các chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh việc kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trình độ đại học; khuyến khích các cơ sở đào tạo tham gia kiểm định quốc tế. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục đại học, chú trọng gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với ứng dụng chuyển giao và hợp tác quốc tế; khuyến khích hợp tác doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cho phép các cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản trí tuệ, tài sản, tài chính và các nguồn lực khác thành lập doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Danh Nam, Phạm Hồng Quang (2023). Sự thay đổi và các giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học. Tạp chí Giáo dục, 23(số đặc biệt 9), 61-66.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19