Giáo dục Việt Nam từng bước ghi dấu trên trường quốc tế

Những năm vừa qua, giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ, có tên trên nhiều bảng xếp trong khu vực và thế giới. Ngoài việc phục vụ nhu cầu học tập trong nước, giáo dục Việt Nam đang dần khởi sắc, xây dựng thương hiệu riêng mang tính quốc tế.

Tiến bộ, nỗ lực và hội nhập 

Đối với giáo dục phổ thông, Kì thi học sinh giỏi Quốc gia tiếp tục được đổi mới và đạt được kết quả tốt. Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. 

Theo báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm này, kết quả tại các Kì thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Cụ thể với 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng và 05 Bằng khen. Năm 2022, Hội thi ISEF 2022 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại Hoa Kỳ, từ ngày 04-13/5/2022.Việt Nam có 07 dự án tham dự Hội thi ISEF 2022 và có 02 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. 

Những thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường. Đồng thời, kết quả này khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục. 

Tại Chương trình Gặp mặt - Tuyên dương Đoàn Học sinh đoạt giải Olympic và KHKT quốc tế năm 2022, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định: Kết quả mà các em đạt được đã thể hiện chính sách đúng đắn và chiến lược phù hợp của Đảng, Nhà nước và Bộ GD-ĐT cùng các Sở GD-ĐT, các trường chuyên, trường năng khiếu của các nước. Đây cũng là kết quả từ sự đồng hành của cha mẹ học sinh. Đây cũng là động lực cho các em tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện cho không chỉ các học sinh dự thi Olympic, KHKT mà cả đối với đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước.

Nhìn lại giáo dục đại học những năm gần đây ở nước ta, để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục đại học, năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 89. Sau nhiều năm thực hiện, năm 2022, đạt 24% đào tạo trong nước và 32% đào tạo nước ngoài so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, khả năng thực hiện dự kiến trong nước đạt 37% với 118 chỉ tiêu, nước ngoài đạt 64% với 130 chỉ tiêu. 

Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. 

Đặc biệt, theo công bố tại website research.com, công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 06 lĩnh vực bao gồm: Kĩ thuật Công nghệ, Khoa học Máy Tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật Liệu, Cơ khí và Kĩ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng. 

Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới. Đồng thời, cũng cho thấy cần đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn với khoa học của thế giới

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/6/2023, theo tiêu chuẩn trong nước, có 264 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kì 1 và 84 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kì 2. Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 09 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Ghi dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ 

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS). Trong đó, trường Đại học Duy Tân được xếp ở vị trí 514, tăng 286 bậc so với năm 2021 và cũng là thứ hạng cao nhất của một đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng đại học thế giới từ trước đến nay. Có 09 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 02 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay.

Mới đây, theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Góp phần lớn cho thành quả này là nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Năm học 2022 - 2023 ghi nhận nhiều dấu ấn về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội. Đoàn đại biểu Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn đầu đã tham dự và có nhiều đóng góp quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục do Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Năm học 2022 - 2023, cả nước có 390 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cùng sự nở rộ của hơn 2.400 công ty tư vấn du học. Bộ GD-ĐT đã chủ động và chủ trì đàm phán, thực hiện kí kết 15 Điều ước và Thỏa thuận quốc tế, trong đó có 05 thỏa thuận cấp Chính phủ; tích cực tham gia một số cơ chế tiểu vùng, khu vực và liên khu vực ASEAN, ASEM, APEC. Các điều ước, thỏa thuận quốc tế là căn cứ và là hành lang pháp lí quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các địa phương. 

Song song với đó, Bộ GD-ĐT đã chủ động hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với Lào và Campuchia. Hiện nay, có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đi học tập tại nước ngoài và có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các tổ chức, cá nhân có liên quan để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó giúp thúc đẩy việc hội nhập và nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục phổ thông ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Năm học 2022 - 2023, số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp THCS và khoảng 7,9% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp THPT với khoảng hơn 9000 học sinh người Việt Nam học tại các cơ sở giáo dục này. 

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 43 chương trình giáo dục tích hợp giữa chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và chương trình giáo dục của nước ngoài. Các nhà trường căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam chủ động xây dựng Chương trình Việt Nam học phù hợp với học sinh nhà trường, xây dựng thời gian biểu thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, các hoạt động như tăng cường năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên; giao lưu trao đổi giáo viên, học sinh; hỗ trợ các hoạt động giáo dục có yếu tố quan hệ quốc tế cũng được các cơ sở giáo dục chú trọng, đẩy mạnh. 

Ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi, các hoạt động tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT được tổ chức thường xuyên. Đồng thời triển khai kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lí nhà nước về GD-ĐT và các quy định về điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia hoạt động giáo dục, kết nối chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, tích hợp chương trình giáo dục Việt Nam và quốc tế. 

Mặc dù con đường vươn ra “biển lớn” của giáo dục Việt Nam còn đó những bất cập, tồn tại, khó khăn nhưng phải khẳng định rằng, những năm qua, giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận với sự nỗ lực, “chuyển mình”, dần khởi sắc, tạo chỗ đứng và xây dựng thương hiệu mang tính quốc tế cho riêng mình.

Tác giả: Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục Việt Nam từng bước ghi dấu trên trường quốc tế tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19