Theo Quyết định 1373/QĐ-TTg và những Chương trình theo Quyết định này (Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677/QĐ-TTg; Chương trình xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn xã theo Quyết định 387/QĐ-TTg), Việt Nam sẽ có một xã hội học tập với cấu trúc xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập dựa trên nền tảng mô hình “Công dân học tập” và 4 mô hình đã có gồm: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập.
- Mô hình "Gia đình học tập": Xây dựng các gia đình học tập sẽ tạo nền móng vững chắc cho mọi nỗ lực khác trong việc nhân rộng, triển khai các mô hình học tập ở những quy mô khác nhau để đóng góp vào việc xây dựng một xã hội học tập. Phong trào xây dựng gia đình học tập đã được Hội Khuyến học Việt Nam triển khai qua hai giai đoạn và đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy động cơ, nỗ lực học tập của người dân ngay từ phạm vi gia đình. Ở mô hình này, chỉ số đánh giá cơ bản là trẻ em phải được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, người lớn phải trở thành công dân học tập. Nhờ học tập, gia đình thoát nghèo đa chiều, có nhiều đóng góp vào việc phát triển sản xuất, phát triển nghề mới ở địa phương và có đời sống văn hóa ngày càng được cải thiện.
- Mô hình "Dòng họ học tập": Mô hình xây dựng các dòng họ học tập vừa đóng góp thêm một mô hình học tập suốt đời quan trọng, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong việc tôn vinh giá trị của việc học và kịp thời động viên, khuyến khích các gia đình trong dòng họ cùng nhau phấn đấu để ngày càng tiến bộ. Chỉ số đánh giá cơ bản đối với "Dòng họ học tập" là coi dòng họ là một cộng đồng huyết thống của những gia đình học tập, là nơi hướng dẫn, động viên các thế hệ trong dòng họ phát huy truyền thống hiếu học, phấn đấu để nhiều thành viên đạt danh hiệu công dân học tập, gắn kết với dòng họ khác tạo nên một cộng đồng đoàn kết, đồng thuận.
- Mô hình “Cộng đồng học tập ở phạm vi thôn bản/tổ dân phố”: Tiêu chí cơ bản để đánh giá cộng đồng học tập trên địa bàn cấp xã là kết quả học tập của nhân dân trong thôn bản, tổ dân phố sẽ tạo nên nhiều công dân học tập trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần xây dựng xã nông thôn mới và khu phố văn hóa, văn minh. Cộng đồng học tập phải trở thành một môi trường giáo dục tốt, trên cơ sở học tập của nhân dân mà có đủ năng lực thực hiện chuyển đổi số trong đời sống văn hóa bản làng, xã, phường có hiệu quả.
- Mô hình “Cộng đồng học tập cấp xã”: Với trên 10.500 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước, việc xây dựng các mô hình cộng đồng học tập cấp xã là một động lực to lớn, động viên, khuyến khích thúc đẩy mọi thành phần trong cộng đồng tham gia học tập, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã” được dựa trên các tiêu chí quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ GD-ĐT: (1) Nhóm tiêu chí về kết quả xây dựng cộng đồng học tập; (2) Nhóm tiêu chí về điều kiện đảm bảo để xây dựng cộng đồng học tập; (3) Nhóm tiêu chí về tác động của cộng đồng học tập.
- Mô hình “Đơn vị học tập trên địa bàn cấp xã”: Mô hình học tập suốt đời này được triển khai theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, và “Cộng đồng học tập ở thôn bản/tổ dân phố” được nêu ở trên, góp phần xây dựng xã hội học tập. Một đơn vị học tập cấp xã được công nhận căn cứ vào các tiêu chí: (1) Kết quả học tập của đơn vị học tập trên địa bàn cấp xã; (2) Điều kiện học tập của đơn vị học tập trên địa bàn cấp xã; (3) Tác dụng của học tập đối với đơn vị học tập trên địa bàn cấp xã.
- Mô hình “Đơn vị học tập trực thuộc huyện/tỉnh”: Trong xây dựng xã hội học tập không thể thiếu sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, đơn vị học tập. Theo đó, một cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện/tỉnh được xác định là một đơn vị học tập với mục đích tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng mẫu hình công dân học tập trong các đơn vị, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập; việc đánh giá, xếp loại được dựa trên các tiêu chí quy định tại Thông tư số 22/TT-BGDĐT, ngày 6/8/2020 của Bộ GD-ĐT: (1). Kết quả học tập của thành viên đơn vị học tập; (2) Các điều kiện để xây dựng đơn vị học tập; (3) Đánh giá hiệu quả, tác dụng của xây dựng đơn vị học tập.
- Mô hình “Công dân học tập”. Công dân học tập được hiểu là công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là thành viên) trong cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện (sau đây gọi chung là đơn vị), có ý thức tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, có khả năng thích ứng với môi trường sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Như vậy, công dân học tập là yếu tố cốt lõi, là thành viên của các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã và là yếu tố chất lượng mới của các mô hình gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập. Các kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn đánh giá mô hình “Công dân học tập”: (1) Năng lực tự học, học suốt đời; (2) Năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc; (3) Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định các mô hình học tập suốt đời của Việt Nam được đề cập ở trên có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân trong cộng đồng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị; từ phạm vi nhỏ nhất là mỗi công dân, cho đến quy mô gia đình, thôn bản, đơn vị và cộng đồng đều có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng thông qua các tiêu chí đánh giá cụ thể, chặt chẽ.
TS. Lê Thị Mai Hoa - Ban Tuyên giáo Trung ương