“Giáo dục vì sự Phát triển bền vững” (ESD - Education for Sustainable Development) là một quá trình học tập suốt đời, trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi để có được kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để nhận thức, giải thích, và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và vấn đề bất bình đẳng, phân biệt đối xử.
Giáo dục vì sự phát triển bền vững được coi là một nền tảng cho một xã hội bền vững hơn, khi mà con người có thể đưa ra các quyết định sáng suốt cho bản thân, cộng đồng và cho xã hội. Giáo dục vì sự phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới phải hướng tới các kiến thức, kĩ năng, giá trị và năng lực hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững.
Thứ nhất, lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy của tất cả các cấp bậc học, trình độ đào tạo, từ mầm non đến giáo dục đại học. Lồng ghép các nội dung về giáo dục môi trường, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục bình đẳng giới, phát triển năng lực tự học, các phong trào học tập suốt đời...Tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển bền vững vào các môn học khác nhau, như khoa học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, nghệ thuật... Đồng thời, cũng cần tạo ra các môn học riêng biệt về phát triển bền vững để người học có thể hiểu sâu hơn về các vấn đề toàn cầu và các giải pháp có thể áp dụng.
Thứ hai, đào tạo về phát triển bền vững cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao năng lực của giáo viên, giảng viên và các nhà quản lý giáo dục để họ có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kích hoạt và tương tác nhằm truyền đạt kiến thức và kỹ năng về phát triển bền vững cho người học. Đồng thời, tạo ra các cơ hội cho nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục có môi trường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc triển khai phát triển bền vững.
Thứ ba, xây dựng nguồn tài nguyên cho phát triển bền vững với tài liệu và tài nguyên học tập chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của người học ở các cấp giáo dục khác nhau. Các tài liệu và tài nguyên học tập phát triển bền vững có thể là: sách giáo khoa, sách tham khảo, bài giảng, giáo án điện tử, video bài giảng, trò chơi, ứng dụng trên các thiết bị di động,... Các tài liệu và tài nguyên học tập này cần được thiết kế theo nguyên lý “học bằng cách làm”, lấy người học làm trung tâm và tham gia tích cực vào quá trình học tập và áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề thưc tế trong cuộc sống.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững trong môi trường học tập mở khác nhau, như trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước,... để tiếp cận và tham gia vào các hoạt động học tập liên quan đến phát triển bền vững. Các hoạt động học tập này có thể bao gồm các buổi huấn luyện, tập huấn, thảo luận, trải nghiệm sáng tạo, dự án, chiến dịch,... Các hoạt động học tập này cần được thiết kế theo nguyên lý khuyến khích người học tham gia tích cực vào quá trình học tập và áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn.
Thứ năm, “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đổi mới giáo dục đại học dựa trên việc xác định phát triển bền vững sẽ trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát huy hiệu quả môi trường, điều kiện của sự phát triển bền vững và của khoa học, công nghệ đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Trần Đình Minh - Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương