Đã nhiều năm kể từ khi COVID-19 “tấn công” thế giới và gây thiệt hại đáng kể cho giáo dục (Reimers & Schleicher, 2020). Theo UNESCO (2020), 172 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học vào tháng 4 năm 2020 và khoảng 148,47 triệu học sinh, 84,8% tổng số học sinh trên thế giới, bị ảnh hưởng (Jang et al., 2020). Ngoài ra, các biểu hiện của sự bất bình đẳng và “thắt lưng buộc bụng” về tài chính gia tăng trong suốt đại dịch (Hargreaves, 2020), bao gồm cả ở Hàn Quốc, nơi các trường học chuyển sang cung cấp các lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp để đối phó với tình huống chưa từng có (Bộ Giáo dục, 2020). Những gián đoạn đối với hoạt động của trường học và việc học tập của học sinh đã dẫn đến những lo ngại về khoảng cách giáo dục ngày càng lớn ở Hàn Quốc. Vì vậy, nhóm tác giả Chol-Kyun Shin, Youngeun An & Soon-young Oh thực hiện nghiên cứu nhằm mục đích xem xét tác động của việc suy giảm học tập trực tiếp trong đại dịch COVID-19 đối với khoảng cách thành tích học tập của học sinh, tập trung vào sự chênh lệch giữa nông thôn-thành thị và trong trường học.
Để đạt được mục tiêu này, trước tiên, nhóm nghiên cứu đã điều tra sự chênh lệch về thành tích của học sinh theo vùng giữa Seoul và Gangwon, các khu vực đại diện cho khu vực thành thị và nông thôn ở Hàn Quốc. Thứ hai, nghiên cứu tiến hành phân tích hồi quy để phân tích số ngày ở trường có liên quan như thế nào với khoảng cách về thành tích của học sinh bằng cách kiểm soát các khu vực. Dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu đã đưa ra một số phát hiện mới. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy ba dấu hiệu quan trọng cho thấy COVID-19 có tác động khác nhau đến khoảng cách giáo dục tùy thuộc vào sự chênh lệch giữa nông thôn - thành thị và trường học.
Thứ nhất, khoảng cách giáo dục ngày càng lớn từ năm 2018-2019 đến 2019-2020 với sự phân cực gia tăng, nhưng chỉ ở Seoul chứ không phải ở tỉnh Gangwon. Sự chênh lệch khu vực như vậy có thể là do số ngày học trực tiếp ở Seoul giảm nhiều hơn gấp đôi so với ở Gangwon vào năm 2020. Thứ hai, ở tỉnh Gangwon, thành tích học tập chung của học sinh có xu hướng giảm hơn là mở rộng khoảng cách giáo dục; có sự gia tăng chung về học sinh có thành tích thấp trong thời kỳ đại dịch. Bộ Giáo dục (2021) báo cáo rằng các khu vực đô thị có nhiều học sinh có thành tích xếp hạng từ 50 đến 80 phần trăm (percentile) [1] và ít học sinh có thành tích từ 30 đến 50 so với các khu vực thị trấn. Kiểm tra dữ liệu từ Pháp và Ý, Champeaux et al. (2020) nhận thấy rằng học sinh có thành tích học tập thấp hơn khi học trực tuyến, mặc dù học trực tuyến đã thu hẹp khoảng cách thành tích ở các quốc gia đó một chút sau COVID-19. Do đó, chính phủ Hàn Quốc nên hỗ trợ tỉnh Gangwon, một khu vực nông thôn có nhiều trường học nhỏ, bằng cách tăng cường học tập trực tiếp và thuê thêm giáo viên chỉ chịu trách nhiệm về giáo dục cơ bản.
Thứ ba, học trực tiếp trong thời kỳ COVID-19, khi hình thức học từ xa phổ biến, đã tác động tích cực đến tỷ lệ điểm trung bình ở mỗi trường bất kể khu vực nào, giúp giảm khoảng cách giáo dục, đặc biệt là sự phân cực về thành tích của học sinh. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra đại dịch, học sinh bị mắc kẹt ở nhà và không phải tất cả học sinh đều được hỗ trợ giáo dục trong thời gian đó; kết quả là, bất bình đẳng giáo dục ngày càng sâu sắc. Tỷ lệ điểm trung bình cao ở các trường học trực tiếp nhiều hơn có thể cho thấy rằng giáo dục từ xa vẫn không hiệu quả bằng môi trường học trực tiếp, trong đó học sinh đến trường và tương tác với giáo viên để học. Đặc biệt, những học sinh có thứ hạng thấp thường thuộc nhóm dễ bị tổn thương (Fong & Krause, 2014; Mandel et al., 1995) và thiếu kỹ năng học tập tự định hướng (Balduf, 2009).
Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng học kém ở học sinh vùng nông thôn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời cần có các chính sách bổ sung để giảm bất bình đẳng trong học tập nhằm khuyến khích các trường học thực hành học tập trực tiếp. Ngoài ra, cần nâng cao dần các kỹ năng quản lý học tập và tự định hướng học tập của học sinh để đáp ứng động cơ học tập ngày một tăng cao của các em.
Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế và đặt ra nhu cầu nghiên cứu trong tương lai. Cụ thể, nghiên cứu chỉ giới hạn trong việc điều tra thành tích của học sinh hơn là các kết quả giáo dục khác như tính xã hội và tính phi nhận thức. Đối với những nghiên cứu trong tương lai, sẽ cần phải phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát quốc gia và điều tra các khả năng phi nhận thức của học sinh.
Huyền Đức lược dịch
[1] percentile: “bách phân điểm” hay “bách phân vị”, tức là nó sẽ chia tập dữ liệu thành 100 điểm/vị trí/phần trăm. Đây là một thuật ngữ trong xác suất thống kê.
Nguồn: Shin, C. K., An, Y., & Oh, S. Y. (2023). Reduced in-person learning in COVID-19 widens student achievement gaps in schools. Asia Pacific Education Review, 1-11. https://doi.org/10.1007/s12564-023-09862-0