Ý nghĩa của dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ

Văn học và ngôn ngữ là hai cạnh không thể tách rời. Do đó, bài báo của Luukka xem xét ý nghĩa của dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ của các giáo viên dạy tiếng Anh trung học phổ thông tại Phần Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ phản ánh sự cân bằng giữa việc thừa nhận giá trị văn học đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân học sinh và giá trị của văn học đối với việc học ngoại ngữ.

Theo Roland Barthes, “dường như mối quan hệ gần gũi giữa ngôn ngữ và văn chương là điều khá tự nhiên”. Ngôn ngữ là yếu tố thức nhất của văn chương và ngược lại văn chương là nghệ thuật ngôn từ.

Dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ đã được khám phá từ nhiều góc độ, bao gồm: học ngôn ngữ; phát triển cá nhân; học tập liên văn hóa và xuyên văn hóa. Các nghiên cứu liên quan đến dạy học văn bản văn học và giáo dục ngoại ngữ rất đa dạng. Các nghiên cứu chủ yếu tìm hiểu kinh nghiệm dạy học ngoại ngữ của giáo viên mà chưa thực sự chú ý đến yếu tố “dạy học văn bản văn học”. Các nghiên cứu về trải nghiệm của giáo viên và các nghiên cứu tập trung vào việc giáo viên làm việc với văn bản văn học trong dạy học giáo dục ngoại ngữ đều quan trọng vì Komulainen và Rajakaltio (2017) đã nhấn mạnh, giáo viên là những nhà lãnh đạo sư phạm truyền tải những quan niệm đầy giá trị văn học cho học sinh của mình, cũng giống như họ truyền đạt những quan niệm bản thể học khác về nhân loại, xã hội và thế giới nói chung.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng lí thuyết hiện tượng học, được cấu trúc xung quanh các khái niệm về giáo dục ngôn ngữ, văn học và các giá trị trong giáo dục. Khách thể nghiên cứu là các giáo viên dạy học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) tại Phần Lan. Nghiên cứu phân tích hiện tượng học xem xét năm cuộc phỏng vấn bán cấu trúc từ các giáo viên có kinh nghiệm đưa dạy học văn học vào thực tiễn dạy học ngoại ngữ của họ. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện trực tiếp và qua điện thoại, được ghi âm, chép lại và xử lí bằng phần mềm quản lí dữ liệu định tính. Phân tích cho thấy văn học trong giáo dục ngôn ngữ được coi là thách thức, hiện tượng bị thử thách, đóng khung, một hiện tượng văn hóa, một thực tiễn văn hóa, một con đường hợp tác xuyên chương trình, một công cụ học tập và một cơ hội để phát triển cá nhân.

Kết quả nghiên cứu

Cụ thể, trong bài báo này, tác giả chỉ ra rằng các giáo viên trung học phổ thông Phần Lan dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) tham gia phỏng vấn đã trải nghiệm dạy văn bản văn học trong giáo dục ngôn ngữ như (1) một thách thức; (2) hiện tượng bị thử thách; (3) cấu trúc; (4) một hiện tượng văn hóa; (5) một thực hành văn hóa; (6) công cụ học tập; (7) cơ hội hợp tác, làm việc ngoài giờ lên lớp và (8) cơ hội phát triển cá nhân cho học sinh. Những ý kiến đã thu thập được có ý nghĩa phản ánh sự cân bằng giữa việc thừa nhận giá trị của văn học với sự phát triển toàn diện của học sinh và việc đánh giá văn bản văn học vì mục đích học ngôn ngữ mà nó phục vụ.

Từ những phát hiện trên, có hai kết luận được rút ra. Thứ nhất, việc tiếp cận dạy học văn bản văn học trong dạy học ngoại ngữ từ góc độ lí thuyết hiện tượng học hướng sự chú ý đến bản chất tổng thể của hiện tượng không đơn thuần là một nhóm các văn bản văn học phục vụ dạy học tiếng mà là một tập hợp các văn bản có ý nghĩa, giá trị, làm hài hòa để hoàn thành các mục tiêu giáo dục ngôn ngữ.

Thứ hai, việc dạy học văn bản văn học và áp dụng văn học trong mô hình dạy học ngoại ngữ mang những mục tiêu giáo dục “chồng chéo”. Chẳng hạn, mục tiêu phát triển cá nhân, thông qua việc dạy học bằng văn bản văn học, giáo viên truyền đạt cho học sinh những giá trị giáo dục toàn diện. Paran (2010) giải thích rằng các mục tiêu của dạy học văn học là “phát triển của cá nhân về mặt tình cảm và trí tuệ; có cảm nhận, đánh giá của bản thân đối với cá tác phẩm văn học (do đó dẫn đến sự phát triển tư duy ngoài lớp học). Skaar và cộng sự (2018) nhấn mạnh: “các cơ sở đào tạo giáo viên cung cấp cho học sinh những trải nghiệm văn học cần thiết để phát triển mối quan hệ cá nhân và sâu sắc đối với việc đọc nói chung và văn học nói riêng”.

Theo Hall (2018), ba cách mà văn học có thể trở thành “thử thách”: (1) Văn bản văn học như một trải nghiệm đầy thách thức về mặt ngôn ngữ-xã hội và văn hóa đối với độc giả trẻ khi nó đòi hỏi người đọc cần một vốn sống, một khung văn hóa vừa đủ để có thể lí giải; (2) Văn bản văn học bị thách thức thông qua việc “đọc có tính phản biện”; (3) Đọc như một hoạt động “đầy thách thức” trong thời đại giáo dục hiện nay. Do đó, tác giả nghiên cứu đề xuất bổ sung thêm “văn học như một hiện tượng đầy thách thức đối với các nhà giáo dục ngôn ngữ”.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa với việc đào tạo giáo viên trong tương lai. Dạy học văn bản văn học trong dạy học ngoại ngữ là một thách thức do những khó khăn liên quan đến bản thể luận, việc lựa chọn và sử dụng ngữ liệu gợi ý nhu cầu đối thoại xoay quanh khái niệm mở rộng của văn bản văn học đối với thực hành cũng như các chức năng của dạy học văn bản văn học. Trong bài báo này, khái niệm “văn học” được hiểu theo nghĩa rộng. “Kirjallisuus” trong tiếng Phần Lan là “văn học”, từ gốc “Kirja” có nghĩa là sách. Tương tự như trong tiếng Anh, từ ngữ dành cho văn học trong tiếng Phần Lan có thể chủ một chủ đề hoặc lĩnh vực cụ thể, ví dụ: “lähdekirjallisuus” (source literature). Điều này tương tự như cách sử dụng tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh như một khái niệm tách biệt với văn học hư cấu.

Ngoài ra, cần đào tạo về cách lựa chọn, sử dụng ngữ liệu cho người học nhỏ tuổi và người mới bắt đầu học ngoại ngữ, cũng như về cách phân biệt giáo dục tiếng Anh như một ngoại ngữ bằng cách tham gia dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngôn ngữ như một phương pháp thực hành. Trải nghiệm dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngôn ngữ như một hiện tượng văn hóa cho thấy nhu cầu đào tạo về văn học đa phương thức, nhằm thừa nhận văn học liên quan đến các loại hình nghệ thuật. Sử dụng văn bản văn học trong dạy học ngoại ngữ như một hiện tượng bị thử thách ngụ ý nhu cầu đưa ra những cách để củng cố văn hóa đọc ở nhà và ở trường, đồng thời kết nối sự đọc truyền thống và việc đọc văn học kết hợp công nghệ.

Những thách thức trong hoạt động dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ nhưng không thể phủ nhận những lợi ích của hoạt động này mang lại các văn bản văn học

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Luukka, E. (2023). Meanings attributed to literature in language education. The Language Learning Journal, 51(1), 18-32. https://doi.org/10.1080/09571736.2021.1922491

Bạn đang đọc bài viết Ý nghĩa của dạy học văn bản văn học trong giáo dục ngoại ngữ tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn