Tuy nhiên, tác động của những công nghệ này tới từng lớp học dường như không tương xứng với những kỳ vọng đặt ra trước đó của những nhà quản lý giáo dục. Các sáng kiến để triển khai ICT trong dạy và học, hướng dẫn học sinh cách thức sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách có ý nghĩa cho công việc học tập đã xuất hiện từ thập niên 1980 và 1990. Tuy nhiên, bên cạnh việc triển khai ICT một cách rộng rãi nhưng thiếu sự đánh giá về tính hiệu quả, ngành giáo dục còn chứng kiến sự tương phản giữa việc nhấn mạnh quá mức vào các lợi ích tiềm năng của ICT và sự thiếu hụt những tầm nhìn chiến lược và phản biện để khắc phục những tác động tiêu cực có thể xảy ra của công nghệ số đối với giáo dục.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể chối bỏ sự thật rằng đích đến cuối cùng của bất kỳ sự đổi mới giáo dục nào cũng đều là cải thiện việc học tập của học sinh. Về điểm này, không chỉ có nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng một mình những cải tiến về ICT không thể giúp cải thiện việc học tập của học sinh, mà việc sử dụng các thiết bị kĩ thuật số ngày càng nhiều đôi khi còn đem lại những tác dụng ngược. Bài viết của nhóm tác giả Ladislao và Pablo (2019) hướng tới phân tích những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra mối quan hệ tác động tiêu cực giữa công nghệ số và việc đọc/viết của học sinh. Đầu tiên, nhóm tác giả tiến hành khảo sát các nghiên cứu đi trước về việc sử dụng công nghệ số trong lớp học. Sau đó, nhóm bàn luận về vai trò của truyền thông xã hội trong học tập. Thứ ba, nhóm phân tích vai trò của việc thực hiện “đa tác vụ” và công nghệ số trong học tập. Cuối cùng là các khuyến nghị về việc sử dụng công nghệ số trong lớp học.
Từ kết quả của nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị, trong đó chủ yếu đề cập đến việc làm thế nào để tận dụng tối đa những lợi ích mà ICT đem lại cũng như hướng dẫn học sinh cách thức để tận dụng và phát huy năng lực bản thân trong thế giới số. Cả giáo viên và học sinh đều cần phải nhìn nhận rằng việc sử dụng công nghệ số gắn liền với những khó khăn liên quan tới việc duy trì sự tập trung trong lớp học và nâng cao khả năng phản ứng của học sinh trước những tình huống xảy ra trong lớp. Trong giáo dục, nhóm tác giả đề nghị cần tiếp tục phát triển các kĩ năng siêu nhận thức (meta-cognitive) của học sinh, để các em có thể tự điều tiết quá trình học tập của mình trong môi trường số. Tương tự, học sinh cũng cần được hướng dẫn cách sắp xếp thực hiện các hành động trong lớp học một cách tuần tự, tránh tối đa làm nhiều việc cùng một lúc, từ đó nâng cao tính tự chủ của học sinh đối với hoạt động học tập của bản thân.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Ladislao, S. & Pablo, D. (2019). Critical analysis of the effects of the digital technologies on reading and learning. Culture and Education, DOI: 10.1080/11356405.2019.1630958.