Giáo dục STEM là giải pháp giáo dục chuẩn bị cho học sinh tương lai bằng cách kết nối kiến thức khoa học với ứng dụng thực tế. Phương pháp giáo dục hiện đại này đang được áp dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển nhằm duy trì vị thế khoa học kỹ thuật và tăng cường khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, giáo dục STEM đặc biệt được chú trọng, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Qua một cuộc khảo sát, Le Thi Xinh và Bui Van Hong phân tích thực trạng kỹ năng dạy học STEM của giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát được xử lí phần mềm bằng SPSS.
Trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam, hiện đang diễn ra sự chuyển đổi để tích hợp thực tiễn giảng dạy STEM và để đạt được điều này, việc phát triển kỹ năng giảng dạy STEM của giáo viên, đặc biệt là ở tiểu học là cấp thiết và cần thiết. Nhưng kết quả khảo sát cho thấy, năng lực dạy học STEM của giáo viên tiểu học thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh còn rất hạn chế. Giáo viên đã quen với việc đánh giá định lượng học sinh và thường bỏ qua việc đảm bảo rằng các năng lực cần thiết được phát triển thông qua học tập ứng dụng. Khả năng lựa chọn vấn đề để phát triển chủ đề dạy tập STEM của giáo viên chưa ở mức cao, giáo viên ít có xu hướng kiểm tra trải nghiệm thực tế của học sinh mà bài học có thể áp dụng được. Kết quả là học sinh ít có khả năng kết nối lý thuyết đã học với thực tế cuộc sống và thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức đã học.
Do đó, để đạt được những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tiếp cận STEM, giáo viên tiểu học cần được đào tạo kỹ năng kiểm tra, đánh giá kỹ năng học tập của học sinh trong giáo dục STEM. Xuất phát từ thực trạng, một số đề xuất sau được đưa ra nhằm nâng cao năng lực dạy học STEM của giáo viên tiểu học:
- Giáo viên cần được đào tạo về kỹ năng dạy học tích hợp liên môn và sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại.
- Giáo viên cần được đào tạo để nâng cao nhận thức về kỹ năng giảng dạy STEM.
- Tất cả các bên liên quan trong hệ thống trường học thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cần được giáo dục về những lợi ích ngắn hạn và dài hạn của giáo dục STEM.
- Giáo viên cần được đào tạo về nội dung và quy trình thực hiện hoạt động dạy học STEM.
- Cần tham khảo các tài liệu trong nước và quốc tế để đảm bảo giáo viên hoàn thiện hơn trong các lĩnh vực phát triển kỹ năng cho học sinh, xây dựng phương pháp đánh giá phù hợp, dạy học tích cực, tích hợp liên môn, ứng dụng thực tiễn giảng dạy và lựa chọn chủ đề học tập STEM phù hợp với học sinh tiểu học Việt Nam.
- Giáo viên tham gia các lớp đào tạo liên quan đến phương pháp STEM và nâng cao hiểu biết về giáo dục STEM thông qua sách giáo khoa và tạp chí.
- Giáo viên cần được đào tạo để xây dựng các chủ đề chương trình giảng dạy STEM.
- Giáo viên cần được hỗ trợ trong việc kết nối lý thuyết, môn học, nội dung, phương pháp và hoạt động dạy học tích cực cần thiết cho việc tiếp cận STEM với các chủ đề học tập.
- Giáo viên cần kết nối thực hành với lý thuyết của từng môn học riêng biệt để đảm bảo chương trình giảng dạy tiếp cận STEM.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Le, T. X., & Bui, V. H. (2021). STEM Teaching Skills of Primary School Teachers: The Current Situation in Ho Chi Minh City, Vietnam. Journal of Education and e-Learning Research, 8(2), 149-157.