1. Đặt vấn đề
Giáo dục mầm non cho trẻ em giai đoạn 0 đến 6 tuổi giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai và được coi là “Giai đoạn vàng”, “Thời kỳ vàng” đối với phát triển của con người, tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong tương lai. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của trẻ ở các cấp học tiếp theo. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non có mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1, đồng thời giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách, đặc biệt là sự phát triển của chính bản thân mỗi con người sau này.
Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và triển khai thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong nhiều năm qua, giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
2. Một số kết quả đạt được của giáo dục mầm non thời gian qua
Trong những năm qua, giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi về chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, cả nước vẫn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn kép do hậu quả của đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực. Đến nay, năm học 2022-2023, cho thấy giáo dục mầm non đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch Covid-19.
Nhìn nhận qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với lĩnh vực giáo dục mầm non cho thấy, cấp học mầm non đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra: Hằng năm, có trên 5 triệu trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non được đảm bảo an toàn, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1 bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; chế độ, chính sách cho trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉ lệ trẻ em nhà trẻ được học 2 buổi/ngày đạt 99.6%, tỉ lệ trẻ em nhà trẻ được tổ chức ăn bán trú đạt đạt 97.8%; Trẻ mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 99%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú đạt 94.1%. Trẻ em đến trường được cân, đo, kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định; Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở hầu hết các độ tuổi đáp ứng mục tiêu Quyết định số 1677/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ.
Đội ngũ giáo viên mầm non phát triển về số lượng, từng bước khắc phục những bất cập về cơ cấu. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%). Các địa phương trong cả nước tích cực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ theo quy định chung và tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương nhằm động viên, thu hút đội ngũ yên tâm công tác.
Thực hiện việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019, các địa phương đã và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo lộ trình.
Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như (1) Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân; (2) Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo còn rất thấp, trong đó có một số tỉnh thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước còn khoảng gần 500.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; còn gần 800.000 trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số chưa được tới trường, chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non; (3) Sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng; (4) Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non chưa đáp ứng yêu cầu; (5) Đại dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần trong thời gian qua đã tác động nghiêm trọng đến giáo dục mầm non, trong đó trẻ nhà trẻ, mẫu giáo là những đối tượng chịu thiệt thòi, phần lớn thời gian trẻ không được đến trường, không có điều kiện giao tiếp, vận động, sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Đặc biệt, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đang là một thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục nói chung trong đó có giáo dục mầm non. Tại nhiều địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu dạy học trong các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do xuất phát điểm của giáo dục mầm non khá thấp so với các bậc học khác, một thời kỳ dài đất nước khó khăn về kinh tế, giáo dục mầm non không thuộc đối tượng ưu tiên, chưa được xem xét đầu tư đúng mức. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận xã hội về vị trí vai trò của giáo dục mầm non về sự cần thiết đưa trẻ em mầm non đến trường để tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non còn hạn chế.
3. Bối cảnh phát triển giáo dục trong tình hình mới
Cách mạng mềm - cuộc cách mạng tri thức, đây là cuộc cách mạng của sự bùng nổ công nghệ thông tin, ở đó vạn vật kết nối, con người, máy móc và sản phẩm tự kết nối thông qua hệ thống Internet, trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng này diễn ra hết sức nhanh chóng, mau lẹ, khách quan, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia giàu hay nghèo vì đây là sản phẩm của khoa học công nghệ có tính mở cao, mang tính tất yếu và không bị tác động bởi bất cứ sự áp đặt nào.
Trong làn sóng công nghiệp hóa mới, hệ thống giáo dục phải tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học bằng cách định hướng những con đường phù hợp nhất cho người học để giúp họ phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này nên được áp dụng ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.
4. Phương hướng, quan điểm phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới
- Phương hướng
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”; “Phấn đấu duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao của thế giới (trên 0,7)”; “Tăng cường giáo dục, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, dưới 1 tuổi xuống còn 12,5%. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 20%”, được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
- Quan điểm
Tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các văn bản của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đổi mới giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới cần chú trọng phát triển theo hướng “chất lượng”, đặt chất lượng là trung tâm của quá trình phát triển với trọng tâm là hình thành hình thành nhân cách, kỹ năng sống và năng lực cho trẻ em; giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ em ở các lứa tuổi,...
- Mục tiêu
Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục để trẻ em mầm non phát triển toàn diện tiếp cận theo phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục lòng biết ơn, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế. Từng bước triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Nguyễn Ngọc Linh - Ban Tuyên giáo Trung ương