Quản trị và lãnh đạo học thuật ở Việt Nam: Xu hướng và thách thức

Trong ba thập kỷ qua đã có những thay đổi liên quan đến cơ cấu và cơ chế quản trị giáo dục đại học Việt Nam. Bài viết “Academic governance and leadership in Vietnam: Trends and challenges” của Jamil Salmi và Ly Thi Pham cung cấp cái nhìn tổng quan về quản trị và lãnh đạo học thuật tại Việt Nam ở cấp quốc gia và cấp trường, tập trung nhiều hơn vào khu vực công. Đồng thời phân tích những phát triển trong chính sách mới nhằm đạt được cải cách giáo dục đại học.

Chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam là một quá trình đang diễn ra. Nhu cầu hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã đặt Việt Nam dưới áp lực đáng kể trong việc cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục đại học, trong đó có chất lượng quản lý và lãnh đạo hệ thống.

Dựa trên quan điểm cần nhìn nhận cách thức quản lý và lãnh đạo hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh cụ thể, kết quả nghiên cứu Jamil Salmi và Ly Thi Pham đã chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn lưu giữ nhiều khía cạnh của cách quản lý từ trên xuống và các quan điểm về cách thức quản lý hệ thống giáo dục đại học công lập chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi truyền thống này. Ngoài yếu tố chính trị, một số yếu tố đã ảnh hưởng đến sự chuyển đổi này. Cụ thể: (1) Chất lượng giáo dục đại học ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh quốc gia và do đó ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia; (2) Những hạn chế về nguồn lực công đã kích thích sự phát triển của giáo dục đại học tư nhân và tăng cường chia sẻ chi phí trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; (3) Chính sách mở cửa nền kinh tế đã dẫn đến sự tham gia ngày càng tăng của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp quốc tế, kể cả trong lĩnh vực giáo dục đại học. Điều này mang lại cho mọi người nhiều sự lựa chọn thay thế hơn; (4) Sự tiến bộ của công nghệ truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các trường đại học của Việt Nam và các đối tác quốc tế cũng như giữa cộng đồng học thuật Việt Nam và các đồng nghiệp quốc tế.

Các sáng kiến của chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, thông qua các chương trình nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên, chẳng hạn như Đề án 911 (để đào tạo 20.000 tiến sĩ trong và ngoài nước vào năm 2020). Ngày càng có nhiều người được đào tạo ở nước ngoài trở về Việt Nam và đảm nhận những vị trí quan trọng trong hệ thống. Mô hình quản lý hiện tại trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, ở cả cấp quốc gia và cấp trường, dường như đã bộc lộ hạn chế trong một hệ thống đang thay đổi nhanh chóng. Do đó, áp lực cải cách rất mạnh, việc tự chủ đại học đi đôi với việc cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo.

Ba thập kỷ về chuyển đổi mô hình quản trị và lãnh đạo kể từ Đổi Mới đã chứng kiến xu hướng hướng tới tự chủ và cởi mở hơn, giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước và thị trường hóa nhiều hơn. Xu hướng này phù hợp với việc doanh nghiệp hóa mô hình quản lý đã diễn ra ở các cơ sở giáo dục đại học công lập ở các quốc gia như Singapore hay Nhật Bản. Sự phát triển theo hướng phát triển giáo dục đại học tư thục và thị trường hóa giáo dục đại học chắc chắn sẽ mang lại những cải cách quản trị hơn nữa theo hướng tự chủ thể chế lớn hơn và tăng cường trách nhiệm giải trình. Việc hợp nhất các cơ quan đảm bảo và công nhận chất lượng sẽ cho phép họ đóng vai trò tích cực với tư cách là các tổ chức chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp khai thác tiềm năng của giáo dục đại học Việt Nam để có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quá trình này diễn ra chậm nhưng không thể đảo ngược.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Salmi, J., & Pham, L. T. (2019). Academic governance and leadership in Vietnam: Trends and challenges. Journal of International and Comparative Education (JICE), 103-118. https://doi.org/10.14425/jice.2019.8.2.103

 

Bạn đang đọc bài viết Quản trị và lãnh đạo học thuật ở Việt Nam: Xu hướng và thách thức tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19