Nữ giới thường bị “bao vây” bởi những nhận xét và quan niệm khuôn mẫu, chẳng hạn như “phụ nữ không giỏi toán/khoa học”. Mọi người tin rằng nữ giới giỏi ngôn ngữ học, lịch sử và các môn nghệ thuật phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ và sự ghi nhớ; trong khi nam giới giỏi toán, vật lý và các môn khoa học đòi hỏi suy luận logic. Những quan sát trong thực tế xác nhận về môn toán, nữ sinh đạt điểm cao hơn nam sinh ở tiểu học nhưng khoảng cách giới thu hẹp hoặc thậm chí biến mất ở cấp trung học cơ sở. Điểm toán của nam sinh cao hơn đáng kể so với nữ sinh ở cấp trung học phổ thông (Wu, 2016). Nói cách khác, chưa bao giờ có sự thay đổi cơ bản về khoảng cách giới trong các môn khoa học ở trường trung học.
Trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc, nữ giới bị thiệt thòi về các cơ hội giáo dục. Mãi đến thế kỉ XX, nữ giới mới giành được quyền bình đẳng trong giáo dục. Bình đẳng giới bước đầu đạt được trong trình độ giáo dục cấp quốc gia nhưng vẫn còn khoảng cách thuộc những khía cạnh sâu sắc và chi tiết hơn, chẳng hạn như nội dung và quy trình đào tạo. Ví dụ, những bất lợi của sinh viên nữ trong các ngành khoa học và kỹ thuật (bao gồm cả học tập và việc làm) về cơ bản vẫn chưa được khắc phục. Sự vắng mặt của nữ giới trong khoa học và công nghệ sẽ làm suy yếu ảnh hưởng khoa học của họ trong tương lai. Khi khoa học và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, sự cạnh tranh về khoa học và công nghệ không chỉ diễn giữa các quốc gia mà các khu vực ở Trung Quốc cũng đang cạnh tranh để thu hút nhân tài khoa học và công nghệ. Nhiều nước phương Tây đã đưa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) lên tầm “chiến lược quốc gia” và ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy giáo dục STEM (Wang, 2017). Năng lực toán học là nền tảng của các môn học STEM (Correll, 2021). Thành tích học toán của một học sinh trung học cơ sở có liên quan trực tiếp đến việc học sinh đó sẽ chọn chuyên ngành và việc làm thuộc lĩnh vực STEM trong tương lai (Ing, 2014). Do đó, nghiên cứu này sử dụng việc học toán ở trường trung học cơ sở làm cơ sở để khám phá các yếu tố văn hóa và xã hội cản trở sự tiến bộ của nữ sinh Trung Quốc trong giáo dục STEM. Nó tập trung vào nhận thức của nữ giới về định kiến giới, nghĩa là liệu họ có tin rằng nam giới giỏi toán hơn nữ giới ở cấp độ học sinh, gia đình, trường học và xã hội hay không. Dữ liệu của nghiên cứu này được lấy từ Khảo sát Hội đồng Giáo dục Trung Quốc (China Educational Panel Survey - CEPS) do Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát Quốc gia (National Survey Research Center - NSRC) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (Renmin University of China) thực hiện.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng năng lực toán học ở bậc THCS của nữ sinh không hề yếu hơn nam sinh (theo số liệu của CEPS). Tuy nhiên, kết quả này tồn tại cùng với thực tế có một tỉ lệ đáng kể học sinh, phụ huynh và giáo viên có xu hướng tin tưởng về lợi thế bẩm sinh của nam giới về toán học: 52% học sinh (60% nam và 44% nữ), gần 40% phụ huynh (44% phụ huynh nam và 35% phụ huynh nữ) và 45% giáo viên tin rằng nam giới giỏi toán hơn. Trong số 112 trường học được khảo sát, có 84 trường ít nhất một nửa số học sinh tin rằng nam sinh giỏi toán hơn. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy định về bản thân và định kiến của cha mẹ trong việc học toán sẽ cản trở sự phát triển năng lực toán học. Nam giới là đối tượng hưởng lợi từ định kiến giới. Tuy nhiên, những thay đổi về giá trị và xã hội có thể chậm hơn với những thay đổi về kinh tế. Do đó, cần có thời gian để tích lũy những thay đổi tích cực trong thái độ xã hội đối với việc học toán của nữ giới hay sự tự tìm tòi, bứt phá của nữ giới trong học tập toán học và các môn khoa học tự nhiên khác.
Tất nhiên, bài viết này chỉ thảo luận về tác động trực tiếp của thái độ giới đối với việc học toán của học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội đối với năng lực toán học. Các phát hiện cần được kiểm chứng bằng các nghiên cứu sâu hơn với nhiều dữ liệu thực nghiệm hơn, và nghiên cứu này vẫn có thể được hệ thống hóa và đào sâu về mọi mặt. Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra rằng với sự cải thiện về tình trạng học toán của nữ giới, trọng tâm là khoảng cách giới tính trong thành tích toán học đã chuyển từ mức trung bình sang hai đầu của phân bổ thành tích (nhóm điểm thấp và nhóm điểm cao). Vì vậy, trong khi mối quan tâm của các nhà nghiên cứu nước ngoài đang dần chuyển từ “tại sao nữ giới không thể” sang “tại sao nữ giới không sẵn sàng” tham gia các lĩnh vực STEM để học tập hoặc làm việc, chúng ta vẫn cần nỗ lực giải quyết vấn đề “tại sao họ không thể”.
Tóm lại, bình đẳng giới trong giáo dục không chỉ là bình đẳng về trình độ học vấn trong giai đoạn cuối cùng mà còn là bình đẳng về cơ hội, thái độ và tâm lý, trong đó nam và nữ đều được khuyến khích và đối xử như nhau trong quá trình học tập, có quyền cơ hội như nhau để phát triển và theo đuổi sở thích, đồng thời phát huy hết năng khiếu và tài năng của bản thân.
Đối với thế hệ trẻ ở Trung Quốc, mặc dù đã đạt được bình đẳng giới trong phân bổ nguồn lực giáo dục và kết quả cuối cùng là giáo dục, nhưng vẫn tồn tại những bất bình đẳng (ít nhất là về thái độ giới) trong quá trình giáo dục, điều này hạn chế kỳ vọng và lựa chọn của họ đối với phát triển nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là khiến nữ giới chủ động hoặc thụ động né tránh theo đuổi các lĩnh vực STEM. Nghiên cứu này chứng minh rằng cần thay đổi thái độ giới đối với toán học, cần sửa đổi quan điểm “toán học là lĩnh vực của nam giới”, cần thiết lập sự tự tin của nữ giới trong việc học toán và khơi dậy hứng thú học tập của họ. Tất nhiên, việc nữ giới có sẵn sàng và khả năng theo học các ngành, nghề liên quan đến STEM hay không còn liên quan đến nhiều yếu tố tác động khác như đặc điểm công việc, thái độ đối với gia đình, phân biệt đối xử trên thị trường lao động. Tuy nhiên, vì toán học là “chìa khóa” của các lĩnh vực STEM, chúng ta cũng nên khuyến khích và tin tưởng nữ giới tham gia tìm kiếm “chiếc chìa khóa” để họ có cơ hội đánh giá cao sự vĩ đại và vẻ đẹp của các lĩnh vực khoa học. Sự phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai ở Trung Quốc có thể sử dụng nhiều nguồn lực hơn theo hướng này và bình đẳng giới trong giáo dục của Trung Quốc có thể được cải thiện hơn nữa.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn:
Xie, G., & Liu, X. (2023). Gender in mathematics: how gender role perception influences mathematical capability in junior high school. The Journal of Chinese Sociology, 10(1), 10. https://doi.org/10.1186/s40711-023-00188-3