Tham gia giao thông bằng ô tô giờ đây an toàn hơn bao giờ hết nhờ những tiến bộ công nghệ như phát hiện điểm mù hay camera lùi (backup camera). Nhưng ngay cả với những công nghệ này, con người lái xe mất tập trung, chạy quá tốc độ, lái xe khi say vẫn là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tai nạn. Do đó, việc sửa đổi những hành vi, đồng thời vẫn tận dụng được lợi thế của công nghệ hỗ trợ an toàn, là đòn bẩy mạnh mẽ để ngăn ngừa tai nạn.
Từ ví dụ trên, nhóm tác giả yêu cầu một cách tiếp cận tương tự để ngăn chặn hành vi gian lận trong học thuật ở giáo dục đại học. Theo nghiên cứu, có 4 hành vi không trung thực trong học tập, gồm: Gian lận, ngụy tạo thông tin/số liệu, tạo tiền đề cho thiếu trung thực và đạo văn. Và hậu quả có thể rất nghiêm trọng: sự thiếu trung thực trong học tập có khả năng làm suy giảm giá trị bằng cấp, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người gian lận mà cả những người khác.
Cần hiểu rõ: sẽ không bao giờ chấm dứt việc gian lận tại các trường đại học. Một số sinh viên sẽ luôn gian lận. Căng thẳng và áp lực - hoặc để đáp ứng kỳ vọng của chính sinh viên hoặc do các yếu tố khách quan - có thể khiến một sinh viên giỏi đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sinh viên có khả năng gian lận nhiều hơn khi họ nhìn thấy bạn bè mình làm như vậy. Khi gian lận trở nên phổ biến, sinh viên ít có khả năng coi hành động đó là sai, tạo ra một vòng luẩn quẩn gian lận sinh ra gian lận. Do những hậu quả tiềm ẩn của sự thiếu trung thực trong học thuật, các cơ sở giáo dục buộc phải biến vòng luẩn quẩn này thành một vòng tròn đạo đức. Thay vì chỉ tập trung vào việc xử lý một số ít sinh viên gian lận, các cơ sở giáo dục nên tập trung vào việc tạo ra môi trường nhằm khuyến khích tính liêm chính trong học thuật. Dưới đây là một số điểm chính cần xem xét khi thực hiện như vậy:
Giảng dạy (và kiểm tra đánh giá) hiệu quả là cách tốt nhất để giảng viên hỗ trợ sinh viên về tính liêm chính trong học thuật
Các loại kiểm tra đánh giá có ý nghĩa quan trọng với sinh viên. Một cuộc khảo sát với 850 sinh viên chưa tốt nghiệp của Turnitin cho thấy sinh viên nghĩ rằng các bài tập dự án cuối kỳ và thảo luận trong lớp là cách tốt hơn để thể hiện quá trình học tập của họ, so với các kỳ thi hoặc bài tập về nhà. Sinh viên cũng tin rằng câu hỏi mở (bao gồm cả câu hỏi tính toán) hoặc câu trả lời ngắn dưới hình thức viết tốt hơn câu hỏi trắc nghiệm để thể hiện kiến thức và kỹ năng – mặc dù hầu hết sinh viên thích các kỳ thi có câu hỏi trắc nghiệm hơn.
Một số sinh viên gian lận vì đối với họ có nhiều thứ đang bị đe dọa - có thể là học bổng, đầu vào cao học hoặc một công việc. Vì vậy, người dạy cần mang lại cho sinh viên cảm giác kiểm soát tốt hơn những gì sinh viên đang học và hạn chế tối đa nhu cầu gian lận ở sinh viên mà người dạy nhận thức. Cần giảng dạy một cách hiệu quả; các hình thức kiểm tra đánh giá cần đảm bảo cho phép sinh viên thể hiện những kiến thức sinh viên đã tích lũy được.
Sinh viên ít có khả năng gian lận hơn khi sinh viên tin vào giá trị của những kiến thức đã học và không tập trung vào điểm số
Việc kết nối kết quả khóa học với các mục tiêu cá nhân của sinh viên sẽ làm tăng mức độ tương tác và cam kết liên quan đến tính liêm chính. Cuộc khảo sát của Turnitin cho thấy những sinh viên mong muốn sử dụng tất cả hoặc hầu hết những gì họ học được ở trường đại học cho sự nghiệp của họ cũng có nhiều khả năng gian lận. Chẳng hạn như các hoạt động từ việc sử dụng tài liệu trái quy định trong các kỳ thi, đưa đề thi cho những sinh viên sẽ tham gia kỳ thi trong tương lai cho đến thuê người viết bài luận thay cho họ. Vì vậy, cần tạo ra một môi trường học tập nơi sinh viên cảm thấy có trách nhiệm với bản thân - và tương lai của chính họ.
Xây dựng sự hiểu biết chung về liêm chính trong học thuật và tại sao điều đó lại quan trọng?
Năm 2021, 200 trong số 800 sinh viên trong một khóa học thống kê tại Đại học Bang North Carolina đã bị kỷ luật vì sử dụng “gia sư” trực tuyến để trả lời các câu hỏi trong kỳ thi. Các sinh viên cho biết họ không nhận ra rằng việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong kỳ thi là gian lận. Điều đó phù hợp với cuộc khảo sát gần đây của Turnitin: 22% sinh viên cho biết việc sử dụng tài nguyên hoặc tài liệu trái quy định trong các kỳ thi không phải là gian lận và 23% nói rằng “thảo luận” với bạn bè trong các kỳ thi chỉ làm bài cá nhân cũng không phải là gian lận.
Giảng viên và sinh viên phải có chung định nghĩa “liêm chính trong học tập”, có ranh giới rõ ràng giữa hành vi đạo đức và gian lận, đồng thời họ phải truyền đạt các kỳ vọng một cách rõ ràng. Hai bên dường như bất đồng về việc đó: 92% giảng viên trong cùng một cuộc khảo sát cho biết họ thường xuyên thảo luận về tính liêm chính trong học tập hoặc quy tắc với sinh viên, nhưng chỉ 79% sinh viên có quan điểm tương tự.
Có cách tiếp cận nhiều lớp (sử dụng các chiến lược sư phạm, dựa trên chính sách và văn hóa ở những thời điểm thích hợp trong cuộc đời của sinh viên) cho sinh viên thấy rằng tính liêm chính trong học tập là quan trọng, đồng thời, vẫn cho họ cơ hội học hỏi - ngay cả khi đối mặt với một quyết định tồi tệ. Suy cho cùng, các em cũng là sinh viên và một phần vai trò của các nhà giáo dục là giúp các em học hỏi từ những sai lầm của mình.
Các cuộc thảo luận về kỳ vọng liêm chính có thể dẫn đến những khám phá quan trọng về tầm quan trọng của việc học tập đích thực, cách kết nối việc học ở trường với mục tiêu và sở thích của sinh viên, và cách làm mọi việc đúng cách sẽ củng cố các giá trị cơ bản của tính liêm chính trong học tập: trung thực, tin cậy, công bằng, tôn trọng và trách nhiệm.
Nếu muốn xã hội đánh giá cao kiến thức chuyên môn, các nhà giáo dục phải chứng minh rằng sinh viên tốt nghiệp của mình thực sự có khả năng làm những việc mà thị trường lao động yêu cầu ở họ. Cần phải duy trì tính trung thực của kiểm tra đánh giá trong giáo dục. Và, phải chứng minh cho người sử dụng lao động và người kiểm định rằng thông tin bằng cấp mà cơ sở giáo dục cấp là chính xác và hợp lệ.
Huyền Đức dịch
Nguồn: David Rettinger, Erica Price Burns (2021). Zero cheating is a pipe dream, but we still need to push academic integrity. Times Higher Education (THE). https://www.timeshighereducation.com/campus/zero-cheating-pipe-dream-we-still-need-push-academic-integrity