Sức khỏe tinh thần của sinh viên và vấn nạn bỏ học đại học: phân tích dữ liệu hành chính tại Úc

Nghiên cứu của Tomasz Zając & cộng sự thực hiện nghiên cứu mang tên “Student mental health and dropout from higher education: an analysis of Australian administrative data” nhằm lấp đầy khoảng trống của các nghiên cứu đi trước, cung cấp toàn diện về mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên và vấn nạn bỏ học đại học của sinh viên tại Úc.

Tìm hiểu nguyên nhân khiến sinh viên bỏ học đại học là một mối quan tâm của chính sách trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, vai trò của một số yếu tố - bao gồm cả sức khỏe tinh thần của sinh viên - vẫn chưa được hiểu rõ. Hơn nữa, các nghiên cứu hiện có liên quan đến sức khỏe tinh thần của sinh viên và tình trạng bỏ học đại học còn hạn chế về cả phương pháp và phạm vi - ví dụ: nghiên cứu thường dựa vào các mẫu nhỏ và/hoặc không mang tính đại diện hoặc các biện pháp chủ quan, và hầu như chỉ tập trung vào các tác động chính. Do đó, nghiên cứu của Tomasz Zając & các cộng sự khắc phục thiếu sót này bằng cách tận dụng dữ liệu hành chính được liên kết duy nhất về toàn bộ sinh viên trong nước bắt đầu học đại học tại các trường đại học tại Úc từ năm 2012 đến 2015 (n = 652.139).

Nhóm nghiên cứu đã tận dụng dữ liệu hành chính được liên kết trên toàn bộ sinh viên đại học ở Úc để cung cấp minh chứng toàn diện về mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên và việc bỏ học đại học. Theo lý thuyết I-E-O của Astin, (1984) và mô hình của Tinto, (1993) về việc sinh viên rời bỏ trường đại học, nghiên cứu dự kiến sẽ quan sát thấy tỷ lệ bỏ học cao hơn ở những sinh viên được điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Phù hợp với kỳ vọng này, phân tích chính của nhóm tác giả đã chứng minh rằng việc được điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong năm trước khi bắt đầu học đại học có liên quan đến nguy cơ bỏ học đại học cao hơn. Sự khác biệt chưa điều chỉnh về tỷ lệ bỏ học là 8,3 điểm phần trăm (13,9% so với 22,2%). Trong các mô hình hồi quy được điều chỉnh cho một tập hợp các yếu tố bao gồm, tỷ lệ bỏ học được dự đoán ở những sinh viên được điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần vẫn cao hơn 4,3 điểm phần trăm (percentage point) so với những sinh viên khác. Để minh họa thêm tầm quan trọng và ý nghĩa thực tế của sự khác biệt này, nhóm nghiên cứu ước tính rằng các vấn đề về sức khỏe tâm lý dẫn đến khoảng 3700 sinh viên bổ sung từ nhóm thuần tập, hoặc 925 sinh viên hàng năm, bỏ học đại học.

Quy mô dữ liệu cho phép nhóm nghiên cứu mở rộng phạm vi phân tích ra ngoài việc ước tính “những tác động chính” đơn giản của tình trạng sức khỏe tinh thần đối với việc sinh viên bỏ học. Để đạt được mục tiêu này, nhóm tác giả đã đánh giá sự khác biệt về mức độ tác động ước tính của việc được điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần đối với việc bỏ học đại học giữa các sinh viên có đặc điểm khác nhau và trong các chương trình khác nhau. Cụ thể, kết quả chứng thực những phát hiện trước đó rằng sinh viên nữ hoặc có nguồn gốc nói tiếng Anh, chậm nhập học hay bị khuyết tật về thể chất chiếm tỷ lệ cao trong số sinh viên được điều trị sức khỏe tinh thần. Kết quả là, sinh viên có những đặc điểm này bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các tác động của các vấn đề sức khỏe tâm lý.

Đối với sinh viên và hệ thống giáo dục - đầu tư vào giáo dục đại học rất tốn kém. Đồng thời, giáo dục đại học có tiềm năng thay đổi cuộc đời của một cá nhân bằng cách nâng cao năng lực, triển vọng việc làm và mức lương, cũng như thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội. Do đó, những rào cản hoặc rủi ro đối với thành công ở trường đại học là điều quan trọng cần hiểu rõ - đối với cá nhân, hệ thống giáo dục và toàn xã hội. Kết quả của nghiên cứu cho thấy các tình trạng sức khỏe tinh thần gây ra rủi ro có thể xác định được đối với thành công duy trì sau này trong năm đầu tiên của giáo dục bậc cao. Những phát hiện này bổ sung vào một phần tài liệu chứng minh rằng quá trình chuyển đổi từ bậc trung học sang bậc đại học - bao gồm cả năm đầu tiên của trường đại học - tạo nên giai đoạn dễ bị tổn thương ở giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên và giai đoạn mới trưởng thành (Evans et al., 2018). Mặc dù nghiên cứu không để xác định các giải pháp chính sách cụ thể đối với những thách thức do các vấn đề sức khỏe tinh thần gây ra, nhưng có thể đưa ra một số cân nhắc có thể định hướng cho việc phát triển chính sách trong tương lai. Hàm ý chính sách quan trọng là nhu cầu tích hợp tốt hơn các chương trình hướng tới sức khỏe tinh thần và các chương trình hướng tới kết quả giáo dục - bao gồm cả những chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học đại học. Cả hai lĩnh vực giáo dục trung học và giáo dục đại học đều có các chương trình nhằm ngăn chặn người học phát triển các vấn đề về sức khỏe tinh thần hoặc cải thiện sức khỏe tâm lý của người học nói chung (Headspace, 2021; Orygen, 2017). Những phát hiện cho thấy sự cần thiết của một khung chính sách toàn diện cho phép can thiệp thành công qua việc xác định sớm và khắc phục các vấn đề sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi hoàn thành giáo dục trung học. Một số bước đầu tiên có thể bao gồm các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của học sinh trung học, phụ huynh và các nhà giáo dục, đồng thời tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm lý theo yêu cầu, tại trường cho học sinh chuẩn bị chuyển tiếp từ trường học lên đại học. Can thiệp khắc phục giữa những cá nhân đã tiếp cận giáo dục đại học nên là một trụ cột chính sách khác. Các chính sách khắc phục như vậy sẽ đặt ra một khuôn khổ vững chắc để cung cấp cho sinh viên gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần với các hỗ trợ nâng cao (ví dụ: tư vấn sức khỏe tâm lý miễn phí hoặc các buổi dạy kèm riêng) và/hoặc cung cấp cho họ các lựa chọn thay thế khả thi để bỏ học (ví dụ: tiếp cận thời gian nghỉ phép kéo dài về sức khỏe tâm thần hoặc xem xét nhiều hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần như những tình tiết giảm nhẹ cho việc tham gia và thành tích học tập).

Bên cạnh những phát hiện quan trọng, một số hạn chế nghiên cứu phải được thừa nhận. Những hạn chế này chỉ ra các cơ hội để sàng lọc phương pháp luận và điều tra thêm. Đầu tiên, như đã thảo luận trước đây, các biện pháp đo lường sức khỏe tâm thần dựa trên dữ liệu MBS (Medicare Benefits Schedule; dịch nghĩa: danh mục chi phí khám chữa bệnh cho từng loại bệnh trong mỗi lần khám bệnh) và PBS (Pharmaceutical Benefits Scheme; dịch nghĩa: danh mục chi phí từng loại thuốc bác sĩ kê đơn) có “điểm mù” (Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW), 2021), chẳng hạn như đơn thuốc tư nhân có được bên ngoài hệ thống y tế quốc gia. Thuốc liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng có thể là một phần của liệu pháp điều trị đang diễn ra đối với một số nhóm người mắc bệnh thần kinh nhưng không có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Mặc dù không rõ liệu những hạn chế đo lường này có thể ảnh hưởng đến phát hiện của nhóm nghiên cứu hay không và bằng cách nào, nhưng các đặc tính có lợi của dữ liệu hành chính chứng minh cho việc sử dụng chúng. Thứ hai, MBS và PBS không cung cấp một “bức tranh” chi tiết về việc các vấn đề sức khỏe tâm lý của cá nhân là mãn tính hay tạm thời, cũng như không chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tình trạng (ví dụ: thông qua thông tin về liều lượng). Các nghiên cứu trong tương lai có thể được hưởng lợi từ việc vận hành nhiều khía cạnh hơn về tình trạng sức khỏe tinh thần. Thứ ba, dữ liệu không nắm bắt được các trường hợp cá nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp hay không thể tiếp cận các dịch vụ, thuốc do các rào cản tài chính, văn hóa hoặc các rào cản khác. Như đã nêu trước đó, điều này có thể dẫn đến việc xác định thiếu sinh viên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe tâm lý và đánh giá thấp tác động của các vấn đề sức khỏe tinh thần đối với sinh viên bỏ học.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Zając, T., Perales, F., Tomaszewski, W., Xia ng, N., & Zubrick, S. R. (2023). Student mental health and dropout from higher education: an analysis of Australian administrative data. Higher Education, 1-19. https://doi.org/10.1007/s10734-023-01009-9

Bạn đang đọc bài viết Sức khỏe tinh thần của sinh viên và vấn nạn bỏ học đại học: phân tích dữ liệu hành chính tại Úc tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19