Khi năm học mới bắt đầu, các trường đại học, cao đẳng “rục rịch” chuẩn bị những định hướng chào đón sinh viên quốc tế.
Định hướng về văn hóa và xã hội bản địa được cung cấp bởi các tổ chức giáo dục là phổ biến, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên của học kỳ mới. Trong những tuần và tháng tới, các sinh viên quốc tế sẽ tiếp tục thích nghi với môi trường và cộng đồng mới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn ra mang đến sự phức tạp và không chắc chắn cho cuộc sống đại học của các sinh viên quốc tế.
Đối với nhiều sinh viên, điều đó có nghĩa là các tương tác bị hạn chế do những hạn chế về sức khỏe cộng đồng. Vô hình chung, sinh viên quốc tế tự cô lập và hạn chế tiếp xúc xã hội với bạn bè hằng ngày.
So với việc phát triển các chương trình ngắn hạn nhằm định hướng sinh viên quốc tế về môi trường học thuật, văn hóa trường và xã hội thì nghiên cứu của Juana Jua cùng cộng sự đã xem xét cách tiếp cận hai chiều nhằm khuyến khích các tương tác xã hội giữa sinh viên quốc tế và sinh viên bản địa hiệu quả hơn.
Để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên quốc tế sau tuần định hướng, các trường đại học có thể tập trung phát triển các cơ hội học tập và ngoại khóa quanh năm nhằm khuyến khích trao đổi văn hóa giữa sinh viên quốc tế, bạn bè và toàn xã hội.
Kết nối sinh viên
Nghiên cứu đã xác định rằng việc tạo ra các không gian xã hội vật lý hoặc ảo để kết nối sinh viên quốc tế với các đồng nghiệp và cộng đồng địa phương sẽ cho phép sinh viên tham gia và học hỏi.
Không gian ảo (virtual spaces) được lưu trữ trên các nền tảng khác nhau có thể tổ chức các ủy ban và hiệp hội do sinh viên khởi xướng. Những hiệp hội như vậy giúp tạo dựng mối quan hệ xã hội giữa sinh viên quốc tế và sinh viên bản địa.
Trong những không gian này, sinh viên hiểu biết lẫn nhau, chấp nhận và có cảm giác thân quen. Khi các nhà giáo dục đại học cũng tham gia vào các không gian này, điều này có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo để đổi mới và điều chỉnh chương trình giảng dạy hiện tại.
Các nhà giáo dục đại học cũng cần nhận thức được tiềm năng phát triển năng lực học tập của sinh viên thông qua các không gian xã hội chung này. Ngoài các chuyến thăm quan các địa điểm văn hóa địa phương hoặc các dự án hợp tác cộng đồng ngoại khóa, sự tham gia của sinh viên vào các không gian xã hội có thể được đánh giá với ý nghĩa “học tập thông qua các dự án nhóm”.
Phương pháp tích hợp học thuật
Ví dụ, khi sinh viên quốc tế và bản địa từ nhiều ngành khác nhau cùng nhau trải nghiệm văn hóa và học tập chung, điều này có thể dẫn đến sự gắn kết về mặt cảm xúc và phát triển năng lực trong giao tiếp liên văn hóa.
Đồng thời, tác giả khuyến khích các nhà giáo dục tạo ra “không gian xã hội” trong chương trình giảng dạy, chỉ định những tương tác và học tập xã hội đó như một phần để hoàn thành tín chỉ môn học. Sinh viên có thể được giao công việc liên quan đến việc phản ánh kết quả học tập và kỹ năng giao tiếp.
Việc phát triển các không gian bền vững cho những tương tác, cộng tác xã hội hoặc học thuật vượt xa các cách tiếp cận hiện tại về định hướng văn hóa ngắn hạn, thường được chuẩn bị bởi các nhà quản lý đại học, văn phòng quốc tế hoặc dịch vụ sinh viên. Thay vào đó, cách tiếp cận tích hợp quanh năm liên quan đến việc mời các nhà thiết kế chương trình, giảng viên và hiệp hội hỗ trợ sinh viên tham gia.
Các nhà giáo dục cũng có thể khám phá khả năng cung cấp các chương trình văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, do sinh viên quốc tế thúc đẩy nhưng dành cho tất cả sinh viên và người học trong cộng đồng.
Khuyến khích văn hóa “khuôn viên mở”
Các cơ sở giáo dục nên xem xét việc tạo ra các không gian xã hội có chủ ý mang sinh viên quốc tế và trong nước lại gần nhau như một phần thiết yếu của văn hóa “khuôn viên mở”. Điều này có nghĩa là một khuôn viên khuyến khích sinh viên quốc tế, và thực sự là tất cả sinh viên, từ nhiều nền văn hóa khác nhau tham gia. Việc này thúc đẩy thái độ hòa nhập đối với sự đa dạng văn hóa.
Trong buổi định hướng đầu năm hoặc các hoạt động quanh năm khác, việc tách biệt sinh viên quốc tế với sinh viên trong nước có thể làm gia tăng khoảng cách văn hóa trong khuôn viên trường đại học.
Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò cấp thiết của việc “nuôi dưỡng” một nền văn hóa “khuôn viên” toàn diện và đa dạng, coi trọng sự khác biệt và tương đồng về văn hóa, tôn trọng những đóng góp về văn hóa cá nhân và hỗ trợ các tương tác xã hội giữa người với người.
Bằng cách này, sinh viên quốc tế thực sự được hỗ trợ về mặt xã hội, văn hóa và học tập để đạt được thành công lâu dài hơn.
Thu hút sự tham gia của trường và cộng đồng bản địa
Các cơ sở giáo dục đại học có thể kết nối sinh viên quốc tế với cộng đồng bản địa. Các trường đại học nên áp dụng phương pháp giáo dục gắn kết, xem xét vai trò của các cộng đồng địa phương bên ngoài trường để hỗ trợ học tập trải nghiệm. Các trường đại học có thể lên những kế hoạch nhằm kết nối sinh viên quốc tế, tổ chức và cộng đồng bản địa lại với nhau, khuyến khích các hoạt động và dự án gắn kết cộng đồng. Các dự án học tập trải nghiệm cụ thể, các buổi thực hành của sinh viên hoặc các cuộc thi đổi mới chỉ là một số cách để đạt được điều này. Bằng cách này, sinh viên quốc tế thực sự có thể học cách đánh giá cao giá trị của việc học và những việc họ làm, đồng thời, nó cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội cộng đồng bản địa.
Huyền Đức dịch
Nguồn:
Du, J. (2022). How universities can support international students beyond orientation week. The Conversation.
https://theconversation.com/how-universities-can-support-international-students-beyond-orientation-week-186678