Cảm xúc của trẻ em trong môi trường giáo dục: Nhận thức của giáo viên từ Úc, Trung Quốc, Phần Lan, Nhật Bản và Tây Ban Nha

Quá trình chuyển đổi sang giáo dục chính quy là một quá trình chuyển đổi quan trọng trong cuộc sống của trẻ em, là “bước ngoặt quan trọng” đối với hoạt động hành vi và cảm xúc xã hội. Trong quá trình chuyển đổi, giáo viên là những người đóng vai trò kết nối tích cực trẻ em và gia đình. Do đó, nghiên cứu của Henna Pirskanen và cộng sự tập trung tìm hiểu nhận thức của giáo viên về hành vi cảm xúc xã hội của trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học

Các gia đình đương đại trong thế giới CNH-HĐH đang phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng của quá trình chuyển đổi cũng như sự đa dạng và phức tạp hơn trong lối sống của các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như trẻ nhỏ bắt đầu vào lứa tuổi đi học. Quá trình chuyển tiếp lên cấp tiểu học là một quá trình chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời của trẻ em. Giai đoạn này của cuộc đời đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong các hành động hằng ngày và các mối quan hệ xã hội của trẻ. Có thể coi đây là thử thách đối với cả trẻ, cha mẹ và giáo viên. Do đó, việc nhập học tích cực là một bước quan trọng đối với trẻ em. Những chức năng hành vi và cảm xúc xã hội đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này của cuộc đời (Pianta & Kraft-Sayre, 2003; Mclntyre et al., 2006; Dockett & Perry, 2015). Ngày càng có nhiều sự ghi nhận về tầm quan trọng của những trải nghiệm đầu đời (Ahtola et al., 2015; Balham et al.,2016; Wildenger & Mclntyre, 2012;...) và quá trình này được tiếp cận từ nhiều góc độ, lý thuyết khác nhau. Đã có nhiều nghiên cứu về những cảm xúc trong giai đoạn chuyển tiếp lên THCS (Irvin & Richardson, 2002), từ trường dạy nghề sang đi làm (Nurmi et al., 2002) và từ giáo dục trung học đến sau trung học (Pekrun et al., 2018), tuy nhiên, cảm xúc của trẻ nhỏ hơn trong giai đoạn chuyển tiếp vào lớp Một ít nhận được sự quan tâm, đặc biệt từ góc độ xã hội học. Trẻ em bước vào trường tiểu học với hoàn cảnh, tính cách, kinh nghiệm và kiến thức khác nhau, đồng thời, phương pháp giảng dạy, sự hình thành cộng đồng và văn hóa học đường cũng khác nhau giữa mỗi trường. Do đó, mỗi đứa trẻ trải qua quá trình chuyển đổi theo những cách khác nhau (Dockett & Perry, 2007; Garðarsdóttir & Ólafsdóttir, 2017) và cảm xúc của các em có thể thay đổi. Bên cạnh gia đình, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong thời thơ ấu, quá trình nuôi dạy và giáo dục trẻ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu Henna Pirskanen và các cộng sự quan tâm đến cách giáo viên nhìn nhận hành vi cảm xúc, xã hội của trẻ em trong giai đoạn chuyển đổi cụ thể này. Để có được “bức tranh” tổng quát về cảm xúc trẻ nhỏ trong bối cảnh trường học, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 5 quốc gia khác nhau: Úc, Trung Quốc, Phần Lan, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các cuộc phỏng vấn giáo viên định tính từ 112 giáo viên từ 5 quốc gia. Các câu hỏi nghiên cứu bao gồm: (1) Làm thế nào để giáo viên ở 5 quốc gia nhận thức được khả năng của trẻ em trong việc thể hiện và điều chỉnh cảm xúc; (2) Cảm xúc của trẻ liên kết với mối quan hệ gia đình như thế nào? (3) Những điểm tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia tồn tại trong nhận thức của giáo viên về cảm xúc của trẻ em? Cụ thể, nghiên cứu tìm hiểu nhận thức của giáo viên về kỹ năng thể hiện và điều tiết cảm xúc của trẻ lớp một, cũng như vai trò của sự giáo dục trong gia đình đối với việc đạt được những kỹ năng này, trong quá trình chuyển đổi sang giáo dục chính quy ở năm quốc gia. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã điều tra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia trong nhận thức của giáo viên.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra ở cả 5 quốc gia, giáo viên đều coi các kỹ năng cảm xúc của trẻ ở lớp một là đặc biệt quan trọng. Hầu hết đều cảm thấy có trách nhiệm dạy cho trẻ em những kỹ năng này, những kỹ năng mà họ coi là cần thiết để thích nghi thành công với trường học và là nền tảng cho mọi hoạt động học tập. Các giáo viên đã báo cáo cả những cảm xúc và hành vi tích cực lẫn tiêu cực của những đứa trẻ sống trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhìn chung, các giáo viên được phỏng vấn coi các kỹ năng cảm xúc của trẻ có tầm quan trọng đặc biệt ở lớp Một và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy trẻ các kỹ năng cảm xúc, quản lý và điều chỉnh cảm xúc. Các giáo viên báo cáo rằng trẻ em có thể bị căng thẳng, lo lắng hoặc lo lắng trong quá trình chuyển đổi. Tương tự, các nhà giáo dục thấy rằng những thay đổi trong gia đình như cha mẹ ly hôn, anh chị em ra đời hoặc một thành viên trong gia đình qua đời có thể biểu hiện ở trẻ em ở trường như sự bồn chồn, phấn khích, buồn bã hoặc bất ổn. Những điểm tương đồng và khác biệt trong việc giáo viên chú trọng đến cảm xúc của trẻ em đã được tìm thấy ở 5 quốc gia. Úc dường như là một quốc gia chú trọng mạnh mẽ đến các khía cạnh hành vi mang tính cộng đồng và tình cảm xã hội. Các giáo viên ở Phần Lan và Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh tương tự vào các khía cạnh cảm xúc xã hội của hành vi, tầm quan trọng của việc biết về sự chuyển đổi gia đình và tỷ lệ hành vi cảm xúc xã hội tiêu cực của một số trẻ em. Các giáo viên ở Nhật Bản cũng nhấn mạnh hơn vào việc học tập và hành vi có vấn đề. Trung Quốc dường như thể hiện một mô hình khác, một mô hình ít giống với các mô hình của bốn quốc gia còn lại: thay vì chứng thực tầm quan trọng của việc dạy các kỹ năng cảm xúc xã hội, các giáo viên Trung Quốc nhấn mạnh nhiều hơn vào hành vi có vấn đề của trẻ em và những thách thức về cảm xúc xã hội khác. 

Trong nghiên cứu trước đây, người ta đã gợi ý rằng có thể phát triển các chương trình chuyển tiếp bao gồm các chiến lược giúp trẻ thích nghi với trường học (Margetts, 2002). Dựa trên nghiên cứu này, cảm xúc, kỹ năng cảm xúc và sức khỏe tinh thần của trẻ em nên là một phần không thể thiếu trong các chương trình như vậy. Ví dụ, một khi đã xác định được những căng thẳng của những thách thức mới đối với trẻ em, các chương trình chuyển tiếp có thể lập kế hoạch để có những điều chỉnh cần thiết. Hỗ trợ học các kỹ năng cảm xúc và cách cư xử mà không làm tổn thương người khác; hỗ trợ phát triển sự tự tin, là những ví dụ về các chiến lược có thể áp dụng với trẻ em đang sống trong giai đoạn chuyển tiếp sang giáo dục chính quy (Margetts, 2002).

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Pirskanen, H., Jokinen, K., Karhinen-Soppi, A., Notko, M., Lämsä, T., Otani, M., ... & Rogero-García, J. (2019). Children’s emotions in educational settings: Teacher perceptions from Australia, China, Finland, Japan and Spain. Early Childhood Education Journal, 47, 417-426. https://doi.org/10.1007/s10643-019-00944-6

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19