Kinh nghiệm tổ chức và vận hành tạp chí theo chuẩn quốc tế

Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm của hai đồng tác giả với góc nhìn thực tiễn của biên tập viên trong việc tổ chức và vận hành tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus, Web of Sciences, hoặc một số chỉ mục khác. Nội dung bài viết gồm 3 phần chính (i) các điều kiện cần của 01 tạp chí quốc tế; (ii) các điều kiện đủ của 01 tạp chí quốc tế và (iii) các việc cần làm sau khi tạp chí đạt được mục tiêu tham gia vào các chỉ mục quốc tế như Scopus hoặc Web of Sciences (WOS).

1. Mở đầu

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hội nhập quốc tế. Nếu như trong giai đoạn 2010 trở về trước, việc các nhà khoa học ở Việt Nam có công bố quốc tế vẫn là điều tương đối hiếm hoi hoặc chỉ phổ biến trong một số ngành hoặc lĩnh vực, thì hiện nay công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế đã trở thành hoạt động  gắn liền với chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu trong mọi ngành, lĩnh vực. Điều này cũng đã biết đầu phổ biến ở các ngành và lĩnh vực vốn được nhận định là  không dễ dàng để tham gia sân chơi quốc tế như khoa học xã hội và nhân văn. Song song với hoạt động công bố khoa học, việc vận hành các tạp chí khoa học tại Việt Nam cũng có nhiều đổi mới. Cũng trong giai đoạn 2010 trở về trước, chỉ có 02 tạp chí Việt Nam được chỉ mục trên các danh mục quốc tế như Scopus, WOS, thì hiện nay, trong cả nước, danh sách này đã tăng lên thành 10 tạp chí (xem Phụ lục). Hiện nay, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), Bộ Khoa học và Công nghệ đều đang triển khai các đề án hỗ trợ một số tạp chí hướng tới việc tham gia các chỉ mục quốc tế như ACI, Scopus, WOS. Trong bối cảnh đó, chúng tôi viết bài này với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm “thực chiến” của mình trong việc quản lý  các tạp chí quốc tế đến các nhà quản lý tạp chí trong nước đang có định hướng hội nhập quốc tế (xin vui lòng xem Thông tin về tác giả ở cuối bài). 

Chúng tôi cũng hy vọng bài viết sẽ giúp các bên liên quan (bao gồm nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các quỹ khoa học công nghệ) có được cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về đặc thù của hoạt động tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế để từ đó có những định hướng, chính sách, hỗ trợ, và đầu tư phù hợp. 

2. Nội dung

Bài viết này, ngoài phần mở đầu và kết luận còn có 3 phần chính: chính (i) các điều kiện cần của 01 tạp chí quốc tế; (ii) các điều kiện đủ của 01 tạp chí quốc tế và (iii) các việc cần làm sau khi tạp chí đạt được mục tiêu chỉ mục quốc tế như Scopus hoặc Web of Sciences (WOS). 

Điều kiện cần

Trước khi trở thành một tạp chí được chỉ mục tại các cơ sở dữ liệu uy tín như Scopus hay WOS, một tạp chí khoa học cần phải thỏa mãn các tiêu chí của một tạp chí khoa học thông thường giống hàng trăm nghìn tạp chí khoa học trên khắp thế giới đang có (lưu ý là không phải tạp chí quốc tế nào cũng được Scopus, WOS chỉ mục). Theo chúng tôi, một tạp chí khoa học cần có các yêu cầu tối thiểu như sau:

- Website:  Website của tạp chí cần có các nội dung như sau:

Phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh (nếu tạp chí chấp nhận bài đăng bằng tiếng Anh) 

Thứ nhất, một tạp chí khoa học phải có tiêu đề và các bài viết phải tóm lược tiếng Anh. Tuy nhiên, phần nội dung có thể là ngôn ngữ khác. Thứ hai, tạp chí phải đáp ứng thời hạn xuất bản đúng như cam kết với tần suất phát hành tối thiểu 1 năm một số. Tổng thể chất lượng tạp chí phải tốt và dựa trên: Sự đánh giá về chất lượng và ảnh hưởng của tạp chí trong ngành, bao gồm: Danh tiếng của nhà xuất bản, sự đa dạng về tác giả, thành viên Hội đồng Biên tập, mức độ nhận biết về tạp chí của các nhà biên tập có uy tín. Thứ ba, tạp chí phải thể hiện được các quy chuẩn kiểm soát về chất lượng (ví dụ như: phản biện kín). Bên cạnh ba tiêu chí tiên quyết, các chỉ mục quốc tế sẽ đánh giá tạp chí trên những phương diện cụ thể như điều kiện cứng khác. Sau đây là những yếu tố khác: Tính thuyết phục của chính sách biên tập (tuyên bố chính sách có thuyết phục, tường minh và rõ rang hay không); Cấp độ phản biện (Peer review) được xác định là độc lập hay do Tổng biên tập quyết định, có chính sách phản biện kín 1 chiều hay 2 chiều, chính sách xuất bản truy cập mở (Open Access) hay theo chế độ đăng ký (Subscription), Tạp chí có theo đuổi chính sách thu phí xuất bản hay không….

- Hệ thống gửi bài và phản biện: 

Rất nhiều tạp chí của Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng email là cách thức để gửi bài; việc mời các phản biện cũng thường được gửi qua email. Đây là cách tiếp cận cũ và cần thay đổi. Mỗi tạp chí cần một hệ thống gửi bài và phản biện chuyên nghiệp nhằm có thể quản lý các bản thảo, từ lúc được gửi tới tạp chí, cho đến các vòng phản biện, lưu trữ cả các bài được đăng lẫn các bài bị từ chối, cũng như thông tin trao đổi giữa 3 bên (tác giả, ban biên tập và phản biện). Nếu tạp chí nào có điều kiện tài chính cho phép thì có thể sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp nền tảng phản biện ScholarOne (cung cấp bởi Clarivate), editorialmanager (cung cấp bởi Aries Systems Corporation).... Nếu điều kiện không cho phép, tạp chí có thể tự xây dựng hệ thống riêng của mình. Trong trường hợp này, chúng tôi khuyến nghị tạp chí nên dùng phần mềm mã nguồn mở PKP dành riêng cho các hệ thống gửi bài và phản biện tạp chí khoa học (https://pkp.sfu.ca/hosting-services/hosting/journals/ ). Ưu điểm của việc sử dụng các nền tảng cho quy trình phản biện là tường minh, rõ ràng, lưu lại lịch sử truy cập một cách cụ thể cho quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhược điểm chính là chi phí tài chính cho việc vận hành với hệ thống cung cấp bên ngoài. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống (gửi email cho giai đoạn trước) cũng khó được chuyển tiếp lên hệ thống một cách dễ dàng.  

- Ban biên tập và Hội đồng tư vấn: 

Nội dung này là nội dung rất dễ nhầm lẫn khi so sánh giữa tạp chí khoa học của Việt Nam với các tạp chí quốc tế bởi có những khái niệm tương đối giống nhau nhưng nội hàm lại khá khác nhau về mặt bản chất. 

Trước tiên, xin giải thích về Ban biên tập (Editorial Board) và Hội đồng tư vấn (Advisory Editorial Board hoặc Consulting Editorial Board) ở Tạp chí quốc tế. Tại các tạp chí quốc tế tế, Ban biên tập bao gồm: (i) Tổng biên tập (hoặc các đồng tổng biên tập) – trong tiếng Anh là (Co) Editor in Chief; và (ii) Các thành viên Ban biên tập (members of Editorial Board). Đôi khi một số báo không gọi là (đồng) Tổng biên tập – (Co) Editor in Chief mà gọi là các (Đồng) Biên tập – (Co) Editor; tương tự các thành viên Ban biên tập sẽ được gọi là các Phó Biên tập viên – Associate Editor hoặc/và các Trợ lý Biên tập viên – Assistant Editor. Trong phần lớn các trường hợp, thành viên Hội đồng biên tập đều không phải là cán bộ cơ hữu của tạp chí, mà thường là các nhà khoa học đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu (hầu hết đều có bằng tiến sĩ); và phần lớn là không nhận lương để vận hành tạp chí. Thành viên ban biên tập là những người sẽ trực tiếp xử lý bản thảo khi tác giả gửi đến, bao gồm các khâu chính: Tổng biên tập nhận bản thảo từ tác giả - Tổng biên tập phân công thành viên ban biên tập xử lý – Thành viên ban biên tập mời các phản biện đọc bình duyệt – Thành viên ban biên tập đưa ra quyết định về bản thảo – Tổng biên tập phê duyệt. Thành viên của Hội đồng tư vấn cũng là các nhà khoa học đang làm việc toàn thời gian tại các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước (ví dụ như Ngân hang Trung Ương), doanh nghiệp hay tập đoàn lớn. Thành viên của Hội đồng tư vấn thường không tham gia vào xử lý trực tiếp bản thảo, mà tham gia vào việc góp ý cho Tổng biên tập về đường hướng phát triển, hoặc các mạng lưới khoa học như chuyển tải kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp, nhà làm chính sách, hoặc chương trình giảng dạy. Có 2 trường hợp ngoại lệ cần sự tham gia của thành viên Hội đồng tư vấn vào việc xử lý trực tiếp bản thảo, đó là (i) khi thành viên Hội đồng tư vấn được mời tham gia bình duyệt một bài báo như một phản biện thông thường; và (ii) Khi thành viên Hội đồng tư vấn tham gia làm Biên tập viên mời (Guest Editor) cho một số đặc biệt (Special Issue) của Tạp chí.   

Đối với các tạp chí của Việt Nam, thường sẽ có hai đơn vị chuyên môn, có tên gọi là Ban Biên tập và Hội đồng Biên tập. Ban biên tập của các tạp chí Việt Nam cũng là đơn vị trực tiếp xử lý bản thảo (nhận bài, gửi phản biện) tương tự như Ban biên tập ở tạp chí quốc tế. Mặc dù vậy, điểm khác biệt của Ban biên tập các tạp chí khoa học ở Việt Nam lại là ở chỗ: (i) các thành viên Ban biên tập là các cán bộ cơ hữu; và (ii) Nhiều thành viên Ban biên tập (không tính Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Trưởng Ban biên tập) chưa/không phải nhà khoa học (chỉ có trình độ đại học, thạc sĩ và chưa có công trình công bố ). Thực trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình phản biện và xử lý bản thảo. Hội đồng biên tập tại các tạp chí khoa học tại Việt Nam có vẻ tương tự Hội đồng tư vấn ở các tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm nhiều nhà khoa học đã thành danh. Mặc dù vậy, qua quan sát của chúng tôi, các thành viên Hội đồng biên tập ở Việt Nam mang nặng tính chất “biểu tượng”, ít khi tham gia tư vấn, càng không tham gia vào các số đặc biệt hoặc những bài viết mang tính chất định hướng, các chuyên đề đặc biệt cho một nhánh nghiên cứu mới. 

Trên cơ sở các phân tích kể trên, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị đối với các tạp chí khoa học ở Việt Nam như sau:

Cần đưa ra tiêu chí tối thiểu đối với thành viên Ban biên tập, phải là các nhà khoa học thường xuyên hoạt động chuyên môn, có thể bao gồm các nhà khoa học không phải cơ hữu của Tạp chí, làm việc bán thời gian. Các nhà khoa học này cần phải thực sự tham gia vào quá trình xử lý bản thảo. Bên cạnh yếu tố về chuyên môn, Ban Biên tập nên là những nhà khoa học tham gia vào việc xây dựng chính sách, định hướng những hướng nghiên cứu mới (mở ra các chuyên đề, số đặc biệt…). Chính những thành viên này sẽ tham mưu trực tiếp với Tổng biên tập về chất lượng bài, sự đặc thù và tính đóng góp của cơ sở lý thuyết trong những bản thảo nộp đến tạp chí. 

Hội đồng biên tập nên được đổi tên thành Hội đồng tư vấn cho đúng bản chất (ít nhất là trong thuật ngữ Tiếng Anh). Thành viên Hội đồng tư vấn cần tham gia nhiều hơn để thường xuyên tư vấn cho tạp chí, góp phần vào việc vận hành hàng ngày của tạp chí. Ngoài ra, hội đồng tư vấn cũng có thể là nhà làm chính sách, cơ quan ban ngành, có thể trích dẫn những kết quả nghiên cứu của Nhà khoa học Việt Nam trong việc tham mưu chính sách, thảo luận chính sách, hoặc tư vấn xây dựng nội dung chương trình giảng dạy gắn liền với những nghiên cứu cập nhật gần đây. 

- Chỉ số DOI: 

DOI (Digital object identifier) là chỉ số gắn liền với mỗi bài báo khoa học. Đây là tiêu chuẩn cả thế giới đang áp dụng. Mặc dù vậy, nhiều tạp chí khoa học ở Việt Nam chưa gắn được các bài báo xuất bản với chỉ số DOI. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nếu các tạp chí nào chưa thực hiện được điều này thì cần sớm thực hiện ngay. Việc mua chỉ số DOI không khó, có thể mua trực tiếp từ website https://www.doi.org/  Thông thường, DOI sẽ trao đổi và ước tính cụ thể bao nhiêu bài báo gần gắn mã trong một năm và sau khi bài báo được duyệt đăng, tạp chí sẽ đăng ký trên hệ thống của DOI để định dạng bài báo. Tuy nhiên, đối với DOI do mã nguồn ngôn ngữ là tiếng Anh nên phần tiêu đề và tóm tắt khi định dạng DOI phải là tiếng Anh (do DOI chưa hỗ trợ gắn các mã tiếng Việt) trong liên kết đường dẫn.

- Kiểm tra đạo văn:

Kiểm tra đạo văn đối với tất cả các bài báo là tiêu chuẩn được rất nhiều tạp chí quốc tế áp dụng. Vì vậy, các tạp chí cần có cho mình một account kiểm tra đạo văn. Chúng tôi khuyến nghị nên dùng Ithenticate vì đây là phần mềm kiểm tra đạo văn chuyên biệt dành cho bài báo khoa học, mặc dù vậy, nếu không có Ithenticate thì dùng các phần mềm khác như Turnitin, Plagiarism Checker hoặc DoIT cũng được. Nếu trường hợp không thể có được một account kiểm tra đạo văn, các tạp chí khoa học ở Việt Nam có thể áp dụng chính sách yêu cầu tác giả khi gửi bản thảo cần kèm theo bản kiểm tra đạo văn để làm minh chứng kèm theo.

Điều kiện đủ 

Sau khi đã thỏa mãn các điều kiện cần, một tạp chí khoa học cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện đủ để có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là được Scopus hoặc WOS chỉ mục. Trong phần này, chúng tôi sẽ lần lượt đưa ra các khuyến nghị đối với các tạp chí để có thể đạt được mục tiêu cuối cùng kể trên:

- Được chỉ mục ở các cơ sở dữ liệu “bước đệm”: 

Từ bước đệm ở đây không hàm ý đây là các bước đệm do Scopus, WOS quy định. Mà đây cũng là các cơ sở dữ liệu khoa học khác trên thế giới nhưng có tính chất “đại trà” hơn, dễ đạt được hơn. Một số chỉ mục mà chúng tôi có thể gợi ý ngay bao gồm: (i) Google Scholar (https://scholar.google.com/), (ii) COPE (https://publicationethics.org/), (iii) DOAJ (https://doaj.org/ - lưu ý, chỉ áp dụng với tạp chí mở), (iv) ACI (https://asean-cites.org/), EconLit (https://www.aeaweb.org/econlit/, Cabell's Directories, hoặc Proquest… Tất nhiên mỗi một cơ sở dữ liệu sẽ lại có những yêu cầu riêng cả về kỹ thuật lẫn chuyên môn, mà khi muốn tham gia, tạp chí khoa học sẽ cần phải tìm hiểu và đáp ứng. 

- Cân nhắc kỹ về Mục tiêu và Phạm vi của Tạp chí (Aim and Scope): 

Phạm vi và Mục tiêu của Tạp chí là vấn đề tối quan trọng, cần được Ban biên tập cân nhắc rất kỹ. Kèm theo với Phạm vi và Mục tiêu, Tên gọi tạp chí cũng như nội dung các bài công bố cũng phải nhất quán. Ví dụ: 

Tạp chí có mục tiêu và phạm vi thiên về Economic Development thì cần tập trung vào các bài báo thuộc lĩnh vực Kinh tế và/hoặc Phát triển (những bài thuộc chủ đề quản trị, kinh doanh, kể cả có chất lượng rất tốt thì cũng cần bị từ chối giới thiệu sang các tạp chí phù hợp hơn). 

Tên tạp chí có chữ Asia thì số lượng bài phải có tính đa dạng ở tầm Châu Á (theo tên tác giả, theo mẫu nghiên cứu, theo nội dung bài viết), chứ không thể chỉ bao gồm các tác giả từ Việt Nam hoặc các bài viết về Việt Nam, dữ liệu Việt Nam, hoặc bối cảnh một quốc gia cụ thể nào đó nhiều hơn 2 trong một số xuất bản. 

Có một lưu ý là phần lớn các tạp chí Việt Nam đều là đa ngành, đây không phải là điểm được ưu tiên của Scopus hay WOS, thậm chí còn bị coi là điểm trừ. Vì vậy, các tạp chí khoa học ở Việt Nam nếu đang là đa ngành cần cân nhắc thu hẹp mục tiêu và phạm vi của mình, hoặc mở một chuyên san riêng (có ISSN riêng) trước khi đặt kế hoạch được Scopus hay WOS chỉ mục. 

- Cần có công cụ theo dõi chỉ số trích dẫn:  

Có một luật “bất thành văn” là nếu tạp chí không có cơ hội lọt được vào Q1 hoặc Q2 thì sẽ không được những cơ sở khoa học như Scopus hay WOS chỉ mục. Vì vậy, việc theo dõi được các chỉ số trích dẫn là điều rất quan trọng đối vơi các tạp chí khoa học đang có mong muốn hội nhập quốc tế. Nếu tạp chí phối hợp với các nhà xuất bản quốc tế như Emerald, Elsevier, Sage thì bộ phận nhà xuất bản sẽ hỗ trợ giúp việc này bằng những công cụ như (các tạp chí đã ở trong chỉ mục SCOPUS hoặc WoS đang trích dẫn bài đăng trong tạp chí đang cân nhắc tham gia). Nếu không, tạp chí cần tính đến phương án khác, trong đó phương án cuối cùng là … đếm tay hoặc dùng các công cụ hỗ trợ đếm trích dẫn trên Google Scholar. 

- Cần có chiến lược thu hút … “bài đinh”:  

Việc có các bài đinh (bài chất lượng tốt của các tác giả hàng đầu) sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề: tăng trích dẫn và tăng độ đa dạng của tác giả (nếu tác giả đó là người nước ngoài). Tất nhiên các tác giả hàng đầu sẽ không tự nhiên gửi bản thảo tốt cho một tạp chí chưa được chỉ mục. Vì vậy, đây là nội dung cần đầu tư. Một số hình thức đầu tư có thể làm bao gồm: (i) Trả phí trực tiếp cho bài mời của tác giả hàng đầu; (ii) Tổ chức hội thảo, mời các tác giả hàng đầu đến làm keynote speaker, đồng thời đăng lại bài trình bày của tác giả hàng đầu. Hình thức này cũng giúp thu hút các bài tốt từ trong nước hoặc trong khu vực trong các số đặc biệt của tạp chí. Ngoài ra, với các trường đại học có lực lượng giảng viên trẻ được đào tạo từ nước ngoài, có thể mời giáo viên hướng dẫn viết bài trên tạp chí của các trường. Bên cạnh đó, Tổng biên tập và thành viên Hội đồng biên tập cũng có thể tham gia các hội thảo quốc tế và khu vực để quảng bá tạp chí của mình nhằm tìm kiếm những bài viết tốt và những học giả tốt để mời tham gia hội đồng biên tập hoặc viết các bài nghiên cứu, bài định hướng trong nhánh lý thuyết…. 

Và hơn thế nữa:  

Các cụ có câu “dâng lễ đã khó, giữ lễ còn khó hơn”. Việc được chỉ mục quốc tế Scopus, WOS đã khó, việc duy trì tạp chí được tiếp tục được chỉ mục, tăng cường tầm ảnh hưởng, nâng cao uy tín, vị thế (một phần thông qua các chỉ số trích dẫn, Impact Factor, Citescore, JCR, H-index…) còn khó hơn. Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo các Tạp chí Việt Nam cần đổi mới và đánh giá liên tục các chỉ tiêu hội nhập quốc tế của từng giai đoạn. Ví dụ, sau khi đã được chỉ mục trong Scopus, WOS, tạp chí vẫn cần tiếp tục mở rộng ban biên tập, hội đồng tư vấn bằng việc hợp tác với các giáo sư và nhà nghiên cứu nước ngoài. Sau khi tái cấu trúc hội đồng biên tập, các tạp chí có thể tổ chức Hội thảo và Hội nghị thu hút học giả quốc tế nộp bài. Từ đó, hướng đến việc giới thiệu những bài viết tốt, có tính bao phủ lớn thông qua truyền thông để đạt được tầm ảnh hưởng cao trong cộng đồng khoa học. Hơn thế nữa, việc thường xuyên mở các số đặc biệt gắn liền với mục tiêu và tôn chỉ tạp chí nhưng vẫn có những hướng đi mới sẽ giúp định hình các nhà khoa học nộp bài đến Tạp chí và xây dựng hình ảnh Tạp chí trong cộng đồng khoa học quốc tế. Ngoài ra, việc tạp chí tìm phản biện chất lượng cũng là một bài toán luôn luôn là việc làm cần ưu tiên. Thông thường, công tác phản biện trên các tạp chí quốc tế là tự nguyện và miễn phí; trong khi các nhà khoa học giỏi có thể giúp phản biện bài báo lúc nào cũng bận rộn, vì vậy, ngay cả những tạp chí hàng đầu vẫn gặp vấn đề không thể mời được phản biện tốt. Một giải pháp của các tạp chí quốc tế là có khoản thù lao (trả thông qua việc thu phí nộp bài hoặc giảm phí nộp bài khi người phản biện đó gửi bài vào tạp chí sau này). Tuy nhiên, với những tạp chí Việt Nam việc trả phí cho phản biện sẽ phát sinh một khoản chi phí thường xuyên. Do đó, các tạp chí Việt Nam cũng cần tìm giải pháp để có nguồn tài chính bền vững cho hoạt động biên tập. Cuối cùng, việc kiểm soát một tỷ lệ chấp nhận (acceptance rate) đủ thấp, và kiểm soát mức độ đa dạng (của tác giả theo khu vực địa lý, về chủ đề, phương pháp nghiên cứu) cũng là việc bất kỳ tạp chí nào cũng cần cân nhắc và xem xét.  

3. Kết luận

Bài viết này tóm tắt những điểm quan trọng trong việc quốc tế hóa các tạp chí Việt Nam để đạt được những chỉ mục khoa học uy tín quốc tế. Tất cả những khuyến nghị trong bài viết đều dựa trên kinh nghiệm của tác giả, có thể sẽ phù hợp với đặc thù một vài tạp chí. Do đó, việc áp dụng các đầu mục này cần phải khéo léo phù hợp áp dụng với những điều kiện sẵn có và nguồn lực của tạp chí. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi cũng không thể truyền tải hết các ý mà mình muốn nói. Vì vậy, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận với các nhà khoa học, các lãnh đạo trường đại học, viện nghiên cứu, ban biên tập các tạp chí quan tâm đến chủ đề này. Chúng tôi tin tưởng rằng việc có nhiều hơn nữa tạp chí Việt Nam được các chỉ mục quốc tế, nhất là chỉ mục Scopus và WOS sẽ góp phần tạo nên nền móng vững chắc cho nền học thuật Việt Nam. Nền khoa học Việt Nam cũng xứng đáng có nhiều hơn nữa các tạp chí được chỉ mục quốc tế. 

Phạm Hiệp, Huỳnh Lưu Đức Toàn

Về tác giả

Phạm Hiệp (https://orcid.org/0000-0003-3300-7770) nhận bằng tiến sĩ về quản trị kinh doanh quốc tế tại Chinese Culture University, Đài Loan (Trung Quốc) năm 2018. TS. Hiệp hiện đang là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chuyển giao Tri thức REK, Trường Đại học Thành Đô. Ngoài ra, TS. Hiệp còn tham gia sinh hoạt chuyên môn tại nhiều cơ sở giáo dục đại học khác như: thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Tổ chức Giáo dục Equest. Hướng nghiên cứu của TS. Hiệp bao gồm giáo dục quốc tế, đổi mới giáo dục và chính sách khoa học. TS. Hiệp đã công bố trên 60 bài báo, chương sách trên các tạp chí, sách được WOS, Scopus chỉ mục. TS. Hiệp đã có nhiều kinh nghiệm làm thành viên ban biên tập/hội đồng tư vấn cho các tạp chí trong và ngoài nước như Journal of International Students (Scopus, ESCI), Humanities and Social Sciences Communication (Scopus, SSCI, AHCI), Higher Education, Skills and Work-Based Learning (Scopus, ESCI), Tạp chí Giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc Gia Hà Nội (chuyên san Khoa học Giáo dục). Đặc biệt từ 10/2021, cùng với đồng tác giả bài viết này, TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn, TS. Hiệp trở thành 1 trong 2 người Việt đầu tiên ở trong nước làm đồng tổng biên tập 01 tạp chí SSCI, tạp chí Evaluation Review (https://journals.sagepub.com/editorial-board/erx). Thông tin liên hệ: hiep@researchcoach.edu.vn   


Huỳnh Lưu Đức Toàn (https://orcid.org/0000-0002-1486-127X)  nhận bằng tiến sĩ về tài chính hành vi tại trường WHU – Otto Beisheim School of Management (CHLB Đức) năm 2022. TS. Toàn hiện đang là giảng viên Khoa phân tích kinh doanh và kinh tế học ứng dụng thuộc trường Đại học Queen Mary, trực thuộc hệ thống Đại học London (Vương Quốc Anh) và đồng thời đang sinh hoạt chuyên môn tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM. TS. Toàn đã công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong chỉ mục Scopus, WOS như Nature Communications, Journal of Economic Behavior & Organization, Economics Letters… Về công tác biên tập tạp chí, TS. Toàn đang là Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Journal of Asian Business and Economic Studies (Tạp chí đầu tiên trong lĩnh vực khoa học xã hội của Việt Nam được Scopus, ESCI chỉ mục) và đồng tổng biên tập Tạp chí International Finance, 1 tạp chí SSCI. Đặc biệt từ 10/2021, cùng với đồng tác giả bài viết này, TS. Phạm Hiệp, TS. Toàn trở thành 1 trong 2 người Việt đầu tiên ở trong nước làm đồng tổng biên tập 01 tạp chí SSCI, tạp chí Evaluation Review. Thông tin liên hệ: toanhld@ueh.edu.vn

Lời cảm ơn

Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục đã có góp ý để hoàn thiện bài viết này. 

Phụ lục 

Danh mục các tạp chí Việt Nam được chỉ mục quốc tế

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm tổ chức và vận hành tạp chí theo chuẩn quốc tế tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn