Thay đổi quan niệm và việc thực hành của giáo viên theo phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm: Kinh nghiệm và bài học từ cải cách giáo dục ở Việt Nam

Nghiên cứu của hai tác giả Linh Ho và Clive Dimmock tổng kết lại gần 5 thập kỷ các chính sách cải cách của Việt Nam theo phương pháp tiếp cận giáo dục lấy người học làm trung tâm, trong đó có lần cải cách mới nhất: Chương trình Cải cách Giáo dục Cơ bản và Toàn diện ban hành năm 2013 với chính sách trọng tâm là Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Cải cách giáo dục hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trên thế giới. Cho dù đó là những quốc gia phát triển hay có thu nhập trung bình và thấp, thì việc thừa nhận rằng giáo dục là đòn bẩy chính của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là điều vô cùng quan trọng. Thực tế là nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang phải đối mặt với những khó khăn lớn khi chuyển đổi từ nền giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm sang nền giáo dục lấy người học làm trung tâm là một ví dụ điển hình về việc một ý tưởng chính sách được ủng hộ rộng rãi nhưng không thể đạt được kỳ vọng. Những nỗ lực và nguồn lực cam kết cho cải cách lấy người học làm trung tâm là rất lớn trong khi kết quả dường như vẫm còn hạn chế, thậm chí phản tác dụng ở những nơi, đã thúc đẩy một cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu các quốc gia có nên kiên trì với các chương trình lấy người học làm trung tâm của họ hay không và bằng cách nào.

Nghiên cứu này tổng kết lại gần 5 thập kỷ nỗ lực cải cách của Việt Nam theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm; đồng thời, thông qua việc tìm nhận thức và kinh nghiệm của một nhóm (mẫu nghiên cứu) gồm các giáo viên tiểu học Việt Nam, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng về một trong những nỗ lực mới nhất và được cho là triệt để nhất của chính phủ Việt Nam nhằm đưa phương pháp lấy người học làm trung tâm thành hiện thực, đó là Chương trình Cải cách Giáo dục Cơ bản và Toàn diện năm 2013 với chính sách trọng tâm là Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Những phát hiện này cho thấy những thay đổi trong nhận thức và thực hành của lãnh đạo nhà trường và giáo viên đã dẫn đến những biến chuyển nhất định tại các lớp học ở Việt Nam; tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ giải quyết một phần của vấn đề. Bằng cách áp dụng khung lý thuyết của Schweisfurth (2013) về bốn khía cạnh liên kết với nhau của phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, cụ thể là kỹ thuật, phương pháp và kỹ năng của giáo viên, mối quan hệ trong lớp học, động cơ học tập và xây dựng kiến thức, bài viết chỉ ra thực trạng và đề xuất các lĩnh vực cụ thể đang gặp thách thức đối với việc triển khai Chương trình Cải cách Giáo dục Cơ bản và Toàn diện năm 2013.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Ho, L., & Dimmock, C. (2023). Changing teachers’ beliefs and practices towards learner-centred education: experiences and lessons from Vietnam’s education system reforms. Practice, 1–20. https://doi.org/10.1080/25783858.2023.2177191

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.