Chính sách chuyển giao tri thức và dịch vụ
Mặc dù các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thường bị đánh giá là khó có cơ hội chuyển giao tri thức, tuy nhiên, dữ liệu từ 44 cơ sở giáo dục đại học công lập cho thấy trong giai đoạn từ 2015-2017, nguồn thu từ chuyển giao tri thức chiếm 7% tổng nguồn thu hàng năm (Nguyễn Thùy Linh, 2020). Điều đó cho thấy các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể thu hút nguồn thu từ chuyển giao tri thức, dịch vụ là hoàn toàn khả dĩ. Trên thực tế, các hợp đồng tư vấn chuyển giao tri thức vẫn được các giảng viên đại học thực hiện dưới hình thức thuê khoán cá nhân hoặc thông qua doanh nghiệp tư nhân (của giảng viên). Do đó có thể thấy, không phải các cơ sở giáo dục đại học không có khả năng chuyển giao tri thức mà nguyên nhân có thể đến từ việc cơ chế thực hiện chưa hợp lý nên chưa hấp dẫn các nhà khoa học thực hiện chuyển giao tri thức thông qua nhà trường.
Cơ chế hợp tác công tư là cơ chế chuyển giao tri thức đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam gần đây. Một số chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao tri thức đã được triển khai trong những năm qua như Luật bản quyền, việc cho phép cơ sở GDĐH công lập thành lập công ty cổ phần … Một chính sách khác có thể được thực thi là việc khuyến khích khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên ngay trong lòng cơ sở GDĐH. Hơn thế nữa, việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH trong việc sử dụng nguồn thu và bố trí nhân sự cũng là một giải pháp giúp đa dạng hóa nguồn thu thông qua chuyển giao tri thức. Điểm cuối cần lưu ý trong giải pháp này, nhân tố “ngành” có tác động tích cực tới việc tăng cường nguồn thu KH&CN ngoài NSNN. Điều này dẫn tới đề xuất là những trường ĐH công lập có thể phát triển theo hướng đa ngành để thuận lợi hơn trong việc thu hút những nguồn thu này. Hoặc những trường hiện tại đang đào tạo đa ngành cần lưu ý hơn tới yếu tố này để tăng thu một cách hiệu quả đối với những nguồn tài chính phù hợp.
Để tăng cường kết quả của hợp tác công tư, nhà nước có thể cân nhắc một số giải pháp sau:
- Ưu đãi thuế cho các hoạt động hợp tác công tư trong GDĐH;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lãnh đạo và cán bộ quản lý GDĐH về nội dung hợp tác công tư.
- Tập trung vào cụ thể một số nội dung của hợp tác công tư (ví dụ: hợp tác công tư về xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở GDĐH như khu tập thể thao, khu dịch vụ căng tin trong khuôn viên trường ĐH, hoặc hợp tác công tư về hướng nghiệp cho sinh viên …).
Song song với đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động kinh doanh của các trường ĐH công lập như những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê nhằm khai thác tối đa hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực sẵn có của các trường ĐH công lập. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN trong các trường ĐH công lập để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, nhằm kiểm chứng, đánh giá được giá trị thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, nhà giáo; Chuyển giao công nghệ mà vẫn đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà trường và cá nhân nhà khoa học v.v. Xây dựng các quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh tài chính, sở hữu các tài sản tài chính của các trường ĐH công lập để chính thức hóa các hoạt động này trong cơ chế tự chủ hiện nay.
Chính sách về hoạt động hiến tặng
Đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, hiến tặng vẫn được xem là một nguồn thu ổn định. Khung pháp lý ở Việt Nam cho hoạt động này hiện nay vẫn chưa hoàn thiện trong đó quan trọng nhất là các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân và thuế của doanh nghiệp hiến tặng. Phải đến Luật Giáo dục đại học năm 2018, các khoản hiến tặng mới được xác định là thu nhập không chịu thuế (Quốc Hội, 2018). Thêm vào đó, Việt Nam chưa có văn hóa hoặc truyền thống hiến tặng, tuy nhiên các chính sách từ nhà nước có thể đẩy mạnh và tạo văn hóa hiến tặng trong giáo dục. Đối với các cơ sở GDĐH nhà nước có thể có những quy định cụ thể liên quan đến việc tổ chức và quản lý hoạt động vận động hiến tặng của các cơ sở giáo dục đại học (ví dụ có chỉ số liên quan tỷ lệ nguồn thu từ hiến tặng trên tổng nguồn thu của toàn trường). Bên cạnh đó, việc thống kê định kỳ kết quả hoạt động hiến tặng và công khai minh bạch kết quả này cũng sẽ tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tập trung vào hoạt động này (Nguyen et al., 2021).
Hơn thế nữa, nhà nước có thể đưa kết quả của hoạt động hiến tặng làm căn cứ để cấp kinh phí nhà nước. Đây là mô hình kiểu như quỹ matching fund (quỹ đồng chi trả) đã được nhiều nơi áp dụng, nghĩa là một khi cơ sở giáo dục đại học thu hút được A đồng từ hoạt động hiến tặng thì nhà nước cũng sẽ đối ứng B đồng. Với cách này, nhà trường có thể thu hút được A+B đồng từ cả nguồn hiến tặng và nguồn đầu tư từ chính phủ.
Cuối cùng, để khuyến khích xã hội (doanh nghiệp, người dân) hiến tặng nhiều hơn cho các trường đại học, khoản tiền hiến tặng cần tiếp tục không được tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân; bên cạnh đó, các thủ tục hành chính nhằm công nhận khoản tiền hiến tặng này cần được thực hiện nhanh và hiệu quả đảm bảo sự thuận tiện nhất cho những doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học.
Phạm Oanh
Tài liệu tham khảo
Nguyen, T. L., Nguyen, V. D., Nguyen, M. H., & Pham, H. H. (2021). Increasing Financial Resources for Public Higher Education: International Experiences and Suggestions for Vietnam. VNU Journal of Science: Education Research, 37(2).
Nguyễn Thùy Linh. (2020). LATS Tăng cường các nguồn lực tài chính cho phát triển các trường đại học công lập ở Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quốc Hội. (2018). Luật Giáo dục đại học sửa đổi. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-sua-doi-388254.aspx
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.