Những cải cách kinh tế được đưa ra vào năm 1986, trong đó trọng tâm là các chính sách điều hành kinh tế theo định hướng thị trường, đã dẫn đến nhu cầu về lao động có trình độ cao trong thị trường lao động Việt Nam. Điều này thúc đẩy sự phát triển nhanh của giáo dục đại học ở Việt Nam từ đó đến nay. Việt Nam hiện là quốc gia có tỉ lệ người dân biết chữ ở mức cao: năm 2015, 94,5% người dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên biết đọc và biết viết. Việt Nam cũng là nước có mức chi tiêu công cho giao dục cao nhất trong toàn khối ASEAN. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tỉ lệ thu nhập của người dân có được nhờ giáo dục trong khoảng thời gian từ 1993 đến 2008 ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008 – 2010, con số này có dấu hiệu suy giảm, cho thấy khả năng lao động có trình độ đã bước vào trạng thái bão hoà và dư thừa. Ngoài ra, sự phát triển trong cấu trúc lao động của Việt Nam, có được nhờ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đòi hỏi cần có những nghiên cứu cập nhật hơn về lợi ích của giáo dục đối với nền kinh tế. Trong đó, mức thu nhập có được từ giáo dục được xem là một chỉ báo quan trọng, bởi nó không chỉ cho thấy năng suất của hệ thống giáo dục, mà còn là gợi ý cho các chiến lược đầu tư cho giáo dục trong tương lai.
Mặc dù có khá nhiều nghiên cứu về thu nhập có được qua giáo dục của người dân Việt Nam, nhưng các nghiên cứu này vẫn phần nào còn các khía cạnh hạn chế. Đa số tác giả dựa vào số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam, một bộ dữ liệu về dân cư và hộ gia đình ở Việt Nam. Nghiên cứu này bổ sung một góc nhìn khác, từ số liệu của Ban Kinh tế Xã hội Việt Nam – Thái Lan, trong đó có các số liệu chi tiết về các tỉnh thành nông thôn của Việt Nam. Do khu vực nông thôn có nhiều tiềm năng kinh tế, nhóm nghiên cứu lựa chọn bộ dữ liệu về khu vực này cho nghiên cứu của mình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc có bằng trung học cơ sở có mối tương quan dương với mức thu nhập cao hơn. Đồng thời, sự khác biệt về mức thu nhập có được nhờ giáo dục có sự khác biệt đa dạng giữa các nhóm giới tính và dân tộc. Đặc biệt, nam giới chỉ cần bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đã có thể có mức thu nhập cao trong thị trường lao động; song phụ nữ cần bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để đạt được điều này.Tương tự, mối quan hệ giữa việc có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên với mức thu nhập cũng tồn tại ở đại đa số người dân tộc Kinh; tuy nhiên, các nhóm dân tộc thiểu số không được hưởng những lợi ích tương đương từ giáo dục. Nhìn chung, lợi ích có được từ giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với lực lượng lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào đặc điểm này để hỗ trợ các nhóm nhân khẩu có liên quan.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Tran, D. B. (2023). Returns to education revisited: Evidence from rural Vietnam. Cogent Education, 10(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2023.2184019
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm
của Tạp chí Giáo dục.