Trong quá trình học tập môn Toán, ngôn ngữ toán học có vai trò quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Toán học và ngôn ngữ có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, bài viết của tác giả Mary J Schleppegrell tổng hợp các ý kiến của các nhà ngôn ngữ học ứng dụng và các nhà giáo dục toán học nhằm nêu bật những thách thức ngôn ngữ trong toán học và đề xuất các phương pháp giảng dạy để giúp người học trong quá trình học tập môn toán.
Những thách thức về ngôn ngữ bao gồm sự hình thành đa kí hiệu của toán học, các cụm danh từ dày đặc của nó tham gia vào các quá trình quan hệ, và ý nghĩa chính xác của các liên từ và các mối quan hệ logic tiềm ẩn liên kết các yếu tố trong diễn ngôn toán học. Nghiên cứu về thực hành sư phạm hỗ trợ học sinh phát triển kiến thức toán học thông qua việc chú ý đến cách ngôn ngữ được sử dụng, gợi ý các chiến lược để chuyển học sinh từ cách nói chuyện hàng ngày, không chính thức về toán học sang cách viết diễn giải các ý nghĩa học thuật và chính xác hơn.
Kết luận nghiên cứu đã thừa nhận sự vai trò của ngôn ngữ trong dạy và học toán, đồng thời phủ nhận quan điểm cho rằng toán học là môn học ít phụ thuộc vào ngôn ngữ nhất. Ví dụ, Abedi và Lord (2001) đã phát hiện ra rằng người học tiếng Anh đạt điểm thấp hơn những người thông thạo tiếng Anh trong những bài kiểm tra toán học tiêu chuẩn. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào ngôn ngữ của toán học. Trong một báo cáo về giảng dạy đại số cho người học tiếng Anh ở California, tác giả Lager (2004) chỉ ra có ít hơn 23% người học tiếng Anh còn với người thông thạo tiếng Anh là gần 50% là vượt qua bài kiểm tra. Tác giả cũng lưu ý rằng toán học càng nâng cao thì càng phụ thuộc vào ngôn ngữ.
Ngay cả những người nói tiếng Anh thành thạo cũng phải đối mặt với những thách thức của ngôn ngữ toán học. Abedi & Lord (2001, tr 219) cũng phát hiện ra rằng “trên toàn quốc, học sinh thực hiện các bài toán đố số học kém hơn từ 10% đến 30% so với các bài toán so sánh được trình bày ở định dạng số”. Ngôn ngữ liên quan đến việc dạy và học toán nhiều hơn những gì người ta nghĩ. Tương tác trong lớp học và các hoạt động sử dụng ngôn ngữ để tạo nghĩa có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh tiếp cận với kiến thức toán học (Veel, 1999).
Abedi & Lord (2001) đã tiến hành nghiên cứu phân tích tác động của việc sửa đổi các đặc điểm ngôn ngữ của các yêu cầu toán học để cố gắng làm cho những người học đang gặp khó khăn trong toán học có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Nhóm hai tác giả đã thay đổi các bài toán được công bố từ Cuộc Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia (NAEP) 1992 theo nhiều cách, rút gọn các biểu thức danh nghĩa, làm cho các mối quan hệ có điều kiện rõ ràng hơn, thay đổi các cụm từ câu hỏi phức tạp thành các từ câu hỏi đơn giản và thể bị động thành thể chủ động, đồng thời thay thế các từ vựng phi toán học ít quen thuộc hoặc thường gặp hơn bằng các thuật ngữ phổ biến hơn. Sau đó, các tác giả tiến hành phỏng vấn những học sinh lớp 8 đã giải cả dạng đề gốc và dạng đề đã sửa đổi, hầu hết các học sinh đều chọn dạng đề đã sửa đổi và thực hiện tốt hơn với so với dạng đề gốc.
Một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng cách diễn đạt các bài toán có ảnh hưởng lớn đến khả năng hiểu và giải toán của học sinh (Staub & Reusser, 1995). Nhưng điều quan trọng phải nhấn mạnh rằng học sinh cần học cách ứng phó với ngôn ngữ toán học. Nếu các khái niệm toán học chuyển từ ngôn ngữ giao tiếp thông thường sang ngôn ngữ toán học mà không được giới thiệu hay giải thích cụ thể thì việc học tập môn toán của học sinh sẽ bị ảnh hưởng vì không hiểu trọn vẹn được các khái niệm toán học. Ví dụ, qua nghiên cứu, Raiker (2002) nhận thấy rằng học sinh từ lớp 2 đến lớp 4 gặp khó khăn trong việc học toán nếu ý nghĩa khái niệm của các thuật ngữ toán học như phép chia, phép nhân không được đề cập cụ thể.
Tất nhiên, những thách thức của toán học vượt ra ngoài các vấn đề về ngôn ngữ, nhưng thách thức về ngôn ngữ cần được giải quyết để học sinh có thể xây đắp kiến thức toán học vững vàng. Vì vậy, giáo viên hỗ trợ sự phát triển của ký hiệu toán học đa ký hiệu thông qua ngôn ngữ toán học. Khuyến khích học sinh tạo ra các bài thuyết trình trong các lớp học toán học, tham gia thảo luận về ngôn ngữ mà qua đó các bài toán đố được xây dựng và thực hành viết các khái niệm toán học theo những cách chính xác. Tóm lại, giáo viên cần nhận thức được các vấn đề ngôn ngữ trong học tập và giảng dạy toán học, phát triển các phương tiện giao tiếp cho phép giáo viên tương tác hiệu quả với học sinh trong việc xây dựng kiến thức toán học. Có thể nói, nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học ứng dụng và các nhà giáo dục toán học khám phá ra những thách thức ngôn ngữ của việc học toán cũng như sự phức tạp đa ký hiệu của nó nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho những giáo viên muốn cải thiện chất lượng dạy và học toán.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn:
Mary J Schleppegrell (2007). The Linguistic Challenges of Mathematics Teaching and Learning: A Research Review. Reading and Writing Quarterly, 23(2), 139-159. https://doi.org/10.1080/10573560601158461
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.