Hai năm sau đại dịch Covid-19, số lượng nghiên cứu tìm hiểu về quá trình học tập của trẻ em trong độ tuổi đi học trong thời kì dịch bệnh liên tục gia tăng. Đây là một trong những công trình đầu tiên tổng hợp các nghiên cứu về chủ đề này và đưa ra những đánh giá toàn diện, có hệ thống, trên cơ sở cân nhắc các đặc trưng về địa lý và điều kiện học tập của học sinh.
Phân tích tổng hợp của các tác giả cho thấy quá trình học tập đã chậm lại đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Kích cỡ tác động tổng hợp là d = –0,14, đồng nghĩa với việc học sinh đã mất khoảng 35% thời lượng và giá trị học tập của một năm học tiêu chuẩn. Điều này khẳng định những lo ngại rằng sẽ có sự thiếu hụt về học tập diễn ra trong đại dịch. Tuy nhiên, kết quả thống kê cũng chỉ ra rằng những lo ngại này đã không hoàn toàn hiện thực hoá. Thực tế, sự suy giảm chất lượng học tập xảy ra ở thời kì đầu của đại dịch và trong khoảng thời gian sau đó, hiện tượng này đã không mở rộng hay thu hẹp đáng kể.
Đa số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự suy giảm trong việc học tập xảy ra nhiều nhất với trẻ em có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khan. Điều này xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau của đại dịch, tại nhiều quốc gia, cấp học và môn học, và không có tương quan với các cách thức đo lường bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau. Điều này cho thấy đại dịch đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giáo dục giữa trẻ em có các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, vốn đã diễn ra từ trước khi có Covid-19. Các sáng kiến chính sách nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt trong học tập cần ưu tiên hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp để giúp các em khôi phục kiến thức đã mất trong đại dịch.
Cần có thêm các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình trạng bất bình đẳng giới tính trong giáo dục. Hiện tại vẫn còn rất ít công trình đề cập đến chủ đề này. Đại đa số các nghiên cứu được tổng hợp không làm rõ thực trạng thiếu hụt trong giáo dục riêng biệt theo yếu tố giới tính.
So sánh các kết quả nghiên cứu theo từng môn học, nhóm tác giả nhận thấy tình trạng suy giảm chất lượng giáo dục xảy ra ở môn Toán nhiều hơn so với đọc hiểu. Điều này có thể là do phụ huynh và học sinh có thể bù đắp kiến thức ở trường của môn đọc hiểu tốt hơn thông qua việc đọc sách ở nhà. Theo đó, các sáng kiến chính sách cần ưu tiên bù đắp cho những thiếu sót trong học tập môn toán và các môn khoa học khác.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Betthäuser, B. A., Bach-Mortensen, A. M., & Engzell, P. (2023). A systematic review and meta-analysis of the evidence on learning during the COVID-19 pandemic. Nature Human Behaviour, 1–11. https://doi.org/10.1038/s41562-022-01506-4
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.