Lo âu và trầm cảm ở sinh viên đại học: Yếu tố ảnh hưởng và giải pháp

Báo cáo mới nhất chỉ ra rằng trầm cảm và lo âu là những lý do hàng đầu khiến sinh viên đại học tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý, do đó, nhà nghiên cứu David Rosenberg liệt kê các yếu tố ảnh hưởng đằng sau vấn đề này.

Nhiều người nghĩ về đại học như một khoảng thời gian kỳ diệu của những trải nghiệm mới, tự do để khám phá những ý tưởng mới và tìm thấy con người thật của mình.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trầm cảm và lo âu đã ảnh hưởng đến sinh viên đại học ở mức báo động. Những lưu ý trong báo của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Đại học (Center for Collegiate Mental Health) chỉ ra rằng lo âu và trầm cảm là những lý do hàng đầu khiến sinh viên tìm đến tư vấn tâm lý.

Báo cáo cho biết cứ 5 sinh viên thì có một 1 người bị ảnh hưởng bởi chứng lo âu và trầm cảm.

Vậy tại sao những rối loạn này lại phổ biến ở sinh viên? Là một giáo sư Tâm thần học và bác sĩ có kinh nghiệm về các vấn đề sức khỏe tâm lý của sinh viên, David Rosenberg chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng.

Sự nguy hiểm của công nghệ

Phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ là yếu tố nguy hiểm nhất trong số những yếu tố chỉ ra. Việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ có xu hướng gây ra các tương tác xã hội kém và gia tăng cảm giác bị cô lập.

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức cũng thúc đẩy sự cạnh tranh nhất định giữa cuộc sống thực và cuộc sống ảo ở một người. Đó là, một cuộc chiến giằng co giữa việc mải mê đăng trải nghiệm lên mạng xã hội, gửi tin nhắn và chụp ảnh tự sướng thay vì tận hưởng khoảnh khắc xứng đáng.

Đa số sinh viên đều đang sống thực và sống ảo, cuộc sống ảo trên mạng xã hội đang cạnh tranh và đôi khi trở nên quan trọng hơn cuộc sống thực. Nhận định này không chỉ là kết quả của những quan sát từ David Rosenberg mà nó còn được ghi nhận trong những nghiên cứu tâm lý khác.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nghiện điện thoại di động, cũng như sử dụng điện thoại thông minh quá mức, có liên quan đến việc gia tăng rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và căng thẳng nói chung.

Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra gần 50% sinh viên đại học cho biết họ thức dậy vào ban đêm để trả lời tin nhắn văn bản. Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng càng nhiều người sử dụng công nghệ trong giờ ngủ thì chất lượng giấc ngủ của họ càng kém và tỷ lệ trầm cảm và lo lắng càng cao.

Di truyền và sử dụng thuốc lá

Tỷ lệ trầm cảm trong xã hội đang tăng đáng kể trong 20 năm qua. Điều này có nghĩa là tỷ lệ trầm cảm ở cha mẹ sinh viên cũng sẽ cao. Trầm cảm có yếu tố di truyền nên nguy cơ của con cái có cha mẹ mắc trầm cảm cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Tương tự, sinh viên có tiền sử rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao hơn nhiều. Người ta ước tính rằng từ 2 – 8% sinh viên đại học phải vật lộn với các triệu chứng của chứng rối loạn này.

Một yếu tố khác, đó là sinh viên sử dụng thuốc lá. Hút thuốc lá liên quan đến nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn ở sinh viên, tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu. May mắn thay, tỷ lệ hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng giảm xuống còn khoảng 16% sinh viên đại học vào năm 2016.

Các yếu tố gây căng thẳng khác

Với nhiều người, đi học đại học có thể là điều thú vị nhưng với một nhóm sinh viên, việc thay đổi môi trường mới trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với nỗi nhớ nhà sâu sắc và sự lo sợ chia ly. Những sinh viên này có nguy cơ rất cao bị trầm cảm và lo âu.

Những căng thẳng về tài chính do chi phí học đại học ngày càng tăng, bao gồm nỗi sợ nợ nần và sợ thất nghiệp, phải chuyển về sống với bố mẹ sau khi tốt nghiệp, có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu ở sinh viên.

Trong quá khứ, con cái sẽ vượt qua cha mẹ chúng là điều hiển nhiên. Bây giờ không phải như vậy. Nhiều sinh viên tin rằng họ sẽ không thể đạt được nhiều thành tích như cha mẹ họ đã làm. Sinh viên có một cảm giác thất vọng và rằng không còn công việc “tốt” nào nữa.

Phụ huynh cũng tham gia nhiều hơn vào việc học đại học và vấn đề việc làm sau này của con cái. Không có gì lạ khi cha mẹ gọi cho cố vấn học tập, sếp và người quản lý công việc để “hỏi thăm” tình hình con cái. Đó là hành động hoàn toàn vượt qua giới hạn. Bây giờ, đây là chuyện bình thường.

Sự tham gia quá mức của cha mẹ như vậy có thể thúc đẩy sự phụ thuộc, lo âu và trầm cảm, đồng thời cản trở sự sáng tạo ở mỗi sinh viên. Tác giả không có ý đổ lỗi cho các bậc cha mẹ quan tâm và mong muốn những điều tốt nhất cho con cái. Tuy nhiên, đôi khi thất bại hoặc đạt điểm kém trong bài kiểm tra có thể truyền tới sinh viên động lực cố gắng sau những thất bại.

Vậy phải làm gì để giảm bớt lo âu và trầm cảm ở sinh viên?

Trợ giúp, đường dây nóng và hy vọng

Những vấn đề khó khăn không phải lúc nào cũng có thể giải quyết bằng những giải pháp đơn giản và dễ dàng. Có thẻ bảo hiểm, đường dây trợ giúp 24 giờ và đường dây nóng có thể mang lại cảm giác an toàn cùng niềm tin rằng luôn có dịch vụ chăm sóc tuyệt vời. Tuy nhiên, một nghiên cứu xem xét việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở sinh viên đã phát hiện ra rằng ngay cả khi dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần được cung cấp, hầu hết sinh viên mắc chứng rối loạn tâm thần và cảm xúc đều không được điều trị.

Vì vậy, David Rosenberg khuyến nghị một giải pháp chủ động tiết kiệm chi phí và có thể hiệu quả, nhưng chỉ khi có sự đồng tình ở mọi cấp độ trường đại học và xã hội cụ thể.

Và trớ trêu thay, trong khi công nghệ có thể là nguồn gốc của sự lo âu và trầm cảm, thì công nghệ cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm. Nghĩa là, máy tính, iPad và điện thoại thông minh có thể được sử dụng để đưa chuyên gia sức khỏe tâm thần đến cho sinh viên ở bất cứ đâu, dù là trong phòng ký túc xá hay ngoài khuôn viên trường đại học.

Điều quan trọng là sớm nhận ra những người có nguy cơ cao nhất và những người dễ bị tổn thương nhất. Đào tạo các nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm lý là rất quan trọng. Đây không phải là việc có thể thực hiện đơn lẻ mà dưới sự hướng dẫn, giám sát và đào tạo của các bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhân viên xã hội có kinh nghiệm.

Trên hết, sinh viên và phụ huynh cần nhận thức rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên rất quan trọng. Các trường đại học nên cho phụ huynh và sinh viên biết sẽ có những người được đào tạo và có trình độ có thể giúp đỡ sinh viên gặp rủi ro một cách kín đáo và bảo mật.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

David Rosenberg (2018). 1 in 5 college students have anxiety or depression. Heres why. The Conversation.

https://theconversation.com/1-in-5-college-students-have-anxiety-or-depression-heres-why-90440

Bạn đang đọc bài viết Lo âu và trầm cảm ở sinh viên đại học: Yếu tố ảnh hưởng và giải pháp tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn