Bài viết trước đã trình bày các nghiên cứu trên thế giới để nâng cao nguồn lực tài chính ở các trường đại học công lập. Theo đó, có 4 cơ chế để tăng cường nguồn lực tài chính: cơ chế cạnh tranh, cơ chế đàm phán, cơ chế căn cứ theo kết quả và cơ chế không căn cứ theo kết quả. Theo đó, Linh et al. (2021) đã gợi ý những hình thức cụ thể nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho các tường đai học.
Nhóm 1: Cơ chế đàm phán, không căn cứ theo kết quả
Phương thức cấp ngân sách căn cứ vào dữ liệu lịch sử (historical based funding) là một cách tương đối đơn giản để cấp ngân sách. Trong đó, cơ quan chịu trách nhiệm cấp ngân sách sẽ dựa trên số liệu ngân sách của các năm/chu kỳ trước để đưa ra hạn mức ngân sách của chu kỳ/năm mới. Việc điều chỉnh giữa các chu kỳ cấp ngân sách có thể được thực hiện, ví dụ như tăng lượng ngân sách theo mức độ lạm phát của nền kinh tế trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, phương thức này chỉ phù hợp với các hệ thống giáo dục đại học ổn định hoặc trong trường hợp nhà nước muốn giữ ổn định trong hệ thống ngân sách quốc gia mà không tạo ra quá nhiều xáo trộn..
Cấp ngân sách nhà nước căn cứ theo công thức đầu vào (input-based formula): là một hình thức cấp ngân sách thường xuyên (recurrent). Điều này nghĩa là nhà nước đảm bảo việc cấp ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học định kỳ (có thể theo chu kỳ một năm hoặc một vài năm). Ngân sách được cấp căn cứ theo “công thức đầu vào”, tương ứng với từng chức năng của cơ sở giáo dục đại học, ví dụ như: tổng số sinh viên, tổng số giảng viên/cán bộ.
Cấp ngân sách nhà nước theo mục đích cụ thể, hay còn gọi là earmarked funding, là một hình thức cấp ngân sách cho các hoạt động hoặc nội dung đặc biệt, bên cạnh các nội dung thông thường. Tuy nhiên, hình thức này không được sử dụng thường xuyên và thường được áp dụng trong các tình huống khẩn cấp, ví dụ như trong trường hợp thiên tai hoặc dịch bệnh, hoặc nhằm đáp ứng mục tiêu đặc biệt như đầu tư cho một cơ sở giáo dục đại học trong một khoảng thời gian nhất định để xây dựng hoặc triển khai một nội dung mới.
Nhóm 2: Cơ chế đàm phán, căn cứ theo kết quả
Phương thức cấp ngân sách nhà nước căn cứ theo công thức đầu ra (performance-based formula funding) là một phương thức tương tự phương thức cấp ngân sách theo đầu vào. Nó dựa vào một công thức tính toán để đưa ra mức đầu tư cho nhà trường, thường được áp dụng với các tiêu chí như số lượng/tỷ lệ tốt nghiệp (các cấp) đúng hạn, số lượng/tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và số lượng/chất lượng bài báo khoa học được công bố. Phương thức này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Trong khi đó, phương thức cấp ngân sách nhà nước theo hợp đồng chất lượng là phương thức theo đó Chính phủ và các trường đại học có một thỏa thuận về đạt được các mục tiêu như yêu cầu chung. Hiện nay, Ma Rốc và Tunisia là hai nước đã áp dụng phương thức này.
Nhóm 3: Cơ chế cạnh tranh, không căn cứ theo kết quả.
Học bổng căn cứ vào nhu cầu sinh viên: Học bổng căn cứ vào nhu cầu của sinh viên (needed-based scholarship) là một hình thức cấp học bổng dành cho sinh viên dựa trên khả năng thanh toán của họ. Điều này có nghĩa là sinh viên đến từ gia đình nghèo hoặc đang đối mặt với khó khăn sẽ có cơ hội để xin học bổng này nhằm giúp đỡ chi phí học tập hoặc sinh hoạt.
Kiểm soát mức học phí của trường: Cùng với việc mở rộng giáo dục đại học, không phải tất cả các chính phủ đều có khả năng chi trả toàn bộ chi phí cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học công như trước đây. Do đó, một số quốc gia đã áp dụng chính sách thu phí từ học sinh để đóng góp vào chi phí đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vẫn duy trì một mức trần học phí nhằm đảm bảo tính khả dụng của giáo dục đại học và đảm bảo tính bao phủ của chính sách đối với các sinh viên. Mức phí được đặt theo từng ngành học.
Tín dụng sinh viên là một biện pháp nhằm hỗ trợ cho sinh viên trong việc trang trải chi phí học tập, bao gồm cả chi phí ăn ở. Chính sách này được áp dụng song song với chính sách học phí, nhằm đảm bảo rằng người nghèo cũng có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. Trong một số trường hợp, khi sinh viên vay tín dụng với mức lãi suất ưu đãi, chênh lệch giữa lạm phát và mức lãi suất của chương trình tín dụng cũng có thể được coi là nguồn tài trợ của Chính phủ cho sinh viên.
Nhóm 4: Cơ chế cạnh tranh, căn cứ theo kết quả
Học bổng dành cho sinh viên ưu tú: Học bổng dành cho sinh viên ưu tú (merit-based scholarship) là một hình thức cấp học bổng cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội và năng lực xuất sắc (Cornwell & Mustard, 2007). Chỉ một số lượng nhỏ sinh viên được nhận học bổng này do yêu cầu về khả năng và thành tích học tập cao. Học bổng này có thể đủ để đóng học phí hoặc/và sinh hoạt phí của sinh viên, tương tự như học bổng theo nhu cầu. Cấp học bổng có thể được cấp từ đầu khóa học cho toàn bộ chương trình đào tạo hoặc cấp theo từng năm.
Hợp tác công tư là một cơ chế được áp dụng ở nhiều quốc gia nhằm hỗ trợ tài chính cho giáo dục đại học và giáo dục nói chung. Theo Tilak (2016), đây là một mối quan hệ dựa trên hợp đồng giữa chính phủ và khu vực tư nhân cho một dự án cụ thể, trong đó hai bên đều tham gia đồng thời và cùng chia sẻ chi phí, lợi ích và rủi ro. Mỗi bên có trách nhiệm và vai trò rõ ràng trong việc triển khai dự án chung. Dự án hợp tác công tư thường bao gồm các hoạt động như cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ của bên tư nhân, có thể bao gồm thiết kế, cung cấp tài chính, xây dựng và triển khai. Bên nhà nước có thể đóng góp tài chính ban đầu hoặc chi trả hàng năm.
Hiện nay, việc tăng cường nguồn lực tài chính là một yêu cầu cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách và các cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo không chỉ nguồn thu để duy trì chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn đảm bảo hiệu quả của ngân sách nhà nước. Các cơ chế và biện pháp cần được nghiên cứu sâu vào rộng hơn để cải thiện nguồn lực và mức độ bền vững tài chính của các trường đại học.
Nguyễn Hương, Trịnh Minh Thông
Tài liệu tham khảo
Linh, N. T., Dinh, N. V., Huong, N. M., & Hiep, P. H. (2021). Increasing Financial Resources for Public Higher Education: International Experiences and Suggestions for Vietnam. VNU Journal of Science: Education Research, 37(2). https://doi.org/10.25073/2588-1159/vnuer.4506
Cornwell, D. B. Mustard, Merit-based College Scholarships and Car Sales, Educ, Financ, Policy, Vol. 2, No. 2, 2007, pp. 133-151, https://doi.org/10.1162/edfp.2007.2.2.133
Tilak, Public-private Partnership in Education, New Delhi, 2016, https://www.headfoundation.org/papers/2016_3)_Pu blic_Private_Partnership_in_Education.pdf
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.