Một nghiên cứu về sự thay đổi của sách giáo khoa trong Kỷ nguyên số

Nghiên cứu của tác giả Miha Kovac và Alenka Kepic Mohar với đề tài “The changing role of textbooks in primary education in the digital era: what can we learn from reading research?” được công bố trên tạp chí “Center for Educational Policy Studies Journal” (2022). Bài báo này trình bày về cách sách giáo khoa thay đổi như thế nào để phù hợp với sự thay đổi giá trị trong các xã hội và các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh Kỷ nguyên số.

Sách giáo khoa là công cụ giảng dạy sơ cấp từ thế kỷ 19. Về bản chất, sách giáo khoa là tập hợp nội dung toàn diện của một chủ đề cụ thể với mục đích giải thích chủ đề đó; ngược lại, các kiến thức được biên soạn thường được sàng lọc để phù hợp với kì vọng của xã hội. Cụ thể, đó là đáp ứng được kiến thức cơ bản về môi trường tự nhiên và xã hội. Đã có rất nhiều nghiên cứu về nội dung của sách giáo khoa thay đổi như thế nào để phù hợp với sự thay đổi của các giá trị trong các xã hội khác nhau và qua các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, lại có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về cách các nền tảng đọc và thiết kế sách giáo khoa đã thay đổi và những thay đổi đó có ảnh hưởng như thế nào đến việc đọc và hiểu. Mãi tới cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 mới xuất hiện các nghiên cứu kiểm tra một cách có hệ thống tác động của các nền tảng đọc khác nhau và cách thiết kế sách giáo khoa đối với quá trình đọc và hiểu.

Vì vậy, bằng cách xem xét các nghiên cứu trước và kết quả PISA 2021, nhóm tác giả Miha Kovac và Alenka Kepic Mohar đã đưa ra 5 kết luận cho nghiên cứu về sách giáo khoa trong tương lai.

Đầu tiên, trong thời kỳ tiền kỹ thuật số, những thay đổi trong thiết kế các công cụ học tập không được đánh giá một cách có hệ thống từ góc độ đọc, hiểu (hiểu là một quá trình tích cực và phức tạp: bao gồm hành động đồng thời trích xuất và xây dựng ý nghĩa từ văn bản) và được coi là kết quả tự nhiên của sự phát triển công nghệ.

Thứ hai, khi đọc các văn bản thông tin dài, bản in truyền thống dường như là phương tiện đọc tốt hơn bản sách giáo khoa được số hóa. Vì phát hiện này đã được xác nhận trong ba nghiên cứu tổng hợp từ vài trăm nghiên cứu khác, nên nhóm tác giả coi sự khác biệt giữa cách đọc bản in và bản số hóa là một sự thật đã được chứng minh.

Thứ ba, khi đọc nội dung từ màn hình điện tử, loại thiết bị sử dụng để đọc là rất quan trọng. Các thiết bị đọc chuyên dụng có khả năng giúp người dùng lĩnh hội tri thức tốt hơn so với điện thoại thông minh và máy tính bảng. Tuy nhiên, khi thông tin về thời gian và không gian quan trọng, bằng chứng thực tế cho thấy rằng bản in vẫn vượt trội so với tất cả các sách giáo khoa được số hóa trên các thiết bị điện tử.

Thứ tư, như một nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra, ít nhất là trong tài liệu đọc cho trẻ ở bậc Tiểu học, sự kém cỏi của các thiết bị đọc điện tử được bù đắp bằng hình ảnh và âm thanh hỗ trợ thuyết minh cho văn bản. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể gây phân tán nội dung văn bản chính thì nhược điểm của thiết bị đọc điện tử  sẽ tăng lên. Các nghiên cứu về các công cụ học tập đa phương tiện cũng đưa ra kết luận tương tự. Kết quả PISA 2021 chỉ ra rằng bên cạnh các công cụ học tập kỹ thuật số được thiết kế phù hợp, việc đọc văn bản truyền thống dạng dài góp phần đáng kể vào hiệu suất đọc và vào tư duy phản biện (OECD, 2021). Từ quan điểm này, việc kết hợp các công cụ học tập kỹ thuật số và in ấn được thiết kế mạch lạc có thể là giải pháp tối ưu.

Cuối cùng, âm thanh trong hệ thống nghe nhìn (audio) dường như là một định dạng kém hơn so với các công cụ học tập bằng văn bản. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy việc kết hợp với phương tiện văn bản có thể hữu ích cho những người đang gặp khó khăn trong việc đọc. Điều này chỉ ra rằng sẽ cần có sự kết hợp giữa thử nghiệm và đánh giá để tìm ra vị trí thích hợp cho âm thanh trong số các công cụ học tập.

Tóm lại, những kết luận trong nghiên cứu của hai tác giả Miha Kovac và Alenka Kepic Mohar chỉ ra rằng đối với một số kiểu đọc thiết bị đọc điện tử kém hơn so với văn bản in, trong khi tính tương tác và thiết kế động (dynamic design) không phải là giá trị tự nó. Sách giáo khoa cần thiết kế mạch lạc để cải thiện hiệu suất đọc và kỹ năng tư duy ở cấp độ cao hơn.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Miha Kovac, Alenka Kepic Mohar (2022). The Changing Role of Textbooks in Primary Education in the Digital Era: What Can We Learn from Reading Research? CEPS Journal 12 (2022) 2, S. 11-27 https://doi.org/10.26529/cepsj.1290

 Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

 

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về sự thay đổi của sách giáo khoa trong Kỷ nguyên số tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19