Trách nhiệm giải trình tại các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam

Cùng với sự mở rộng của quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình hoạt động. Trong những năm vừa qua, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam đã có những sự thay đổi mạnh mẽ.

Trách nhiệm giải trình được định nghĩa là “nghĩa vụ đạo đức và quản trị nhằm báo cáo về hoạt động và kết quả, giải thích về mức độ hoàn thành, và chịu trách nhiệm về các kỳ vọng không đạt được” (Salmi, 2009, p. 3) trên cơ sở tiếp cận theo chi phí-hiệu quả. Theo quan điểm truyền thống, các trường đại học phải có trách nhiệm giải trình với Chính phủ - nhà tài trợ chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên, trong quan điểm hiện đại, các trường đại học không chỉ có trách nhiệm giải trình với Chính phủ mà còn đối với những bên liên quan khác như đối tác, phụ huynh, sinh viên và xã hội nói chung.  

Tại Việt Nam, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH công lập được đề cập lần đầu tiên trong Luật giáo dục năm 1998. Trong những năm tiếp theo, các quy định về kiểm định chất lượng, “ba công khai” là tiền đề để các cơ quan chính phủ cũng như xã hội kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập trên các phương diện như đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tài chính, nhân sự. Các cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH Việt Nam đang sử dụng hiện nay bao gồm: cấp phép, kiểm định, thanh tra, báo cáo, hội đồng trường, kiểm toán, cấp ngân sách theo kết quả, cho phép thôi học với tín chỉ chuyển đổi và học bổng và học phí. Mỗi một cơ chế giải trình được sử dụng nhằm hướng tới một hoặc nhiều nhóm đối tượng như Chính Phủ, cộng đồng, sinh viên hoặc phụ huynh trên các khía cạnh khác nhau (Bảng 1).

Bảng 1. Trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH công lập tại Việt Nam

Cấp phép chương trình đào tạo mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng với mục tiêu đảm bảo chất lượng và mức độ phù hợp của các cơ sở GDĐH công lập. Để chương trình đào tạo mới được cấp phép, các cơ sở GDĐH công lập cần phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cũng như nhận được các góp ý về chương trình và đề cương môn học từ đồng nghiệp. Phụ huynh và sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy một số thông tin tổng hợp của các tiêu chí này theo quy định “ba công khai” nhưng gặp khó khăn khi tiếp cận các thông tin đầy đủ về các chương trình đào tạo.

Kiểm định chất lượng cấp trường là một trong những yêu cầu bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở GDĐH công lập vào năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, đến tháng 9/2021 chỉ có 145 trường đại học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với 152 trường tham gia hoạt động đánh giá của các tổ chức kiểm định chất lượng theo quy định. Các quy định về hoạt động kiểm định chất lượng cũng được đổi mới trong những năm vừa qua như các trung tâm kiểm định chất lượng cấp quốc gia vận hành độc lập với sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kiểm định viên cần phải tuân theo các nguyên tắc nghề nghiệp được quy định cụ thể hoặc kết quả kiểm định dễ dàng được truy cập theo nguyên tắc “ba công khai”.

Thanh tra là hoạt động được thực hiện thường xuyên nhằm kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở GDĐH. Hoạt động thanh tra được thực hiện trên mọi phương diện như học thuật, tổ chức, nhân sự hoặc tài chính. Hoạt động thanh tra được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất và có thể đến từ nhiều đơn vị khác nhau (Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương…). Do đó các cơ sở GDĐH công lập phải tiếp các đoàn thanh tra khác nhau trong cùng một năm. Tuy nhiên các kết quả thanh tra thường ít được công khai với công chúng.

Báo cáo các cơ sở GDĐH công lập phải thực hiện các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị chủ quản… về các vấn đề hoạt động nội bộ bao gồm học thuật, tổ chức, nhân sự hoặc tài chính. Cơ chế “ba công khai” giúp công chúng có thể dễ dàng tiếp cận nội dung báo cáo của các cơ sở GDĐH công lập.

Hội đồng trường tại các cơ sở GDĐH công lập được thành lập với mục tiêu giám sát các hoạt động của Hiệu trưởng và phê duyệt các quyết định quan trọng của các cơ sở GDĐH. Không chỉ bao gồm các thành viên nội bộ của trường mà Hội đồng Trường còn bao gồm các thành viên bên ngoài đại diện cho các đơn vị chủ quản và các bên liên quan đến hoạt động của trường. Theo quy định, Hội đồng trường phải có ít nhất 15 thành viên và các thành viên đại diện cho đơn vị chủ quản hoặc các bên liên quan phải chiếm ít nhất 20% thành phần trong hội đồng trường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% cơ sở GDĐH cả nước có Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức.

Kiểm toán là cơ chế đặc biệt đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH công lập về mặt tài chính bên cạnh hoạt động thanh tra. Các đơn vị GDĐH công lập phải thực hiện hoạt động kiểm toán định kỳ và đột xuất theo quy định của pháp luật tương tự như hoạt động thanh tra. 

Cấp ngân sách theo kết quả là cơ chế quản lý của nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách công. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế cấp ngân sách theo kết quả chưa được áp dụng trong GDĐH tại Việt Nam.

Cho phép thôi học với tín chỉ có khả năng chuyển đổi là cơ chế giúp sinh viên có thể chuyển sang một cơ sở GDĐH mới với số tín chỉ đã được tích lũy từ cơ sở GDĐH ban đầu. Tuy nhiên, các cơ sở GDĐH công lập Việt Nam thực hiện hoạt động này dựa trên những quy định nghiêm ngặt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và chỉ được áp dụng hạn chế trong thực tế.

Học bổng và tín dụng là hoạt động giải trình được nhà nước thúc đẩy trong những năm vừa qua. Cơ chế học bổng được hình thành cho hai nhóm đối tượng chính là sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc và nhóm sinh viên có nhu cầu. Học bổng thường được quy đổi thành miễn giảm học phí và các đơn vị GDĐH công lập phải dành 8% nguồn thu hàng năm từ học phí cho học bổng. Đối với hoạt động tín dụng, các đơn vị GDĐH công lập triển khai thông qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ được ban hành ngày 27/09/2007 (Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, 2017). 

Bên cạnh những hoạt động giải trình với chính phủ, xã hội, một số đơn vị GDĐH công lập của Việt Nam cũng bắt đầu tham gia những hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế uy tín như tham gia vào các bảng xếp hạng đại học (Bảng xếp hạng QS hoặc THE)… hoặc các chương trình kiểm định chất lượng uy tín của khu vực như AUN-QA, HCERES… Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ chiếm thiểu số và chủ yếu dựa vào sự cố gắng của các đơn vị GDĐH công lập mà không có hỗ trợ nào đáng kể từ các đơn vị chủ quản cũng như chính phủ.

Thực tế cho thấy, rách nhiệm giải trình của các đơn vị giáo dục đại học Việt Nam chủ yếu vẫn được quan tâm dưới góc độ truyền thống tức trách nhiệm giải trình với cơ quan nhà nước mà bỏ qua khía cạnh giải trình với xã hội, phụ huynh và sinh viên. Mặt khác, cơ chế quản lý trách nhiệm giải trình hiện nay đang tạo gánh nặng cho các đơn vị GDĐH công lập khi tốn quá nhiều nguồn lực để đáp ứng các hoạt động thanh, kiểm tra của các đơn vị quản lý nhà nước với các nội dung tương tự nhau. 

Phạm Oanh

Tài liệu tham khảo

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam. (2017). Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên theo 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đến 31/1/2017).

Salmi, J. (2009). The growing accountability agenda in tertiary education: Progress or mixed blessing?

Vidovich, L., & Slee, R. (2001). Bringing universities to account? Exploring some global and local policy tensions. Journal of Education Policy, 16(5), 431–453.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm giải trình tại các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19