Kiểm tra đánh giá trong giáo dục: Sự khác biệt giữa 3 loại hoạt động kiểm tra đánh giá

Kiểm tra đánh giá (assessment) là một vấn đề nóng trong bối cảnh giáo dục ngày nay, đặc biệt là khi con người đặt từ “chuẩn hóa” lên trước. Kiểm tra đánh giá quá trình người học có ý nghĩa chẩn đoán điểm mạnh, điểm tồn tại của người học để người dạy có hoạt động giáo dục, dạy học phù hợp. Nhưng cũng có những loại kiểm tra đánh giá khác trong giáo dục nhằm cung cấp thông tin và hiểu biết có ý nghĩa cho các mục đích cụ thể trong suốt hành trình dạy và học.

Kiểm tra đánh giá khác nhau thu lại dữ liệu khác nhau, có thể được sử dụng để hỗ trợ những thông tin chi tiết khác nhau.

Do đó, bài viết của Julie Miles (tiến sĩ chuyên ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục) chỉ ra những giáo viên nên sử dụng loại kiểm tra đánh giá nào tại thời điểm nào cho phù hợp trong hành trình giảng dạy của bản thân. Trong bài viết, tác giả sẽ mô tả các loại kiểm tra đánh giá khác nhau có thể phù hợp với mục đích, dự định của giáo viên và cách giáo viên có thể sử dụng dữ liệu đánh giá để đưa ra nhận xét, đánh giá tổng kết (summative assessment).

Kiểm tra đánh giá trong giáo dục

Đo lường trong giáo dục (educational measurement) là quá trình thu thập thông tin một cách định lượng về các đại lượng đặc trưng như nhận thứ, tư duy, kĩ năng và các phẩm chất nhân cách khác trong quá trình giáo dục. Đo lường có thể thông qua việc thi kiểm tra để xác định mức độ người học nắm được kiến thức một môn học hoặc mức độ hiểu biết về một vấn đề nào đó. Kết quả thể hiện dưới dạng một đại lượng định lượng.

Các giáo viên sử dụng các bài kiểm tra đánh giá cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như cung cấp thông tin mô tả trình độ, năng lực của người học tại thời điểm đánh giá; nhận biết sự khác biệt giữa các người học, đánh giá đầu vào và đầu ra để đo lường thành tích học tập của người học,...

Sự khác biệt giữa 3 loại hoạt động kiểm tra đánh giá

Dựa vào những thông tin giáo viên thu được các hoạt động kiểm tra đánh giá của bản thân, giáo viên có thể xây dựng một hệ thống đánh giá thường bao gồm 3 loại đánh giá giáo dục khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau tùy thuộc vào thời điểm được thực hiện: đánh giá chẩn đoán (diagnostic assessment), đánh giá quá trình (formative assessment) và đánh giá tổng kết (sumative assessment).

- Đánh giá chẩn đoán (diagnostic assessment): Khi đánh giá diễn ra trước hoạt động học tập thì được gọi là chẩn đoán vì kết quả thu được có thể được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề cần tập trung trong quá trình giảng dạy sắp tới.

- Đánh giá quá trình (formative assessment): Khi đánh giá diễn ra trong quá trình học tập thì được gọi là đánh giá quá trình vì kết quả có thể được sử dụng để thông báo những việc cần làm tiếp theo cho cá nhân hoặc nhóm học sinh khi quá trình học tập đang diễn ra. Cả chẩn đoán và quá trình đều là các loại đánh giá cho việc học – nghĩa là giáo viên đánh giá việc thực hiện mục tiêu giáo dục, dạy học và hỗ trợ người học làm chủ kiến thức, kĩ năng.

- Đánh giá tổng kết (sumative assessment): Khi đánh giá diễn ra sau hoạt động học tập thì được gọi là đánh giá tổng kết vì đây đánh giá kết quả sau quá trình học tập đã diễn ra.

Hình 1: Sơ đồ về mối quan hệ giữa Đánh giá chẩn đoán – Đánh giá quá trình và Đánh giá tổng kết trong dạy và học

 Đánh giá chẩn đoán

Trong bài viết, Julie Miles đi sâu vào từng loại đánh giá. Bắt đầu với hoạt động đánh giá chẩn đoán. Nói chung, các giáo viên sử dụng loại đánh giá này để xác định những gì học sinh chưa học, chẩn đoán đầu vào, những thiếu sót nào trong kiến thức sẽ cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu học tập hoặc phát hiện ra điểm mạnh để có thể khuyến khích người học. Sau đó, giáo viên có thể sử dụng thông tin này để lập mục tiêu giáo dục, dạy học. Đánh giá chẩn đoán thường được sử dụng vào đầu năm học nhưng cũng bất cứ sử dụng bất cứ lúc nào trong suốt năm học (ví dụ: để đánh giá kiến thức tiên quyết trước khi chuyển sang kiến thức mới).

Đánh giá chẩn đoán có thể đặc biệt hữu ích cho giáo viên. Giáo viên có thể sử dụng thông tin đánh giá chẩn đoán để xây dựng mục tiêu giáo dục, dạy học cần thiết để hỗ trợ người học. Đồng thời, giáo viên cũng có thể sử dụng kết quả để xây dựng kế hoạch học tập cá nhân hóa cho từng cá nhân và chỉ định người học vào các nhóm để hướng dẫn theo nhóm nhỏ.

Đánh giá quá trình

Đánh giá quá trình được thực hiện trong suốt cả năm học, thường là bởi các giáo viên đứng lớp. Mục đích chính của đánh giá quá trình là thông báo cho giáo viên biết người học đang tiến bộ như thế nào, còn tồn tại những lỗ hổng nào trong quá trình học tập của người học và cách hướng dẫn người học điều chỉnh để cải thiện học tập, có thể bằng cách giảng lại kiến thức hoặc thậm chí thử thách một số người học với nhiệm vụ học tập mới có tính chất nâng cao.

Đánh giá quá trình không nhất thiết phải là một bài kiểm tra định kì mà có thể là những hoạt động như giơ tay phát biểu, brain dump (một hình thức người học sẽ ghi nhớ lại những điều mà bản thân suy nghĩ thông qua các phương tiện khác như ghi ra giấy nháp, viết trên máy tính,... nhằm hiện thực hóa các ý tưởng), bản đồ tư duy, câu đố,... Từ đó, các hoạt động này cung cấp phản hồi về học tập của người học ngay lập tức. Giáo viên có thể sử dụng dữ liệu này dưới dạng thông tin định lượng hoặc định tính để điều chỉnh hoạt động dạy và học phù hợp.

Trên thực tế, bất kỳ hình thức kiểm tra nào được thu thập và đánh giá một cách có hệ thống đều có thể cung cấp cho giáo viên cái nhìn sâu sắc để họ điều chỉnh hoạt động dạy học phù hợp. Bằng cách có đúng dữ liệu vào đúng thời điểm, giáo viên có thể đảm bảo rằng: Giáo viên giảng dạy phù hợp với trình độ và nhu cầu của người học; Giáo viên truyền đạt kiến thức hiệu quả và liền mạch; Hệ thống kiến thức được giáo viên sắp xếp theo trình tự linh hoạt và phù hợp với sự tiến bộ của từng cá nhân.

Bằng cách đánh giá quá trình và điều chỉnh việc dạy và học đúng lúc, giáo viên sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu giáo dục, dạy học đã đề ra mà giáo viên dự định cho người học đạt được.

Đánh giá tổng kết

Loại đánh giá cuối cùng là đánh giá tổng kết. Đánh giá tổng kết được sử dụng sau khi các hoạt động học tập đã kết thúc. Đây là hoạt động đo kết quả học tập và thường tập trung vào việc đánh giá mức độ thành thạo hoặc nắm vững nội dung sau khi kết thúc một chương, năm học,... Đây là phép đo kết thúc quá trình học tập, chẳng hạn như bài kiểm tra học kì hoặc bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa quy mô lớn và hiếm khi cung cấp thông tin hướng dẫn. Các kiểm tra đánh giá chủ yếu tập trung vào việc đo lường xem học sinh đã thành thạo hay hiểu biết về một bộ tiêu chí được xác định trước.

Sử dụng dữ liệu đánh giá để đưa ra đánh giá

Có 4 bước cơ bản trong việc sử dụng dữ liệu đánh giá: (1) Thu thập dữ liệu; (2) Biến dữ liệu thành thông tin bằng cách gán ý nghĩa cho dữ liệu; (3) Chuyển đổi thông tin đó thành những hiểu biết có liên quan; (4) Hành động dựa trên những hiểu biết đó.

Hình 2: Sơ đồ mô phỏng về 4 bước cơ bản trong việc sử dụng dữ liệu đánh giá

Tóm lại, một hệ thống kiểm tra đánh giá toàn diện sẽ bao gồm các đánh giá chẩn đoán, đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết. Mục tiêu của các hoạt động kiểm tra đánh giá như vậy là nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên bằng cách cung cấp cho giáo viên dữ liệu có thể chẩn đoán sự thiếu hụt kỹ năng, đo lường mức độ thành thạo các mục tiêu học tập dự định và lựa chọn phương pháp giảng dạy, học tập phù hợp.

Hệ thống kiểm tra đánh giá tốt nhất cần có sự tập trung tuyệt đối vào sự tiến bộ của cả người dạy và người học:  

- Vì sự tiến bộ cho phép giáo viên đề ra mục tiêu học tập được cá nhân hóa phù hợp với tất cả người học khi bắt đầu quá trình học tập.

- Giáo viên có thể đánh giá từng người học và đánh giá tác động của các phương pháp giảng dạy và học tập khác nhau.

- Tác động của giáo viên đối với việc học tập của học sinh là không giống nhau (do các yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của giáo viên).

- Và, quan trọng nhất, việc tập trung vào sự tiến bộ cho phép người học ở mọi cấp độ thể hiện sự khác biệt giữa đầu vào và đầu ra để đo lường thành tích học tập trong suốt năm học.

Đồng thời, tập trung vào sự tiến bộ của người học sẽ khuyến khích và công nhận sự chăm chỉ khi người học thể hiện sự cố gắng trên hành trình học tập cá nhân.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Julie Miles (2022) The 3 Different Types of Assessment in Education. Houghton Mifflin Harcourt (HMH). 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra đánh giá trong giáo dục: Sự khác biệt giữa 3 loại hoạt động kiểm tra đánh giá tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn