Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở GDĐH đầu tiên tiên phong trong quá trình trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập. Kể từ khi được thành lập, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cơ chế hoạt động độc lập với nhiều quyền tự chủ hơn về tài chính, hoạt động, tổ chức và nhân sự so với các cơ sở GDĐH khác trong hệ thống (Tran, 2014). Tiếp theo đó, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 03 đại học vùng cũng được thực hiện cơ chế hoạt động tương đồng với Đại học Quốc gia Hà Nội (Chính Phủ, 1994b, 1994a, 1994c, 1995). Nghị quyết 90 về xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục ra đời đã tạo tiền đề cho việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH (Chính Phủ, 1997). Tuy nhiên, phải đến 2005, Luật Giáo dục (Quốc Hội, 2005) và Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (Chính Phủ, 2005) mới tạo cơ chế để các cơ sở GDĐH công lập thực sự có cơ hội chuyển sang cơ chế tự chủ với “có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính” (trang 7) (Tran, 2014; Võ & Laking, 2020). Tiếp theo đó, Nghị định số 43 được ban hành vào năm 2006 đã quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các cơ sở GDĐH.
Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã trao quyền cho các cơ sở GDĐH được chủ động “trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy”(Khoản 1, Điều 29) (Quốc Hội, 2012). Đến năm 2014, 23 cơ sở GDĐH công lập tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập đã được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt tổ chức, học thuật, nhân sự và tài chính (Chính Phủ, 2014). Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tự chủ đại học trên ba khía cạnh tài chính, nhân sự và tổ chức trong phát triển giáo dục đại học (Quốc Hội, 2018).
Nguồn ảnh: VNU MEDIA
Theo đánh giá của một số lãnh đạo và quản lý của một số cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ và Bộ Giáo dục và đào tạo, các chính sách tự chủ đại học của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mặc dù các chính sách này đã có tác động tích cực đến quá trình tự chủ của các cơ sở GDĐH nhưng các chính sách mới chỉ chủ yếu tập trung vào các khía cạnh tài chính. Các chính sách hỗ trợ các cơ sở GDĐH có điều kiện đa dạng hóa nguồn thu và giảm áp lực tài trợ trong bối cảnh ngân sách tài trợ bị suy giảm và hệ thống GDĐH mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Các cơ sở GDĐH vẫn còn chịu nhiều kiểm soát trong các khía cạnh tự chủ khác đặc biệt trong khía cạnh nhân sự và học thuật (Võ & Laking, 2020). Ngoài ra, các quy định về tự chủ hiện hành vẫn hạn chế đáng kể quyền tự chủ pháp lý của các cơ sở GDĐH và có sự chồng chéo trong giữa các quy định về hoạt động của các cơ sở GDĐH (Tran, 2014; Võ & Laking, 2020). Thêm vào đó, hệ thống GDĐH cũng đang gặp khó khăn khi các chính sách tự chủ vừa hỗ trợ sự phát triển của hệ thống nhưng cũng hạn chế sự hình thành của các cơ sở GDĐH nghiên cứu do học phí vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn thu của các cơ sở GDĐH công lập tự chủ (Do & Mai, 2022).
Có thể thấy, mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH là một chính sách quan trọng hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội theo định hướng thị trường hóa. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách liên quan đến quá trình thị trường hóa, các chính sách tự chủ cần được nhà nước điều phối và quản lý nhằm đảm bảo tính công bằng và vai trò xã hội của các cơ sở GDĐH.
Phạm Oanh
Tài liệu tham khảo
Chính Phủ. (1994a). Nghị định số 30-CP của Chính Phủ về việc thành lập Đại học Huế.
Chính Phủ. (1994b). Nghị định số 31-CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên.
Chính Phủ. (1994c). Nghị định số 32-CP của Chính Phủ về việc thành lập Đại học Đà Nẵng.
Chính Phủ. (1995). Nghị định Chính phủ số 16/CP về việc thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính Phủ. (1997). Nghị quyết 90—CP về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
Chính Phủ. (2005). Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Chính Phủ. (2014). Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.
Do, H. T. H., & Mai, A. N. (2022). Policies on university autonomy in Vietnam. Journal of Further and Higher Education, 46(5), 575–585.
Hayden, M., & Thiep, L. Q. (2007). Institutional autonomy for higher education in Vietnam. Higher Education Research & Development, 26(1), 73–85. https://doi.org/10.1080/07294360601166828
National Assembly. (2005). Luật Giáo Dục của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 (Education Law No. 38/2005/QH11 of June 14, 2005). Vietnamese Government.
Quốc Hội. (2012). Luật Giáo dục Đại học.
Quốc Hội. (2018). Luật Giáo dục đại học sửa đổi. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-sua-doi-388254.aspx
Tran, T. T. (2014). Governance in higher education in Vietnam–a move towards decentralization and its practical problems. Journal of Asian Public Policy, 7(1), 71–82.
Võ, M. T. H., & Laking, R. (2020). An institutional study of autonomisation of public universities in Vietnam. Higher Education, 79(6), 1079–1097. https://doi.org/10.1007/s10734-019-00457-6
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.