Từ 2007, Hiệp hội các trường đại học ở châu Âu đã bắt đầu thu thập dữ liệu và thực hiện đánh giá mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học thuộc 34 quốc gia thuộc châu lục này. Đến 2009, kết quả đánh giá và so sánh mức độ tự chủ đại học của các quốc gia tại châu Âu lần đầu tiên được công bố. Đến năm 2011, bộ chỉ số đánh giá mức độ tự chủ đại học được ra mắt bao gồm hơn 30 tiêu chí trên bốn phương diện học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính. Phiên bản này cũng lần đầu tiên giới thiệu phương pháp tính điểm và so sánh giữa các cơ sở giáo dục đại học (Pruvot & Estermann, 2017). Qua đó, bộ công cụ này trở thành công cụ chính trong quá trình đánh giá tự chủ đại học tại châu Âu. Trong phiên bản đầu tiên vào năm 2009, bộ chỉ số bao gồm hơn 30 tiêu chí và được tính điểm dựa trên mức độ quan trọng của mỗi chỉ số (Estermann & Nokkala, 2009). Đến năm 2011, bộ chỉ số phát triển thành 39 tiêu chí và được đánh giá tổng hợp của lượng hóa các chỉ số và phương pháp khấu trừ (Estermann et al., 2011). Phiên bản thứ ba được ra mắt vào năm 2017 tiếp tục phát triển và hoàn thiện bộ chỉ số và phương pháp đánh giá của phiên bản thứ hai được ra mắt trước đó (Pruvot & Estermann, 2017). Theo cách tính điểm này, các chỉ số sẽ lần lượt được đánh giá từ 100 đến 0 điểm. Điểm số sẽ được khấu trừ dần theo mức độ tự chủ giảm dần và mức độ khấu trừ là khác nhau đối với những hạn chế của hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo đánh giá của chuyên gia. Kết quả cuối cùng sẽ được xác định dựa trên tổng số điểm của các chỉ số và trọng số cho từng chỉ số dựa vào mức độ quan trọng của nó. Những hệ thống giáo dục đại học có mức độ tự chủ cao sẽ có tổng số điểm từ 100-81%, mức độ tự chủ trung bình có số điểm từ 60-41% và những hệ thống có mức độ tự chủ thấp có số điểm dưới 40%.
Kết quả phân tích mức độ tự chủ của 24 quốc gia châu Âu cho thấy, nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học ở châu Âu có quyền tự chủ cao hơn về mặt nhân sự và cơ cấu tổ chức, trong khi đó, quyền tự chủ về tài chính và học thuật có nhiều hạn chế hơn (Orosz, 2018). Dựa trên khung đánh giá của Hiệp hội các trường đại học ở châu Âu, các nhà khoa học đã thực hiện các phân tích đánh giá mức độ tự chủ cho một số quốc gia khác như Ethoiopia, Moldova, Kazakhstan…
Bảng 1. Khung đánh giá mức độ tự chủ của hệ thống giáo dục đại học ở châu Âu
Nguồn: Pruvot & Estermann (2017)
Oanh Phạm lược dịch
Tài liệu tham khảo
Estermann, T., & Nokkala, T. (2009). University Autonomy in Europe. European University Association. http://www.rkrs.si/gradiva/dokumenti/EUA_Autonomy_Report_Final.pdf
Estermann, T., Nokkala, T., & Steinel, M. (2011). University Autonomy in Europe II. European University Association. https://eua.eu/downloads/publications/university%20autonomy%20in%20europe%20ii%20-%20the%20scorecard.pdf
Orosz, K. (2018). Interconnected Dimensions of University Autonomy in Europe. In A. Curaj, L. Deca, & R. Pricopie (Eds.), European Higher Education Area: The Impact of Past and Future Policies (pp. 639–649). Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-319-77407-7_38
Pruvot, B. E., & Estermann, T. (2017). University Autonomy in Europe III. European University Association.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.