THÔNG BÁO SỐ 1| Hội thảo khoa học Quốc gia “Lý luận và thực tiễn Giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”

 

THÔNG BÁO SỐ 1

Về việc tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia

“Lý luận và thực tiễn Giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”

    Kính gửi: - Các Sở Giáo dục và Đào tạo;

                     - Các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Viện nghiên cứu;

Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giáo dục quốc phòng là môn học chính khoá trong các trường, lớp đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các trường chính trị, hành chính và đoàn thể. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên, ngoài việc nâng cao dân trí về quốc phòng, an ninh, GDQPAN góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức quốc phòng, an ninh đúng đắn, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ GDQPAN là thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, thắp sáng ngọn lửa truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc.

Những năm qua, công tác GDQPAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh. Tuy nhiên, yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDQPAN, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quan trọng này.

 Để góp phần đánh giá thực trạng nghiên cứu và triển khai các hoạt động trong công tác GDQPAN những năm vừa qua, cập nhật và dự báo từ những nghiên cứu giai đoạn mới, tiếp theo, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả GDQPAN trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, bối cảnh có nhiều tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay tới nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, Tạp chí Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng và Học viện Chính trị Công an nhân dân - Bộ Công an phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề:

Lý luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Hội thảo cũng sẽ tạo không gian mở cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học… ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các Sở GD&ĐT… chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn, ý kiến về thực tiễn, chính sách trong thực tiễn GDQPAN. Từ đó, Ban tổ chức sẽ có những tổng hợp để báo cáo, đề xuất các cấp lãnh đạo các nội dung liên quan đến chính sách, thực tiễn về công tác GDQPAN ở mỗi lĩnh vực.

Một số thông tin ban đầu về Hội thảo như sau:

1. Thời gian, địa điểm

- Thời gian: thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023

- Địa điểm: Hội trường A, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, 124 Ngô Quyền, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

2. Nội dung Hội thảo

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề cơ bản dưới đây:

1) Lý luận và thực tiễn GDQPAN trong bối cảnh mới.

2) Chính sách GDQPAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3) Đào tạo giáo viên GDQPAN trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4) Chuyển đổi số trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, trong dạy và học - nhu cầu, thực trạng, thách thức và khuyến nghị.

3. Thời gian, thể lệ gửi bài Hội thảo

+ Thời gian gửi bài: Tác giả gửi toàn văn bài viết trước ngày 05/3/2023 tới địa chỉ Email: tapchigiaoduc@moet.edu.vn

- Trình bày bài viết: Bài viết bằng tiếng Việt, có dung lượng 4000-6000 từ (một âm tiết) trên khổ giấy A4, với phông chữ Times New Roman, cỡ 12, cách dòng 1.5.

- Cấu trúc bài viết: Tác giả cần tuân theo cấu trúc như sau:

+) Tên bài viết (tiếng Việt, tiếng Anh);

+) Họ tên tác giả, học hàm học vị, tên đơn vị. Lưu ý: tác giả ghi rõ địa chỉ email, số điện thoại để Ban tổ chức liên hệ, trao đổi.

+) Tóm tắt (tiếng Việt và tiếng Anh, từ 250-300 từ) phải gồm 3 phần: bối cảnh, kết quả, bàn luận.

+) Từ khóa (tiếng Việt, tiếng Anh): từ 04 đến 06 từ khóa.

+) Nội dung bài viết gồm 03 phần: phần 1. Mở đầu (trình bày về bối cảnh, mục đích, phương pháp nghiên cứu); phần 2. Kết quả nghiên cứu; và phần 3. Kết luận (trình bày về các kết luận của nghiên cứu, một số bình luận từ kết quả nghiên cứu);

+) Tài liệu tham khảo (theo chuẩn APA 7th). Lưu ý: Tối thiểu 07 tài liệu tham khảo, không hạn chế số lượng tài liệu tham khảo; tất cả tài liệu cần phải được trích dẫn (không trích dẫn theo hình thức footnote); nên tham khảo các tài liệu là bài báo khoa học, xuất bản trong khoảng 5 năm gần đây; nên có những tài liệu tham khảo quốc tế.

Mẫu bài viết có thể download hoặc quy định tại địa chỉ:

https://tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn/index.php/tapchi/submission-guidelines

4. Về công bố khoa học và báo cáo tại Hội thảo

+ Các bài báo toàn văn sẽ được biên tập và thẩm định theo quy định của Tạp chí Giáo dục. Nếu được chấp nhận đăng sẽ được công bố trên một số đặc biệt, tiếng Việt của Tạp chí Giáo dục (ISSN: 2354-0753, Website: https://tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn).

+ Các bài báo có chất lượng tốt nhất, đề cập tới những vấn đề được quan tâm nhất sẽ được chọn lựa để báo cáo toàn thể hoặc báo cáo tại các tiểu ban của Hội thảo. Khi đó, các nhóm tác giả sẽ được yêu cầu gửi file báo cáo (bản PowerPoint) tới Ban tổ chức Hội thảo.

5. Kinh phí tham dự

+ Đại biểu mời và đại biểu tham dự: miễn phí.

+ Lệ phí đăng bài: Theo quy định của Tạp chí Giáo dục; quy định của Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng; quy định của Học viện Chính trị Công an nhân dân - Bộ Công an.

6. Đón tiếp đại biểu và đăng kí tham dự

+ Ban Tổ chức đón tiếp đại biểu tại địa điểm: Hội trường A, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, 124 Ngô Quyền, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

+ Các chi phí đi lại khác và lưu trú do đại biểu tự túc.

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Về chuyên môn: ThS. Nguyễn Huy Hùng, Phó Trưởng Ban thư kí, Tạp chí Giáo dục; Điện thoại: 0904222694.

Về công tác tổ chức:

1) PGS. TS Trần Hậu Tân - Phó trưởng Phòng Khoa học quân sự (Phụ trách phòng), Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng; Điện thoại: 0982199668.

2) TS. Lê Thanh Hoài - Thượng tá, Trưởng phòng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Bộ Công an; Điện thoại: 0915195668.

Kính mong nhận được sự hợp tác và tham dự của Quý vị và Quý cơ quan./.

 

          BAN TỔ CHỨC

 

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19