Mục tiêu của các tạp chí khoa học là đóng vai trò “đầu ra” cho những ý tưởng và nghiên cứu hiện tại, tiên tiến nhất, giúp định hình và thay đổi lĩnh vực nghiên cứu. Khi nghiên cứu về một chủ đề phát triển, và một lĩnh vực nghiên cứu hướng tới một chuyên ngành, ngày càng có nhiều tạp chí liên quan đến chủ đề đó phát triển. Cuối cùng, các chuyên ngành phụ và sau đó là các chuyên ngành nhỏ hẹp hơn sẽ phát sinh, và việc theo dõi và nắm bắt danh sách các tạp chí trong tổng thể lĩnh vực đó sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, dường như tiêu chí về bài đăng tạp chí khoa học đã là đủ để có thể đánh giá công việc của các giảng viên khi xét thăng tiến và đánh giá mức lương mà họ có thể nhận được, đặc biệt nếu việc đánh giá có tính đến số lượng và chất lượng công trình chứ không chỉ đơn thuần là “đo độ dài” lý lịch khoa học. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực đang phát triển, có rất ít thước đo được sử dụng để đánh giá chất lượng và uy tín tương đối của các tạp chí.
Nghiên cứu của nhóm tác giả được xây dựng dựa trên lý thuyết uy tín của Wegener năm 1992; lý thuyết này lại có cơ sở từ các chùm lý thuyết xung đột. Wegener đã phân loại các lý thuyết về uy tín thành bốn loại chính: 1) lý thuyết trật tự hợp lý, trong đó nền tảng của uy tín là dựa trên thành tích; 2) lý thuyết xung đột hợp lý, trong đó nền tảng của uy tín dựa trên lòng tự trọng; 3) lý thuyết xung đột chuẩn tắc, trong đó nền tảng uy tín dựa trên danh dự, và 4) lý thuyết trật tự chủ quan, trong đó nền tảng uy tín dựa trên khả năng thu hút. Dựa trên các khái niệm của Wegner về lý thuyết uy tín - xung đột, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu nhận thức về uy tín tạp chí của các giảng viên đại học. Lý thuyết uy tín - xung đột đã hỗ trợ các tác giả lựa chọn thiết kế nghiên cứu, phát triển công cụ và xác định phương pháp phân tích dữ liệu.
Các câu hỏi nghiên cứu của đề tài bao gồm: Bản chất của uy tín của các tạp chí trong lĩnh vực giáo dục đại học là gì, yếu tố nào được coi là quan trọng nhất đối với uy tín, tạp chí nào được coi là hữu ích nhất, được mong muốn xuất bản nhất và uy tín nhất? Trong số 183 tạp chí được đề cập trong nghiên cứu này, chỉ có 79 tạp chí được thống kê đầy đủ các chỉ số trên cơ sở dữ liệu của Elsevier và 27 tạp chí có đầy đủ chỉ số được thống kê trên cơ sở dữ liệu của Clarivate.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát triển chưa từng có của nghiên cứu giáo dục đại học đã dẫn đến nhu cầu làm rõ vị thế của các tạp chí khoa học ngày càng tăng. Các thông tin này sẽ giúp các giảng viên đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong việc chọn lựa nơi gửi gắm xuất bản các công trình khoa học của mình, và giúp những người làm nhiệm vụ đánh giá công việc của các giảng viên cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về năng lực học thuật của các cán bộ. Tương tự như vậy, việc thiếu kiến thức về vị thế của tạp chí có ảnh hưởng rõ ràng đối với giảng viên, vì công trình khoa học được xuất bản “có ảnh hưởng đến các quyết định thăng tiến và bổ nhiệm, tình trạng của giảng viên và tăng lương”.
Từ nghiên cứu này, các tác giả đã kết luận được yếu tố được các giảng viên tin là có vai trò quan trọng nhất đối với uy tín của một tạp chí: đó là quy trình phản biện kín. Ngoài ra, tỉ lệ chấp nhận bài, số lượng độc giả là các nhà khoa học, hệ số tác động (IF), chỉ mục SSCI và thời gian hoạt động của tạp chí cũng là những yếu tố được đánh giá rất quan trọng. Quan niệm của các giảng viên, các đơn vị nghiên cứu về những yếu tố góp phần vào sự hữu ích của tạp chí và những yếu tố tạo nên uy tín phần nào trùng nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Các tác giả bài báo cũng chỉ ra rằng rằng nhận thức về uy tín có phần cố định. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, không có nhiều sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, đã có một số biến động trong việc xếp hạng các tạp chí, vì vậy nhận thức về yếu tố uy tín không nên hoàn toàn cứng nhắc.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Bray, N. J., & Major, C. H. (2022). Status of Journals in the Field of Higher Education Revisited. Innovative Higher Education. https://doi.org/10.1007/s10755-022-09633-6
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.